Đóng cửa ngày 30/11, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu khiến cho chỉ số MXV-Index giảm mạnh 2,9% xuống còn 2.216 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số hàng hoá này. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ xuống còn 4.100 tỷ đồng, tuy nhiên đây vẫn là mức cao so với tuần vừa qua nhờ một lượng lớn vị thế bán được mở ra trên nhóm năng lượng và nông sản.
Là một trong những mặt hàng được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, nhóm dầu thô thuộc thị trường năng lượng bất ngờ quay đầu giảm mạnh trong ngày hôm qua. Trong đó, giá dầu WTI trên sở NYMEX giảm gần 5,4% xuống còn 66,2 USD/thùng, giá dầu Brent trên sở ICE giảm 5,4% xuống còn 69,2 USD/thùng. Nguyên nhân khiến cho dầu thô chịu áp lực bán mạnh trong ngày tiếp tục đến từ những lo ngại về triển vọng nền kinh tế sau khi biến chủng Covid-19 mới mang tên Omicron xuất hiện.
Giới phân tích cho rằng, nếu dịch Covid-19 gây ra một đợt phong toả trên diện rộng thì nhu cầu dầu của thế giới trong quý I năm sau có thể giảm đến gần 3 triệu thùng/ngày. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), hôm nay nhiều khả năng sẽ là một ngày giao dịch bận rộn với các nhà đầu tư dầu thô trước Báo cáo tồn kho dầu hàng tuần của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ và cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Cuộc họp này sẽ đánh giá triển vọng của thị trường sau khi dịch bệnh bùng phát và Mỹ mở kho dự trữ chiến lược và lấy đó làm căn cứ cho cuộc họp chính sách sắp tới.
Sự sụt giảm của giá dầu thô cũng đã kéo theo đà giảm của các mặt hàng có liên quan khác thuộc nhóm nông sản. Trong đó, giá dầu đậu tương giảm mạnh 5,3% xuống còn 1.217 USD/tấn, giá lúa mì Chicago và Kansas đồng loạt giảm hơn 4% xuống còn lần lượt 299,3 USD/tấn và 302 USD/tấn.
Bên cạnh những tín hiệu tiêu cực về triển vọng nền kinh tế do những sự bùng phát của dịch Covid-19 gây ra, thị trường vẫn chưa đón nhận những thông tin bất ngờ nào tác động trực tiếp đến cung-cầu của mặt hàng này. Do đó, giá lúa mì vẫn đang được hỗ trợ neo ở mức cao như hiện nay. Xét về nguồn cung, trong khi Nga vẫn tiếp tục tăng thuế xuất khẩu lúa mì thì tại Úc, sự xuất hiện của những đợt mưa lớn đã ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cây trồng.
Trong khi đó, tốc độ nảy mầm của lúa mì vụ đông tại Mỹ theo báo cáo của bộ nông nghiệp nước này đang đạt 92%, chỉ tương đương với mức của cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ so với mức trung bình của 5 năm. Như vậy có thể thấy, nguồn cung lúa mì vẫn chưa hoàn toàn ổn định và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá của mặt hàng này trong những phiên sắp tới.
Đối với nhu cầu tiêu thụ, lúa mì vẫn được xem là mặt hàng lương thực quan trọng đối với các nước khu vực Trung Đông. Cụ thể, Ai Cập thông báo vừa mua 240.000 tấn lúa mì của Nga với mức giá cao kỷ lục kể từ đầu tháng 8 cho đến nay. Do đây là quốc gia nhập khẩu lúa mì số 1 trên thế giới nên thông tin trên đã giúp lúa mì kìm hãm được phần nào đà giảm trong phiên ngày hôm qua.
Còn đối với nhu cầu trong nước, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục hải quan, nhập khẩu lúa mì của nước ta trong nửa đầu tháng 11 đạt 210.748 tấn, trị giá khoảng 68,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng mạnh 128% về lượng và 208% về giá trị. Điều này đã phản ánh rõ ràng xu hướng tăng về giá và nhu cầu tiêu thụ của mặt hàng này trong thời gian gần đây.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam
Bài viết liên quan