Đóng cửa ngày 01/11/2021, chỉ số hàng hóa MXV-Index hồi phục trở lại sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, tăng 0,6% lên mức 2.394 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.500 tỷ đồng trong đó nhóm nông sản đang dần lấy lại sự quan tâm của giới đầu tư, khi chiếm khoảng 50% tổng giá trị giao dịch.
Mặt hàng ngô trên sở Chicago đang là điểm sáng của thị trường với chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, đưa giá lên mức 227,9 USD/tấn. Các mặt hàng lúa mì cũng chứng kiến những mức tăng đột phá trong ngày hôm qua. Cụ thể, giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 12 tăng 3,2% lên mức 292,9 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ đầu năm 2013. Trong khi giá lúa mì Kansas cũng tăng 2,6% lên gần 300 USD/tấn, phá vỡ mức kỷ lục 7 năm đã thiết lập trước đó.
Giá lúa mì thế giới đang được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung khi Nga liên tục tăng thuế để hạn chế xuất khẩu, trong bối cảnh sản lượng trong nước dự báo sẽ sụt giảm rất mạnh trong năm nay. Cụ thể, tính từ ngày 03/11 đến ngày 09/11, thuế xuất khẩu lúa mì sẽ tăng 2,9 USD/tấn lên mức 69,9 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ khi chính sách thuế thả nổi có hiệu lực. Trong năm 2021, sản lượng lúa mì Nga dự báo sẽ bị giảm tới 15% so với năm ngoái do thời tiết hạn hán.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo mới nhất của Bộ Nông Nghiệp Mỹ cho biết tốc độ gieo trồng lúa mì vụ đông hiện đang chậm hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chất lượng cũng bị giảm 1% so với tuần trước. Đây đều là các thông tin hỗ trợ giá và đang giúp lúa mì tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay.
Đối với thị trường trong nước, theo Tổng cục Hải quan, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu lúa mì về Việt Nam đạt 3,7 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD. Đây là mức tăng 80% về lượng và 101% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng nhập khẩu lớn, trong khi giá thế giới liên tục tăng cao, sẽ gây sức ép đến hoạt động xay xát bột mì và sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước ta trong giai đoạn trước tết Nguyên nguyên đán. Trong số các đối tác lớn, lượng nhập khẩu từ Nga giảm mạnh gần 90% xuống chỉ còn 47.000 tấn. Trong khi đó, nhập khẩu lúa mì từ Australia đến nay đã đạt hơn 2,7 triệu tấn, chiếm tới 73% tổng lượng nhập khẩu.
Bài viết liên quan