Đóng cửa ngày 20/10, sắc xanh áp đảo trên toàn bộ 4 nhóm mặt hàng cơ bản, giúp chỉ số MXV-Index có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 1,13% lên mức 2.434 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ xuống dưới 3.000 tỷ đồng trong phiên hôm qua, do giới đầu tư đang chưa tìm được điểm mở vị thế thích hợp khi giá các các loại hàng hóa đều đã ở vùng cao trong lịch sử. Các nhà đầu tư thường sẽ chọn thời điểm giá điều chỉnh để đẩy mạnh dòng tiền vào thị trường.
Trên sở Chicago, các mặt nông sản đang kéo dài chuỗi ngày thăng hoa với phiên tăng mạnh hôm qua. Dầu đậu tương đánh dấu phiên tăng thứ 6 liên tiếp, với mức tăng 3,7% lên mức 1.426 USD/tấn.
Đây cũng là mức giá cao nhất 3 tháng của mặt hàng này. Bên cạnh đó, hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 1,7% lên mức 212 USD/tấn. Đây là hai mặt hàng được sử dụng để sản xuất dầu diesel sinh học và ethanol, hai loại nhiên liệu dùng để pha trộn vào xăng dầu, theo đúng chính sách năng lượng xanh của các quốc giá phát triển. Vì thế, khi giá dầu tăng mạnh như thời gian qua, giá các mặt hàng này cũng được hỗ trợ rất nhiều.
Báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) tối qua cho biết sản lượng ethanol của Mỹ có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, lên gần 1,1 triệu thùng/ngày. Đây là thông tin hỗ trợ giá ngô, bởi nhu cầu sử dụng ngô cho sản xuất ethanol đang tăng lên.
Tác động của giá dầu không chỉ được thể hiện ở nhóm nông sản, mà mặt hàng dầu cọ trên sở Bursa Malaysia cũng tăng lên mức 1.244 USD/tấn, là mức cao nhất trong lịch sử. Nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu tăng mạnh sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thị trường này đi lên trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thông tin từ Argentina, nước xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương lớn nhất thế giới cho biết thời tiết khô hạn dự báo sẽ kéo dài trong 2 tuần tới và sẽ ảnh hưởng tới tiến độ gieo trồng cây đậu tương và ngô niên vụ 2021/22 tại quốc gia này. Hiện nay, ngô tại Argentina đã gieo trồng được hơn 23% diện tích dự kiến, chậm hơn mức 29% trung bình 5 năm qua. Tiến độ mùa vụ chậm sẽ khiến nguồn cung ngô Argentina ra thị trường chậm hơn mọi năm và sẽ tác động tiêu cực đến các nước nhập khẩu lớn như Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tới hơn 4 triệu tấn ngô từ Argentina, chiếm 52% tổng lượng nhập khẩu ngô của nước ta.
Cũng thuộc nhóm nông sản, mặt hàng lúa mì đang được hỗ trợ bởi thông tin thuế xuất khẩu của Nga tăng lên mức cao nhất từ đầu niên vụ cho đến nay trong khi đồng Đô la lại giảm. Cụ thể thuế đã được ấn định ở mức 61 USD/tấn trong tuần từ 20 đến 26/10, tăng 2,6 USD/tấn so với tuần trước. Sản lượng thu hoạch lúa mì ở nước này tính đến ngày 18/10 đạt 77 triệu tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong mùa vụ tới do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn. Trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 9 năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 47.000 tấn lúa mỳ của Nga với kim ngạch 13,9 triệu Dollar Mỹ.
Tại thị trường chăn nuôi trong nước, giá lợn tiếp tục sụt giảm mạnh trong sáng nay. Với giá chỉ từ 35.000 – 36.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lỗ tới 1,5 triệu đồng/con, trong khi muốn bán cũng không hề dễ dàng. Thương lái trước kia mua từ 30 – 50 heo thịt mỗi lần, thì nay chỉ mua từ 5 – 10 con do tiêu thụ khó khăn.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng đồng loạt tăng thêm từ 300 – 400 đồng/kg trong tuần này theo đà tăng của giá nông sản Chicago, nên người chăn nuôi đang vừa gặp khó về đầu vào, lại bế tắc về đầu ra. Có thể nói ngành chăn nuôi đang ở trạng thái khó khăn nhất kể từ sau dịch tả châu Phi năm 2018
Bài viết liên quan