Kết thúc tuần vừa qua, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến sự phân hóa mạnh ở 4 nhóm mặt hàng cơ bản. Trong khi các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và nông sản thăng hoa, thì sự suy yếu của nhóm năng lượng và kim loại đã khiến chỉ số hàng hoá MXV-Index giảm 0,9% xuống còn 2.361 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Các nhà đầu tư trong nước đang có xu hướng mở và nắm giữ các vị thế trong ngày, khi thị trường chưa có xu hướng thực sự rõ ràng.
Các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng trong tuần vừa rồi đã trải qua những phiên giao dịch bận rộn trước sự suy yếu của các mặt hàng dầu thô. Cụ thể, giá dầu WTI trên sở NYMEX giảm 4,7% xuống còn 75,9 USD/thùng, giá dầu Brent trên sở ICE giảm gần 4% xuống còn 78,9 USD/thùng. Như vậy, 2 mặt hàng này đã đồng loạt mất đi mốc 80 USD/thùng trước sự ảnh hưởng từ các thông tin cơ bản liên quan đến cả nguồn cung lẫn nhu cầu.
Xét về nguồn cung, tâm lý thị trường một lần nữa bị đè nặng trước tin Trung Quốc sẽ giải phóng 10 cho đến 15 triệu thùng dầu để giải quyết tình trạng thiếu hụt trong giai đoạn cuối năm. Ngay sau khi thông tin này được công bố trên các trang tin quốc tế, giá dầu đã giảm gần 2 USD/thùng chỉ trong khoảng chưa đầy 1 tiếng.
Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động khai thác dầu khí với số giàn khoan dầu khí đang ở mức 461 giàn, tăng 230 giàn so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó thì một số quốc gia khác như Na Uy hay Nhật Bản cũng đã tăng lượng dầu cung ứng cho thị trường với mong muốn kìm hãm đà tăng giá của các mặt hàng nhiên liệu trong thời gian vừa qua. Việc các nước trên thế giới cùng tham gia giải quyết tình trạng lạm phát giá nhiên liệu đã giúp nguồn cung dầu thế giới được đảm bảo và cũng trở thành nguyên nhân khiến cho giá dầu thô liên tục suy yếu.
Trong khi nguồn cung đã được bù đắp, thì các thông tin liên quan tới nhu cầu dầu lại đang tác động tiêu cực đến xu hướng giá của các mặt hàng này. Đáng chú ý nhất là sự quay lại của dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho quá trình hồi phục nền kinh tế tại các nước bị gián đoạn. Cụ thể, tại Úc, nhập khẩu dầu thô và các nguyên liệu đầu vào của các nhà máy lọc dầu trong tháng 9/2021 đã giảm xuống còn gần 238 nghìn thùng/ngày, là mức thấp nhất trong vòng 14 tháng do tình trạng phong toả kéo dài tại các thành phố chính. Bên cạnh đó, ở các nước khu vực châu Âu, thông lượng cũng đã giảm đáng kể do số ca nhiễm covid-19 đang tăng lên mức đáng báo động. Trong đó, Pháp là quốc gia có nhu cầu về dầu giảm sâu nhất.
Bài viết liên quan