Đóng cửa tuần trước, chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm 1,06% xuống còn 2.394 điểm. Tuy nhiên giá trị giao dịch trung bình toàn Sở lại chứng kiến mức tăng lên gần 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, do dòng tiền của giới đầu tư trong nước đang đổ mạnh vào các thị trường nông sản và năng lượng. Hai mặt hàng này chiếm tới 70% giá trị giao dịch tại Việt Nam, và đây vẫn sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trên Sở Chicago, mặt hàng khô đậu tương dẫn đầu đà tăng với mức tăng 3,4% lên 361 USD/tấn, ngô tăng 2,3% lên mức 212 USD/tấn. Đặc biệt, mặt hàng lúa mì đã có những bứt phá đáng kể trong tuần vừa qua. Với mức tăng trong khoảng từ 3-4%, giá lúa mì Chicago đạt 278 USD/tấn, là mức cao nhất trong 2 tuần trong lại đây, trong khi lúa mì Kansas đang được giao dịch ở mức 284 USD/tấn, vượt lên ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua.
Hỗ trợ cho đà tăng mạnh của mặt hàng này là những thông tin liên quan đến sự sụt giảm nguồn cung toàn cầu và thời tiết không thuận lợi tại các nước xuất khẩu chính. Cụ thể, tại Argentina, điều kiện thời tiết không thuận lợi đã khiến cho chất lượng lúa mì chỉ đạt 44% ở mức tốt, giảm 2 điểm phần trăm so với tuần trước và có thể sẽ tiếp tục sụt giảm trước những dấu hiệu về sự xuất hiện của mô hình thời tiết La Nina trong giai đoạn cuối năm nay.
Còn ở Nga, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, năng suất thu hoạch lúa mì báo cáo chỉ đạt 2,8 tấn/hécta, thấp hơn so với mức 3,1 tấn/hécta của năm ngoái. Chính vì điều này nên chính phủ Nga đã nâng mức thuế xuất khẩu lúa mì trong tuần tới lên 67 USD/tấn, tăng 5,7 USD/tấn so với tuần trước, đánh dấu tuần thứ 5 tăng liên tiếp và là mức cao nhất kể từ khi chính sách thuế thả nổi được áp dụng. Nga đang muốn đảm bảo nguồn cung trong nước và hạn chế xuất khẩu.
Theo đánh giá của Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam, điều này sẽ tác động tích cực lên giá hàng hóa thế giới, và sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới các quốc gia nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam mới chỉ nhập khẩu hơn 47.000 tấn lúa mỳ từ Nga, giảm rất mạnh so với mức 380.000 tấn đã nhập khẩu cùng kỳ năm ngoái.
Chuyển sang một điểm nóng khác trên thị trường hàng hóa, đó là nhóm năng lượng, giá 2 mặt hàng dầu thô vẫn duy trì được đà tăng của mình, trong đó giá hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX tăng 2,5% lên trên 83 USD/thùng, hợp đồng dầu Brent cùng kỳ hạn trên sở ICE tăng 0,8% lên trên 85 USD/thùng. Giá dầu hiện đã có chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp và tăng tới 40% trong vòng 2 tháng qua. Trong khi đó, giá khí tự nhiên trên sở NYMEX đã điều chỉnh giảm khoảng 2,5% xuống còn gần 5,5 USD/ Triệu đơn vị nhiệt Anh.
Mặc dù dầu thô trong tuần cũng chứng kiến những phiên điều chỉnh giảm, nhưng giá đóng cửa tuần lại hồi phục nhanh chóng nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến tại Trung Quốc. Cụ thể, nước này đã gia tăng nhập khẩu dầu diesel nhằm giải quyết vấn đề năng lượng trong mùa đông. Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương, các chuyên gia nhận định ngày mai giá xăng có khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh theo xu hướng chung của toàn thế giới. Trong 15 ngày qua, giá dầu thế giới đã tăng hơn 6%.
Còn đối với khí tự nhiên, các thông tin liên quan đến thời tiết và nguồn cung dần ổn định trở lại đang là yếu tố gây áp lực lên giá trong tuần. Theo đó, nhu cầu sưởi ấm bằng khí tự nhiên tính từ đầu tháng 10/2021 chỉ đạt trung bình 14,9 tỷ feet khối/ngày, là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017 do nhiệt độ đã đạt mức ấm nhất kể từ tháng 10 năm 2005. Tại châu Âu, mùa đông năm nay cũng được dự báo sẽ không quá lạnh như những năm trước đó.
Tuy nhiên giá khí tự nhiên vẫn đang duy trì ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, lượng khí đốt hoá lỏng nhập khẩu trong 2 tuần đầu tháng 10 đạt 67,5 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 55,8 triệu USD. Tổng lượng nhập khẩu luỹ kế từ đầu năm đã đạt 1,5 triệu tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng giảm nhẹ 10% về lượng nhưng tăng mạnh 70% về giá trị, cho thấy tốc độ tăng phi mã của giá mặt hàng này trong 1 năm qua.
Bài viết liên quan