NÔNG SẢN
Ngô
Giá ngô kết phiên 31/7 với mức giảm lên tiws 3,25%, kéo dài đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp trước triển vọng thời tiết khả quan hơn tại Mỹ thời gian tới
Giá ngô hợp đồng tháng 12 đã tạo gapdown ~ 6 cent/giạ khi mở phiên. Nhiệt độ mát mẻ hơn kèm theo mưa giông sẽ diễn ra trong đầu tháng 8, giúp cải thiện tình trạng cây trồng và năng suất tiềm năng, khi ngô bước vào giai đoạn phát triển quan trọng. Dự báo này đã tác động “bearish” mạnh lên giá.
Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (31/7), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã giao 522.927 tấn ngô trong tuần 21/7-27/7, tăng so với 329.773 tấn của tuần trước đó. Lũy kế giao hàng niên vụ 22/23 tính tới 27/7 mới đạt 34,81 triệu tấn, ~ 65,26% kế hoạch xuất khẩu toàn niên vụ. Vài tuần nữa niên vụ 22/23 sẽ kết thúc và Mỹ sẽ khó hoàn thành kế hoạch xuất khẩu. Do vậy, số liệu Báo cáo Export Inspections tối qua được cải thiện nhưng tác động không đáng kể lên giá.
Lúa mì
Lúa mì hợp đồng tháng 12 giảm tới 5,47%
Tuy thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kết thúc, nhưng tình hình xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vẫn diễn ra ổn định. Điều này xoa dịu lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Biển Đen, gây áp lực lớn lên giá.
Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, khối lượng xuất khẩu ngũ cốc tháng 7, tháng đầu niên vụ 23/24, đạt 2,16 triệu tấn, cao hơn mức 1,61 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Các lô hàng lúa mì chiếm 758.000 tấn, so với mức 361.000 tấn của tháng 7/2022.
Đậu tương
Giá giảm mạnh với triển vọng thời tiết khả quan tại Mỹ Những cơn mưa rải rác cuối tuần trước và kéo dài sang tuần này mang đến sự mát mẻ nhẹ cho khu vực Midwest, Mỹ. Theo Dự báo tuần tới của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), thời tiết ẩm ướt theo mùa có thể xảy ra đối với toàn bộ miền trung, nhiệt độ mát hơn sẽ được ghi nhận ở các vùng đồng bằng phía bắc và một số bang phía bắc của Midwest. Thời tiết tháng 8 rất quan trọng đối với sản xuất đậu tương Mỹ. Thời tiết thuận lợi có thể mang lại triển vọng tích cực về năng suất. USDA dự báo năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 ở mức 52 giạ/mẫu. Chuyển biến về thời tiết kịp thời đã xoa dịu lo ngại về triển vọng nguồn cung sau hạn hán nghiêm trọng, khiến giá lao dốc ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần.
Theo Argus, giá cước vận tải đường bộ tăng nhẹ so với bình thường vào mùa cao điểm tại Brazil. Giá vận chuyển đường bộ trên tuyến Sorriso-Miritituba đạt 300 reals/tấn vào đầu tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức 373 reals/tấn trong tháng 7/2022. Trên các tuyến đến các cảng phía nam và đông nam Brazil, đặc biệt là Paranagua và Santos, giá cước ở mức tương tự hoặc cao hơn chút so với niên vụ trước. So với Mỹ, chi phí vận chuyển luôn chiếm tỉ trọng cao hơn nhiều tại các nước Nam Mỹ như Brazil và Argentina. Việc cước vận chuyển thấp hơn cho thấy vị thế các sản phẩm họ đậu từ Brazil sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và góp phần tạo áp lực tới giá CBOT.
Khô đậu tương phá vỡ vùng hỗ trợ 400, dầu đậu giảm về mức thấp nhất trong 2 tuần khi chiến tranh ở Biển Đen không còn là yếu tố đủ mạnh để thúc đẩy giá.
NĂNG LƯỢNG
Giá kết phiên cuối tháng 7 trong sắc xanh, kéo dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp và ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ năm 2022
Dầu WTI tăng 1,51% lên 81,8 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,21% lên 85,43 USD/thùng. Giá dầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 sau khi tăng ~ 16% trong tháng 7.
Rủi ro thâm hụt nửa cuối năm gia tăng khi Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu hàng đầu, duy trì cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày sang tháng 9. Sản lượng của Saudi Arabia giảm 860.000 thùng/ngày và xuất khẩu dầu thô giảm hơn 600.000 thùng/ngày so với tháng 6. Mức dự đoán sản lượng dầu thô của OPEC giảm ~ 840.000 thùng dầu/ngày, ước tính đạt 27,34 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Tiêu thụ được kỳ vọng tích cực khi kinh tế vĩ mô tại Mỹ khởi sắc, và Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu hàng đầu, tăng cường biện pháp kích thích kinh tế. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tăng nhu cầu năm 2023 thêm ~ 550.000 thùng/ngày khi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ và Mỹ.
Tổng sản phẩm được cung cấp từ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ, đại diện cho nhu cầu năng lượng, tăng lên 20,78 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Sản lượng dầu thô ở Texas, chiếm ~ 40% sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5, đạt 5,49 triệu thùng/ngày khi nhu cầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất theo mùa.
Sản lượng dầu thô ở trung tâm năng lượng của Canada, khu vực Alberta giảm 21% xuống còn 2,71 triệu thùng/ngày trong tháng 6, mức thấp nhất trong 7 năm khi các nhà sản xuất cát dầu đang phục hồi sau các vụ cháy rừng. Mỹ là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu từ Canada. Điều này đặt áp lực lên tình trạng nguồn cung thiếu hụt và hỗ trợ cho giá dầu trong phiên.
KIM LOẠI
Kim loại quý
Giá được hỗ trợ nhờ vai trò trú ẩn được thúc đẩy
Kết phiên 31/7, cả 3 mặt hàng đều nối tiếp đà tăng từ phiên cuối tuần trước với giá bạc tăng 1,95% lên 24,97 USD/ounce. Giá bạch kim và vàng tăng lần lượt 1,58% và 0,25% lên 958,6 USD/ounce và 1.964,19 USD/ounce.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng Mỹ đã báo cáo các tiêu chuẩn tín dụng chặt chẽ hơn và nhu cầu vay yếu hơn trong quý II/2023, cho thấy lãi suất tăng cao đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim cũng được phát huy trong bối cảnh bất ổn trên thị trường trái phiếu. Giới đầu tư đang cố gắng xác định tác động của việc duy trì lãi suất cực thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi họ thực hiện chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) linh hoạt hơn và nới lỏng biện pháp bảo vệ giới hạn lãi suất dài hạn.
Các nhà phân tích tại BofA ước tính việc BOJ mua trái phiếu đã bổ sung 1,3 nghìn tỷ USD vào thanh khoản toàn cầu trong 18 tháng qua, tạo ra mức sàn thấp cho lợi suất toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự gia tăng nào của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đều có thể ảnh hưởng đến các thị trường trái phiếu khác. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 9 năm, lên tới 0,6% và hướng tới mức trần mới là 1,0%.
Kim loại cơ bản
Giá đồng COMEX tăng 2,08% lên 4 USD/pound, mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng, nhờ triển vọng tiêu thụ khởi sắc khi Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế
Phiên sáng, lực mua áp đảo khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc, công bố một loạt các biện pháp nhằm khôi phục và kích thích tiêu dùng. NDRC cho biết các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến có thể nới lỏng các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản.
Phiên tối, cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường chủ trì đã kêu gọi các thành phố đưa ra chính sách để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Bài viết liên quan