Để ngăn Điện Kremlin kiếm được nhiều tiền từ năng lượng, các nước G7 đã đồng ý về một kế hoạch giới hạn giá dầu. Liệu rằng việc trừng phạt Nga bằng cách giới hạn giá dầu lần này có mang lại hiệu quả?
Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga mà Hãng tin Reuters tiếp cận được, xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ dự kiến tăng mạnh 38% trong năm 2022.
Đó là lý do chính tại sao vào cuối tuần trước, các quốc gia G7 – gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ – cũng như Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý với giới hạn giá dầu (trần giá dầu) của Nga, nhằm hạn chế doanh thu của Điện Kremlin.
Kế hoạch cụ thể ra sao?
Chính phủ Mỹ là động lực lớn của kế hoạch này. Theo đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chưa áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, vẫn có thể mua dầu của nước này. Tuy nhiên, họ sẽ bị cấm sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển khác nhau nếu mua dầu vượt quá giới hạn giá.
Các nước G7 kiểm soát khoảng 90% thị trường bảo hiểm hàng hải toàn cầu.
Các kế hoạch giới hạn giá dầu sẽ được thực hiện cùng lúc với lệnh cấm vận dầu của EU có hiệu lực.
Sẽ có hai giới hạn giá, một đối với sản phẩm thô và một đối với sản phẩm tinh chế. Giới hạn giá dầu thô sẽ được áp dụng từ ngày 5-12-2022, trong khi giới hạn giá cho các sản phẩm tinh chế sẽ áp dụng từ ngày 5-2-2023.
G7 cho biết họ muốn mức trần giá được thỏa thuận trong tương lai gần bởi một “liên minh rộng rãi các nước”.
Điều đó có nghĩa là kể cả các nước tiêu thụ năng lượng lớn của Nga không thuộc G7, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, cũng cần tham gia liên minh. Tuy nhiên, những quốc gia trên vẫn chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tham gia.
Những rủi ro với kế hoạch
Có khả năng các nước không thuộc G7 sẽ không đăng ký. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nằm trong số những người đã hoài nghi về điều này. Ông nói vào tháng trước: “Bạn không thể làm điều đó một cách đơn phương, mà phải hợp tác chặt chẽ với nhiều người khác. Nếu không, việc này sẽ chẳng đi đến đâu”.
Các chính phủ phương Tây hy vọng rằng ngay cả khi các quốc gia không đăng ký tham gia, những người mua dầu của Nga sẽ mong đợi giá thấp hơn do kế hoạch này. Do đó, điều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền của Điện Kremlin.
Tuy nhiên, dầu của Nga hiện đã rẻ hơn rất nhiều so với nhiều lựa chọn thay thế. Đó là lý do chính khiến các quốc gia như Ấn Độ đột nhiên trở thành khách hàng lớn mua dầu của Nga vào năm 2022.
Một khả năng khác là Nga sẽ xuất khẩu ít dầu hơn để cố gắng tăng giá toàn cầu, giống như cách họ đã làm với nguồn cung khí đốt của mình cho châu Âu. Tuy nhiên, điều đó tự nó mang lại rủi ro cho Matxcơva. Việc giảm đáng kể sản lượng có thể gây hại cho các hồ chứa và cắt giảm công suất của nó dài hạn.
Có lẽ lĩnh vực quan tâm chính là phương Tây sẽ thực thi như thế nào. Với các chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được tiết lộ, vẫn chưa chắc chắn về việc G7 sẽ thực thi chính xác kế hoạch giới hạn giá như thế nào.
Các công ty bảo hiểm vận tải biển đã bày tỏ lo ngại khi họ có thể phải chịu trách nhiệm kiểm tra giá dầu khi vận chuyển. Khả năng tồn tại cuối cùng của kế hoạch sẽ phụ thuộc vào các chi tiết nhỏ.
Điện Kremlin: Quyết định vô lý
Không lâu trước khi thỏa thuận giới hạn giá được công bố, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết động thái như vậy sẽ là một “quyết định vô lý” và sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ quốc tế.
Nga nói rằng họ sẽ không bán bất kỳ loại dầu nào cho các nước tham gia kế hoạch giới hạn dầu. Ông Peskov nói: “Các công ty áp đặt trần giá sẽ không nằm trong số những công ty nhận dầu của Nga”.
Cùng ngày thỏa thuận được thống nhất, Nga tuyên bố cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) vô thời hạn. Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của châu Âu khiến họ không thể tiến hành bảo trì khẩn cấp.(Theo cafef)
Bài viết liên quan