Thông tin được tổng hợp từ Báo cáo thị trường dầu tháng 12/2022 của OPEC.
Báo cáo thị trường dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tháng 12/2022 cho biết nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tiềm năng tăng trưởng kinh tế đến từ việc nới lỏng các chính sách Zero-Covid của Trung Quốc. Trong năm 2022, sau khi áp dụng chính sách trên, lần đầu tiên sau nhiều năm, nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm.
OPEC cho biết, nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2,3%. Dự báo này tương tự với dự báo trong báo cáo tháng 11/2022.
Báo cáo của OPEC cho biết: “Mặc dù những bất ổn kinh tế toàn cầu đang ở mức cao và các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với rủi ro tăng trưởng âm, các yếu tố thuận lợi có thể đối trọng với những thách thức hiện tại và sắp tới”.
Báo cáo cũng cho biết “Việc giải quyết xung đột địa chính trị ở Đông Âu và nới lỏng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc có thể mang lại kỳ vọng tích cực”.
OPEC cho biết nhu cầu của Trung Quốc, bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống dịch, ước tính đạt trung bình 14,79 triệu thùng/ngày vào năm 2022, giảm 180.000 thùng/ngày so với năm 2021.
Nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 2002, tương tự như dự báo trước đó của Energy Aspects.
Trong báo cáo, OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 lên 2,8% và giữ nguyên năm 2023 ở mức 2,5%. Ngoài việc nới lỏng chính sách Covid của Trung Quốc, báo cáo đã liệt kê các nguyên nhân được kỹ vọng sẽ giúp kinh tế tăng trưởng, như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa ra mức lãi suất phù hợp, đà giảm giá hàng hóa; giải quyết căng thẳng ở Đông Âu,…
Giá dầu gần chạm mức cao nhất tại giá 147USD/thùng vào tháng 3 sau khi nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, sau đó đã giảm khá nhiều cũng trong năm 2022. Hiện tại, dầu thô được giao dịch quanh mức 80 USD.
Sản lượng giảm sau khi thông qua cam kết cắt giảm sản lượng
Báo cáo cũng cho thấy sản lượng của OPEC đã giảm trong tháng 11 sau khi liên minh OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng mạnh để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh triển vọng kinh tế xấu đi và giá cả suy yếu.
Trong tháng 11, với việc giá suy yếu, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày – là mức giảm lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch năm 2020. Phần cắt giảm của OPEC là 1,27 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo, OPEC cho biết sản lượng của họ trong tháng 11 đã giảm 744.000 thùng/ngày so với tháng 10 xuống, 28,83 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia và các nhà sản xuất lớn khác như Iraq.
Dựa trên tính toán của Reuters, 10 thành viên OPEC nằm trong thỏa thuận OPEC+ đã tuân thủ 174% mức cắt giảm nguồn cung đã cam kết, đặc biệt là Nigeria và Angola đang bơm thấp hơn nhiều so với mục tiêu của họ do thiếu năng lực sản xuất.
(Nguồn: Reuters)
Bài viết liên quan