Ngày 19/09 (Reuters) – Trung Quốc kêu gọi tăng cường kết nối xuyên biên giới với Nga, hợp tác đầu tư và thương mại sâu sắc hơn, cả hai tuyên bố sẽ có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn bao giờ hết bất chấp sự phản đối từ phương Tây sau khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái.
Bộ trưởng phát triển kinh tế Nga đã tổ chức các cuộc thảo luận “chuyên sâu” về hợp tác kinh tế với Bộ trưởng thương mại Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm thứ Ba, trùng với chuyến đi của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Wang Yi, tới Moscow để đàm phán chiến lược dẫn đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao cho biết hợp tác kinh tế và thương mại Trung – Nga tiếp tục trở nên “vững chắc” hơn dưới “sự chỉ đạo chiến lược” của hai nguyên thủ quốc gia.
Với cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai và Nga đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow đã dựa vào đồng minh Bắc Kinh để được hỗ trợ kinh tế, đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc về dầu khí cũng như ngũ cốc.
Dữ liệu hải quan mới nhất của Trung Quốc cho thấy trong tháng 8, nhập khẩu hàng hóa Nga của Trung Quốc đã tăng 3% so với một năm trước đó lên 11,5 tỷ USD, đảo ngược mức giảm 8% trong tháng 7.
Bắc Kinh đã bác bỏ những lời chỉ trích của phương Tây về quan hệ đối tác ngày càng tăng của họ với Moscow sau cuộc chiến của Nga với Ukraine. Họ khẳng định mối quan hệ này không coi thường các chuẩn mực quốc tế và Trung Quốc có đặc quyền hợp tác với bất kỳ quốc gia nào họ chọn
Hôm thứ Ba, các bộ trưởng nhóm G7 đã nhắc lại lời kêu gọi của mình, nhưng không nêu tên bất kỳ quốc gia nào, đối với các bên thứ ba “ngưng mọi hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga nếu không sẽ phải trả giá đắt”.
Vùng Viễn Đông của Nga giáp với Trung Quốc cũng như Triều Tiên đã đạt được ý nghĩa chiến lược mới với tư cách là một khu vực thương mại xuyên biên giới.
Tuần trước, Công ty United Oil – and Gas – Chemical của Nga và Công ty Phát triển Công nghiệp Xuân Yuan của Trung Quốc đã đồng ý xây dựng một tổ hợp vận chuyển dầu gần một cây cầu đường sắt nối thị trấn Nizhneleninskoye của Nga với Tongjiang của Trung Quốc khi Moscow đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra khỏi châu Âu mà hiện nay họ cho là “không thân thiện” về mặt chính trị.
Vùng Viễn Đông của Nga, nơi đánh bắt khoảng 70% hải sản của cả nước, cũng hy vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cấm hải sản từ Nhật Bản do xả nước phóng xạ từ nhà máy Fukushima xuống biển.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết Trung Quốc và Nga ngày càng cần tăng cường giao dịch ngũ cốc trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt. Việc xây dựng hành lang ngũ cốc nối Nga với Hắc Long Giang, vựa bánh mì phía đông bắc của Trung Quốc, sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực của Trung Quốc.
Đầu tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Hắc Long Giang sẽ trở thành cửa ngõ “quan trọng” cho sự mở cửa của Trung Quốc ở phía bắc, đồng thời cho rằng tỉnh này phải đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ quốc phòng, an ninh lương thực và năng lượng.
Bài viết liên quan