NÔNG SẢN
- Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/10, thị trường khô đậu đã lấy lại được sắc xanh trong bối cảnh nguồn cung tại Brazil đón nhận những tin tức kém khả quan. Lực bán đã tiếp tục chiếm thế áp đảo trên bảng giá lúa mì khi mặt hàng này ghi nhận phiên suy yếu thứ 5 trong 6 phiên giao dịch gần nhất, trước tình hình vụ mùa tốt của Mỹ
Ngô
- Giá ngô kết phiên với không nhiều biến động. Dù nhận được lực mua mạnh từ vùng hỗ trợ 477 vào đầu phiên tối, giá đã không thể duy trì được đà tăng mà quay đầu giảm trở lại trước áp lực mùa vụ cùng nhu cầu không quá tích cực từ EU
- Nhập khẩu của EU đạt 0,18 triệu tấn ngô trong tuần kết thúc vào ngày 29/10, thấp hơn 50% so với tuần trước đó. Tính từ đầu niên vụ, lũy kế nhập khẩu của khối chỉ đạt 9,59 triệu tấn, giảm hơn 41% so với cùng kì năm ngoái, cho thấy triển vọng nhu cầu không quá khả quan trong dài hạn.
Lúa mì
- Lúa mì giảm trong dài hạn với mức suy yếu ~ 2% ngày hôm qua.
- USDA: tỷ lệ lúa mì vụ đông đạt chất lượng tốt – tuyệt vời của Mỹ đang ở mức 47%, cao hơn mức trung bình và cùng kỳ năm ngoái, mang đến triển vọng nguồn cung tốt tại Mỹ và góp phần thúc đẩy lực bán đối với lúa mì trong phiên vừa rồi.
Nhóm đậu
- Đậu tương quay trở lại khởi sắc với động lực chính đến từ yếu tố nhu cầu tích cực. Theo Ủy ban Châu Âu, nhập khẩu đậu tương của EU trong tuần kết thúc vào ngày 29/10 đạt 0,21 triệu tấn, cao hơn mức 0,19 triệu tấn của một tuần trước đó. Dù không phải mức tăng quá lớn nhưng đây là tuần thứ 4 liên tiếp báo cáo ghi nhận khối lượng nhập khẩu đậu tương của khối cải thiện, cho thấy nhu cầu của khối vẫn đang duy trì tương đối tốt và tác động “bullish” đến giá
- Khô đậu đóng cửa với mức tăng hơn 1% khi mà hoạt động xuất khẩu của Brazil gặp bất lợi. Vụ cháy vào cuối tuần trước đã buộc các cơ quan quản lý cảng Paragua, cảng lớn thứ 2 của Brazil, phải đóng cửa một bến dùng để vận chuyển ngũ cốc. Điều này làm gia tăng các vấn đề hậu cần của nước này và trì hoãn các lô hàng đậu tương và khô đậu tương xuất khẩu trong ngắn hạn.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu gặp áp lực khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung toàn cầu giảm bớt. Tăng trưởng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) yếu kém cũng làm dấy lên lo ngại về năng lực tiêu thụ, thúc đẩy lực bán trên thị trường.
- Giá dầu WTI chốt phiên ngày 31/10 giảm 1,57% xuống 81,02 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,54% xuống còn 85,02 USD/thùng. Dầu thô đã ghi nhận tháng giảm giá đầu tiên sau 4 tháng tăng liên tiếp. Giá đang ở vùng thấp nhất kể từ 6/10.
- Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bơm 27,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2023, tăng 180.000 thùng/ngày so với tháng 9/2023. Mức tăng chủ yếu đến từ Nigeria và Angola, làm hạn chế tác động từ việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
- Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA): sản lượng dầu Mỹ đã phá vỡ kỷ lục trong tháng 8/2023, đạt mức 13,05 triệu thùng/ngày, tăng 0,7% so với tháng 7. Mức cao nhất được ghi nhận trước đó là vào tháng 11/2019, đạt 13 triệu thùng/ngày.
- Sự gia tăng sản lượng của nhiều quốc gia đang bù đắp khoảng trống Saudi Arabia để lại, làm giảm bớt lo ngại thâm hụt nguồn cung và gây sức ép tới giá dầu.
- Dữ liệu kinh tế yếu tại Eurozone và Trung Quốc cho thấy đà tăng trưởng yếu có thể làm hạn chế mức tiêu thụ năng lượng. Sau khi bất ngờ mở rộng trong tháng 9, hoạt động sản xuất của Trung Quốc quay trở lại ngưỡng thu hẹp trong tháng 10. Chỉ số PMI sản xuất đạt 49,5 điểm, thấp hơn so với dự báo và mức 50,2 trong tháng 9.
- Tăng trưởng GDP quý III của Eurozone cũng giảm 0,1% so với quý trước. GDP Quý III/2023 của Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng 0,1%. Dữ liệu từ Eurozone và EU đều thấp hơn so với dự báo
- Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm sẽ giữ giá dầu thô ở mức dưới 90 USD/thùng trong năm nay và năm tới, trừ khi xung đột Israel-Hamas thu hút thêm nhiều quốc gia ở Trung Đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạch kim chốt phiên tại mức 944,9 USD/ounce sau khi tăng 0,53%. Bạc giảm về mức 22,95 USD/ounce sau khi giảm 1,9% và giá vàng suy yếu 0,66%, dừng chân ở mức 1.982,71 USD/ounce.
- Kim loại quý suy yếu khi mà đồng USD tăng trở lại. Chỉ số Dollar Index kết phiên phục hồi 0,51% lên 106,66 điểm, nhờ sự suy yếu của đồng yên và đồng euro.
- Đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm so với đồng dollar Mỹ sau động thái “ôn hòa” của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ngoài ra, đồng euro cũng suy yếu bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của EU. GDP quý III của khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
- Bạch kim vẫn tăng nhẹ do một số lo ngại về nguồn cung. Impala Platinum, công ty khai thác bạch kim lớn thứ hai thế giới, cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu trong các dự án khai thác, làm tăng rủi ro nguồn cung bạch kim sẽ bị thu hẹp.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX và quặng sắt giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, lần lượt giảm 0,26% xuống 3,64 USD/pound và giảm 0,14% về 121,55 USD/tấn. Giá phải chịu sức ép ngay từ phiên sáng sau khi Trung Quốc công bố số liệu sản xuất yếu kém.
- Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Lĩnh vực sản xuất là phân khúc tiêu thụ một lượng lớn kim loại công nghiệp tại nước này. Do vậy, số liệu này làm xấu đi triển vọng tiêu thụ đồng hay quặng sắt, gây sức ép lên giá.
- Triển vọng tiêu thụ thép kém sắc tại khu vực châu Âu cũng gây áp lực lên giá quặng sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Hiệp hội Thép Châu Âu cho biết nhu cầu thép tại khu vực EU sẽ giảm 5,3% trong năm nay, giảm mạnh hơn so với mức giảm 3% được dự báo hồi tháng 7.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan