NÔNG SẢN
Ngô
– Mặc dù các hợp đồng tháng xa ghi nhận mức tăng mạnh nhưng giá ngô tháng 7 đã đóng cửa với mức giảm nhẹ. Nhìn chung, triển vọng nguồn cung tại Mỹ vẫn là yếu tố chính tác động lên mạnh nhất lên giá trong giai đoạn này. Dự báo về khô hạn kéo dài tại các khu vực gieo trồng ở Midwest là nguyên nhân chính lý giải cho việc giá các hợp đồng ngô kỳ hạn tháng xa bật tăng.
– Tuy nhiên, hāng tư vấn StoneX vừa nâng dự báo tổng sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Brazil lên mức 133,75 triệu tấn, từ mức 131,59 triệu tấn trong dự đoán trước. Sản lượng ngô vụ 2 của Brazil dự báo sẽ đạt mức 102,9 triệu tấn, cao hơn mức 100,8 triệu tấn trong ước tính trước đó. Nguồn cung ngắn hạn gia tăng khi vụ ngô thứ 2 của Brazil sắp thu hoạch đã tạo sức ép lên giá ngô tháng 7.
Lúa mỳ
– Trong khi đó, giá lúa mì tiếp tục hồi phục mạnh mẽ và ghi nhận mức tăng gần 2.8% khi đóng cửa phiên. Giá đã vượt lên trên vùng hố trợ tâm lí 600 và bắt đầu gia tăng khoảng cách với giá ngô. Lo ngại về thoả thuận xuất khẩu ở Biển Đen có thể bị phá vỡ và mùa vụ tại Trung Quốc đã tác động “bullish” tới giá mặt hàng này.
– Ngoài ra, tại Trung Quốc, mùa vụ lúa mỳ cũng đang phải trải qua tình hình thời tiết bất lợi và gây ra nguy cơ năng suất sụt giảm mạnh. Tỉnh Hà Nam – tỉnh trồng lúa mỳ lớn nhất của Trung Quốc dự kiến sẽ hứng chịu nhiều mưa trong những ngày tới, gây nhiều khó khăn hơn cho những nỗ lực thu hoạch ngũ cốc tại địa phương, vốn đã hư hại do đợt mưa bất thường vào cuối tháng 05. Nguồn cung sụt giảm sẽ khiến cho nước này phải nhập khẩu nhiều lúa mỳ hơn và hỗ trợ giá.
Đậu tương
– Giá đậu tương hợp đồng tháng 07 ghi nhận sự khởi sắc mạnh mẽ trong phiên hôm qua. Với mức tăng lên tới 2,29%, giá đã tiến sát trở lại vùng chặn trên của khoảng đi ngang 1305-1340. Sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ, cùng với tình trạng khô hạn ngày một gia tăng tại các khu vực canh tác trọng điểm ở nước này trong tuần vừa rồi, là những yếu tố “bullish” chính đối với giá đậu tương.
– Kết thúc cuộc họp vào ngày 31 /05 theo giờ địa phương, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiểu thông qua Dự luật nâng trần nợ công. Dự luật sẽ cần phải được cả Thượng viện thông qua trước khi trình lên Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Tuy vậy, điều này đã giúp Mỹ tiến gần hơn tới mục tiêu nâng trần nợ công, giúp nước này tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư sau khi đón nhận thông tin trên đã lan tỏa ra khắp các thị trường tài chính của Mỹ, trong đó có thị trường hàng hóa.
– Hai mặt hàng khô đậu tương và dầu đậu tương cũng đồng loạt tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua. Sự khởi sắc của giá đậu tương cùng lực mua kỹ thuật đã giúp giá khô đậu ghi nhận mức tăng 2,03% và quay trở lại vùng giá 400. Đối với dầu đậu, đây là mặt hàng tăng mạnh nhất cả nhóm với mức tăng lên tới 3,59%. Đà tăng này của giá dầu đậu chủ yếu đến từ yếu tố kỹ thuật, khi mà giá dầu cọ và giá dầu thô diễn biển khá trái chiều trong hôm qua.
KIM LOẠI
– Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều tăng giá, dẫn đầu đà tăng là bạc với mức tăng 1,70% lên 23,98 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,79%, kết phiên tại 1.977,88 USD/ounce.
– Trong phiên hôm qua, đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm từ mức cao nhất trong hơn hai tháng, đã hỗ trợ lực mua bạc và bạch kim.
– Sau bình luận ủng hộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất của hai quan chức Fed, số liệu kinh tế Mỹ được công bố hôm qua tiếp tục củng cố cho khả năng này. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy năng suất của người lao động Mỹ giảm trong quý đầu tiên, cho thấy thị trường lao động hạ nhiệt, điều này đồng thời làm giảm áp lực lạm phát. Hiện số nhà đầu tư cho rằng Fed ngừng lãi suất trong phiên họp tháng 6 đã tăng lên 80%, cao hơn so với mức 60% đạt được trong ngày 31/05. Do đó, kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất khiến cho đồng USD suy yếu trở lại.
– Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng trải qua phiên giao dịch khởi sắc do sự suy yếu của đồng USD và tâm lý thị trường được cải thiện nhờ tiến triển trong vấn đề trần nợ Mỹ. Giá đồng COMEX đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp sau khi phục hồi 2,03% lên 3,71 USD/pound.
NĂNG LƯỢNG
– Giá dầu bất ngờ lấy lại đà phục hồi trong ngày giao dịch hôm qua 01/06, sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp. Tín hiệu tích cực trong thoả thuận nâng trần nợ công Mỹ sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật đã đem lại tâm lý tích cực cho thị trường. Đây cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy giá. Kết phiên, giá dầu WTI bật tăng gần 3% lên mức 70,1 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,3% lên 74,28 USD/thùng.
– Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục họp cho đến khi dự luật trần nợ được thông qua. Những bước tiến này đã hạn chế lăng kính tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ, hỗ trợ cho giá dầu ngay trong phiên sáng, bất chấp báo cáo cho thấy tồn kho dầu Mỹ tăng trong tuần kết thúc ngày 26/05.
– Cụ thể, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) đã tăng mạnh 4,5 triệu thùng trong tuần trước.
– Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia trước đó đã cảnh báo các nhà đầu tư bán khống. Do đó, thị trường vẫn cho thấy tâm lý cẩn trọng và giá dầu cũng đón nhận lực mua khi về vùng 67 – 68 USD/thùng.
Bài viết liên quan