fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 03/03/2023

Bản tin tổng hợp ngày 03/03/2023.

ĐẬU TƯƠNG TĂNG DO YẾU TỐ KỸ THUẬT; LÚA MÌ ÍT BIẾN ĐỘNG; NGÔ GIẢM

Các thương nhân cho biết giá đậu tương CBOT tăng vào thứ Năm, kéo dài đà hồi phục từ mức thấp nhất trong một tháng đạt được trong tuần này nhờ một đợt mua kỹ thuật.

Giá lúa mì CBOT ít biến động sau những lo ngại về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen đã hỗ trợ giá. Nga cho biết các nước phương Tây đang phá hủy thỏa thuận này.

“Thỏa thuận thương mại chưa được gia hạn và các cuộc đàm phán dường như không diễn ra suôn sẻ”, Harms nói.

Ngô CBOT giảm sau một phiên giao dịch giằng co. Các thương nhân bày tỏ sự thất vọng về tốc độ xuất khẩu ngô gần đây.

Doanh số xuất khẩu ngô trong tuần kết thúc vào ngày 23/2 đã giảm xuống 598.100 tấn so với 848.725 tấn của tuần trước đó, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, gần với mức thấp nhất của kỳ vọng thị trường.

Điểm tin chính

  • Lúa mì CBOT giao tháng 5 tăng 2 cent lên 7,12-3/4 USD/giạ.
  • Ngô CBOT giao tháng 5 giảm hơn 2 cent xuống 6,33-3/4 USD/giạ.
  • Đậu tương CBOT giao tháng 5 tăng 15 cent lên 15,09-1/4 USD/giạ.

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Năm đã cáo buộc phương Tây đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến thỏa thuận thương mại Biển Đen. Nga cho biết sẽ chỉ gia hạn thỏa thuận nếu thỏa thuận đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp Nga.

Sức mạnh của thị trường tiền mặt đã hỗ trợ thêm cho giá đậu tương, với các nhà giao dịch cho biết sau 5 ngày giảm liên tiếp với đỉnh điểm là đợt giảm 2,2% vào thứ Ba đã tạo tâm lý “bắt đáy” cho nhiều nhà giao dịch, khối lượng vị thế mở mua tăng.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 03/03/2023.

DẦU THÔ DIỄN BIẾN GIẰNG CO GIỮA TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC TỪ TRIỂN VỌNG NHU CẦU VÀ SỨC ÉP TỪ YẾU TỐ VĨ MÔ

Dầu thô ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong phiên kết thúc ngày 02/03, nhưng mức tăng thu hẹp lại. Một phần, giá dầu nhận được sự hỗ trợ trước bức tranh nhu cầu tích cực tại khu vực châu Á, nhưng những áp lực vĩ mô tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đã hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,6% lên mức 78,16 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,51% lên 84,74 USD/thùng.

Mở cửa phiên với diễn biến tương đối giằng co trong phiên sáng, sau đó, giá dầu vượt mốc 78 USD/thùng khi thị trường tiếp tục hấp thụ các thông tin tích cực về triển vọng nhu cầu trong tương lai. Theo Reuters, nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục trong tháng này sau khi các nhà máy lọc dầu tận dụng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong nước. Các công ty tư vấn theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler ước tính gần 43 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Trung Quốc vào tháng 3. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy mức cao trước đây đối với nhập khẩu dầu thô bằng đường biến của Nga là 42,48 triệu thùng vào tháng 6/2020.

Đà tăng của giá dầu chững lại ngay sau dữ liệu lạm phát tại các quốc gia khu vực châu Âu (EU) củng cố cho tiến trình thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế. Cụ thể, lạm phát ở Pháp trong tháng 2 đã tăng lên 7,2% từ 7,0%, vượt qua dự báo là 7,0%, trong khi ở Tây Ban Nha, con số tăng lên 6,1% từ 5,9% và cao hơn mức 5,5% dự báo. Điều này góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của EU trong tháng 2 tăng lên 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 8,2% của các nhà kinh tế. Các thị trường hiện định giá 150 điểm cơ bản trong lãi suất tại EU sẽ được bổ sung trong năm ngay, đưa lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lên mức cao nhất là 4%.

Trong khi đó tại Mỹ, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tiếp tục tích cực hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa mức đỉnh lãi suất lên tới 5,5% – 5,75%. Đồng USD mạnh lên, đưa chỉ số Dollar Index tăng trên 0,7% sau dữ liệu. Tuy nhiên, nhận xét của Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic cho rằng Fed nên duy trì mức tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm “ổn định” trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế đã xoa dịu thị trường và hỗ trợ cho giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên tối.

Bên cạnh đó, Ngân hàng JP Morgan vào hôm qua cho biết Nga sẽ có thể duy trì sản lượng dầu của mình ở mức trước xung đột tại Biển Đen là 10,8 triệu thùng/ngày nhờ nhu cầu ổn định tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đã hỗ trợ cho giá. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cho biết Nga sẽ gặp khó khăn trong việc đưa sản lượng quay trở lại mức cao nhất trước đại dịch là 11,3 triệu thùng/ngày.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 03/03/2023.

GIÁ KIM LOẠI QUÝ PHÂN HÓA, GIÁ ĐỒNG BỐC HƠI KHI TÂM LÝ THẬN TRỌNG GIA TĂNG TRƯỚC KỲ HỌP QUỐC HỘI TRUNG QUỐC

Kết thúc phiên 02/03, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của nhóm kim loại. Giá vàng và giá bạc giảm về lần lượt 1836 USD/ounce và 20,90 USD/ounce, trái lại, giá bạch kim tăng 0,15% lên 963 USD/ounce.

Sức ép bán khiến giá tăng đối với nhóm kim loại quý trong bối cảnh đồng USD hồi phục mạnh mẽ, chỉ số Dollar tăng lên 105,03 điểm, lấy lại gần hết đà tăng của phiên trước đó. Một số quan chức của cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu trong ngày hôm qua đều tỏ rõ lập trường cứng rắn và cho thấy Fed có thể nâng đỉnh lãi suất lên mức cao hơn, khoảng 5,25 – 5,50%.

Đồng bạc xanh tăng khiến cho chi phí nắm giữ và đầu tư các mặt hàng kim loại quý cũng cao hơn và hạn chế sức mua. Bên cạnh đó, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý cũng có phần thất thế trước đồng USD. Tại khu vực châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh hơn dự báo, và củng cố thêm kỳ vọng tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên thị trường kim loại quý là việc dòng tiền quay trở lại với thị trường chứng khoản Mỹ khi cả ba chỉ số S&P500, Nasdaq và Dow Jones đều tăng trở lại. Tuy nhiên, bạch kim là kim loại quý duy nhất duy trì được sắc xanh và đã tăng bốn phiên liên tiếp, trong bối cảnh tình trạng mất điện ở Nam Phi khiến cho sản lượng bạch kim của nước này sụt giảm.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng trải qua một phiên giảm mạnh, và lấy đi toàn bộ mức tăng của phiên 01/03, giá giảm 2,02% về 4,07 USD/pound. Bên cạnh những rủi ro về lãi suất, sức bán trên thị trường được gia tăng khi mà các nhà đầu tư thận trọng trước kỳ họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang lo lắng về việc Chính phủ nước này sẽ có những thay đổi lớn về chính sách và vẫn chưa hoàn toàn hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế.

Các nhà phân tích đang dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% – 6% trong năm nay, với lĩnh vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng là động lực tăng trưởng lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2023, sau tiêu dùng. Tuy nhiên, vì những yếu tố hỗ trợ giá đồng chỉ mang tính kỳ vọng và chưa có cơ sở chắc chắn nào, nên giá đồng không giữ được đà tăng trong phiên hôm qua..

Giá sắt duy trì được sắc xanh với mức tăng 0,22% lên 126,37 USD/tấn. Quặng sắt vẫn là kim loại được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường Trung Quốc, và triển vọng tiêu thụ cũng sáng nhất trong nhóm kim loại. Những lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt bởi việc các nhà chức trách sẽ hạn chế các hoạt động sản xuất thép để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường là một trong những lý do giúp giá quặng sắt luôn neo ở mức cao.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 03/03/2023.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *