fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 06/09/2023

NÔNG SẢN

Ngô

  • Kết phiên 05/09, giá ngô tăng ~1% trong phiên thứ 2 liên tiếp từ vùng đáy 477.
  • Mở cửa tương đối giằng co, lực mua dần được đẩy mạnh, đặc biệt vào phiên tối.
  • Tin tức nguồn cung tác động “bullish” đến giá. Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, mưa lớn trong tháng 9 ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc có thể làm chậm quá trình chính của vụ ngũ cốc cũng như hoạt động thu hoạch, sau khi lũ lụt trong tháng 08 cũng đã gây thiệt hại cho mùa màng. Lượng mưa dự kiến sẽ cao hơn bình thường 20-50%. Đây là tỉnh sản xuất đậu tương và ngô lớn nhất của Trung Quốc. Khu vực phía đông đã hứng chịu 2 cơn bão trong tháng 8, gây ra lũ lụt ở các cánh đồng ngũ cốc. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự báo nước này sẽ thu hoạch 282,34 triệu tấn ngô trong niên vụ 23/24, với tình hình thời tiết cực đoan như hiện tại, một số nhà phân tích cho rằng con số này có thể thấp hơn.
  • Theo hãng tư vấn AgRural, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 tại khu vực Trung Nam Brazil tính đến ngày 31/08 đã đạt 88% diện tích dự kiến, tăng 5% so với tuần trước đó, thấp hơn so với cùng kì năm ngoái, khi ở thời điểm này 98% diện tích ngô vụ 2 dự kiến đã được thu hoạch.

Lúa mì

  • Lúa mì tăng nhẹ trước lo ngại về tình hình nguồn cung.
  • Sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 của Australia có thể giảm ~ 1 triệu tấn do khô hạn. Hiện tượng El Nino mạnh lên dự kiến sẽ khiến khí hậu ở Australia khô hạn hơn, sau khi nước này ghi nhận mùa đông nóng nhất lịch sử. Hãng tư vấn IKON Commodities đánh giá, sản lượng lúa mì của Australia, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới, có thể giảm tới hơn 10 triệu tấn so với năm ngoái. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận biển Đen vẫn chưa có kết quả nào đáng ghi nhận, sản lượng sụt giảm tại Australia tiếp tục dấy lên lo ngại về tình hình nguồn cung tại các nước xuất khẩu lớn.

Đậu tương

  • Giá đậu tương suy yếu với mức giảm không đáng kể, ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Thị trường diễn biến giằng co quanh mức tham chiếu trong suốt phiên giao dịch. Lực bán dần được đẩy mạnh và duy trì thế áp đảo trong phiên tối, bất chấp việc USDA thông báo xuất hiện thêm đơn hàng đậu tương niên vụ mới từ Mỹ sang một nước giấu tên trong báo cáo Daily Export Sales.
  • Báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua, số liệu giao hàng trong tuần cuối cùng của niên vụ 22/23 đạt 378.595 tấn, tăng nhẹ so với mức 326.066 tấn tấn trong tuần trước đó. Tổng lũy kế giao hàng đậu tương niên vụ 22/23 chỉ ~52,25 triệu tấn, thấp hơn mức 53,89 triệu tấn mà USDA đưa ra trong tháng 08. Khả năng tồn kho đậu tương sẽ được điều chỉnh tăng trong báo cáo tới, tác động “bearish” đến giá.
  • Nguồn cung dồi dào từ Nam Mỹ gây sức ép lên giá hôm qua. Stone X dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil đạt mức kỷ lục 163,63 triệu tấn, tăng 156.000 tấn so với dự báo hồi tháng 08, nhờ mở rộng diện tích gieo trồng. Tổng diện tích trồng ước đạt 45,14 triệu héc-ta, tăng ~1 triệu tấn so với niên vụ trước.
  • Chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá đậu tương, việc tồn kho tháng khô đậu tăng vọt gần 27% trong tháng 7 cũng tạo áp lực lên giá của mặt hàng này.
  • Dầu đậu, kỳ vọng thỏa thuận biển Đen được nối lại đã tác động “bearish” và khiến giá giảm mạnh kể từ khi mở cửa. Ông Putin cho biết Nga sẽ quay lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ngay khi phương Tây gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu nông sản của Nga ra thị trường thế giới. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống cho biết kỳ vọng của Nga đã được các bên nắm bắt và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc đã nghiên cứu một gói đề xuất mới nhằm xoa dịu những lo ngại của Nga. Tồn kho dầu cọ cuối tháng 08 của Malaysia có thể tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng do sản lượng cao trong khi xuất khẩu chậm lại, cũng là yếu tố đã khiến giá dầu đậu dẫn đầu đà giảm của cả nhóm.

NĂNG LƯỢNG

  • Kết phiên 05/09, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp, tăng ~1% và đóng cửa với mức giá 86,69 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Dầu Brent chốt phiên trên 90 USD/thùng, tăng 1,17% và là mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng.
  • Thông báo gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm của Saudi Arabia và Nga, làm dấy lên lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông cao điểm, đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên.
  • Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn việc cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2023, gây ra bất ngờ lớn khi thị trường cho rằng nước này bước đầu sẽ thông báo gia hạn kế hoạch trong tháng 10. Sản lượng của Saudi Arabia trong 3 tháng cuối năm dự kiến đạt ~9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
  • Nga sẽ gia hạn cắt giảm tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày đến tháng 12/2023. Trước đó, Nga đã cam kết giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
  • Hợp đồng tương lai Brent tháng trước được giao dịch vào ngày 05/09 ở mức cao hơn 4,37 USD/thùng so với giá kỳ hạn 6 tháng. Hợp đồng tương lai WTI, con số này tăng lên tới 4,88 USD/thùng, đều là mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 11/2022
  • Giá dầu kỳ hạn gần cao hơn kỳ hạn xa khuyến khích các nhà sản xuất và thương mại bán dầu từ kho dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu ngắn hạn. Giá dầu tăng cao khiến giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng, trong bối cảnh nhu cầu khá tích cực.
  • Giá xăng tại Mỹ đang ở mức 3,8 USD/gallon, mức cao nhất theo mùa trong hơn một thập kỷ ngay cả khi kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động đánh dấu sự kết thúc của mùa lái xe cao điểm ở Mỹ. Mức trung bình 10 năm chỉ đạt ~3 USD/gallon. Đây sẽ là những thách thức tiềm ẩn cho Chính phủ Mỹ và các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới trong tiến trình kiểm soát lạm phát.
  • Ngân hàng Goldman Sachs cho thấy khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ bắt đầu trong 12 tháng tới là 15%, giảm so với trước đó là 20%. Bắt đầu từ tháng 7, triển vọng nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái nghiêm trọng đã giúp nâng cao triển vọng nhu cầu và giá dầu trong những tháng gần đây.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạch kim giảm 2,76% xuống 933,50 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Bạc kết phiên tại 23,87 USD/ounce khi giảm 1,80%, vàng giảm 4 phiên liên tiếp với mức giảm 0,64% xuống 1.925,81 USD/ounce.
  • Yếu tố  gây sức ép: đồng USD mạnh lên, khiến cho chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ số Dollar Index tăng 0,55% lên 104,81 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2023.
  • Sáng 5/9, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) giữ nguyên lãi suất cơ bản 4,10% tháng thứ 3 liên tiếp, làm gia tăng kỳ vọng RBA sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và khiến cho đồng dollar Australia suy yếu.
  • Chiều 5/9, S&P Global công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ của Đức, Anh và khu vực đồng Euro đều đang ở mức thấp nhất trong năm nay. Lĩnh vực dịch vụ được coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của các nền kinh tế này. Số liệu yếu kém khiến cho đồng bảng Anh và đồng Euro giảm mạnh.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX phục hồi 0,42% lên 3,84 USD/pound
  • Phiên sáng, lực bán áp đảo, do dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc. Chỉ số PMI dịch vụ Caixin Trung Quốc đạt 51,8 điểm trong tháng 8, thấp hơn 1,8 điểm so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Trái ngược với số liệu trước đó cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang cải thiện. Điều này làm dấy lên lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc không đồng đều và khiến cho lực mua đồng sụt giảm.
  • Phiên chiều, giá dần phục hồi khi dữ liệu chỉ ra hoạt động luyện đồng của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 8 với 48,1 điểm, tăng từ mức 44,8 điểm trong tháng 7.
  • Tâm lý thị trường được củng cố sau khi truyền thông Trung Quốc tuyên bố Hàng Châu là thành phố lớn thứ 4 nới lỏng các quy định thế chấp cho người mua nhà.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *