fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 06/12/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Giá ghi nhận mức tăng hơn 1%, đánh dấu chuỗi 5 phiên hồi phục liên tiếp. Lực mua được đẩy mạnh trong phiên tối nhờ ảnh hưởng lan tỏa từ diễn biến tăng giá của lúa mì.
  • Lo ngại về nguồn cung ngô Brazil góp phần hỗ trợ giá. Giám đốc kinh doanh nông nghiệp tại Itau BBA, Pedro Fernandes cho rằng, triển vọng vụ ngô thứ 2 ở bang sản xuất lớn nhất của Brazil – Mato Grosso, rất đáng lo ngại do nguy cơ một phần đậu tương phải trồng lại. Trong bối cảnh giá ngô rẻ, nông dân có khả năng sẽ cắt giảm diện tích trồng ngô vụ 2.

Lúa mì

  • Giá lúa mì hợp đồng tháng 3 (ZWAH24) tăng 1,73%, chạm mốc cao nhất kể từ cuối tháng 8. Triển vọng nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung từ Mỹ đã hỗ trợ cho giá trong phiên.
  • Ngày 05/12, USDA xác nhận Mỹ đã bán 198.000 tấn lúa mì mềm niên vụ 23/24 cho Trung Quốc, sau khi nước này đã mua đơn hàng với khối lượng lớn nhất trong nhiều năm vào ngày đầu tuần.
  • Ngày 28/11 và 30/11, nhóm các nhà xay xát từ Đài Loan và Hàn Quốc cũng lần lượt ký hợp đồng mua 109.200 tấn và 50.000 tấn lúa mì các loại của Mỹ.
  • Giai đoạn từ 17 – 23/11, khối lượng bán hàng ròng đối với lúa mì Mỹ đạt 622.803 tấn, vượt trên mức trung bình trong 4 tuần trước đó. Nhu cầu của các nhà nhập khẩu lớn tăng vọt trong 2 tuần vừa rồi đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ.

Đậu tương

  • Pedro Fernandes không quá bi quan về triển vọng đậu tương, nhấn mạnh rằng bang Mato Grosso chưa bao giờ có mức giảm sản lượng lớn hơn 10%, cho thấy các nhà phân tích vẫn đang khá lạc quan về sản lượng đậu tương 2023 của Brazil, khiến phe bán vẫn chiếm ưu thế
  • Đóng cửa phiên, giá có mức suy yếu không đáng kể.

NĂNG LƯỢNG

Yếu tố cung – cầu

  • Giá dầu thô bị đẩy xuống vùng thấp nhất trong vòng gần 5 tháng qua trước lo ngại về nhu cầu suy yếu, nguồn cung vẫn được đảm bảo.
  • Dầu WTI giảm 0,99% xuống 72,32 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 77,2 USD/thùng, giảm 1,06%. Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với 2 loại dầu thô kể từ ngày 6/7, là lần đầu tiên kể từ tháng 5, giá dầu WTI ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp.
  • Bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), các nhà giao dịch vẫn tăng cường vị thế bán. Phó Thủ tướng Nga cảnh báo rằng OPEC + sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý I/2024 để loại bỏ “đầu cơ và biến động”, nếu các hành động hiện tại là không đủ. Tính chất “cắt giảm tự nguyện” đang được đánh giá sẽ không mang lại hiệu quả trong việc hạn chế nguồn cung, vì ngoại trừ Saudi Arabia, các thành viên khác khá dè dặt trong việc thu hẹp thị phần.
  • Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đang tăng sản lượng dầu lên 2 triệu thùng/ngày trong vòng 3 – 5 năm tới. Hiện tại, sản lượng đạt ~ 1,15 triệu thùng/ngày.
  • Lần đầu tiên sau 7 tháng, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia hạ giá dầu thô Arab Light cho khách hàng châu Á, phản ánh về sức cầu suy giảm tương đối so với nguồn cung, gây áp lực cho giá dầu.

Yếu tố vĩ mô

  • Triển vọng kinh tế mờ nhạt của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – Trung Quốc không thể hỗ trợ giá dầu.
  • Cơ quan xếp hạng Moody’s hạ triển vọng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc xuống mức tiêu cực, nhấn mạnh mối lo ngại toàn cầu về mức nợ trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
  • Viện dầu khí Mỹ (API) – tồn kho dầu thương mại Mỹ tuần kết thúc ngày 1/12 tăng ~ 600.000 thùng, dự báo giảm 1,4 triệu thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 2,8 triệu và 1,9 triệu thùng, làm gia tăng áp lực cho giá dầu vào cuối phiên.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc để mất 1,45%, dừng chân tại mức 24,54 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn 1 tuần. Bạch kim đóng cửa tại mức 906,6 USD/ounce sau khi giảm 2%. Đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của bạc và bạch kim.
  • Sau đợt tăng giá nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách vào tháng 3/2024, bạc và bạch kim dần suy yếu khi các nhà đầu tư có những quan điểm trái chiều về triển vọng lãi suất.
  • Thị trường đang lạc quan quá mức khi mà Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo về nguy cơ tăng lãi suất trở lại nếu cần thiết và lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho tới khi lạm phát hạ nhiệt về 2%. Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách “không hề nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”.
  • Đồng USD tăng mạnh tạo áp lực bán mạnh. Chỉ số Dollar Index tăng 0,33% lên 104,05 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tuần nhờ số liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Theo Viện quản lý cung ứng (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ Mỹ mở rộng tháng thứ 11 liên tiếp, đạt 52,7 điểm trong tháng 11/2023, cao hơn 0,9 điểm so với tháng 10.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX giảm 1,34% về 3,78 USD/pound, mức thấp nhất trong 2 tuần. Sau đợt tăng giá chủ yếu được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung, giá đồng đang trên đà suy yếu khi rủi ro này dần được xoa dịu và do triển vọng nhu cầu ảm đạm từ Trung Quốc.
  • Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị thu hẹp, khiến nhà đầu tư trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế Trung Quốc, khi nền kinh tế nước này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững. Giá đồng gặp sức ép bán mạnh.
  • Quặng sắt phục hồi nhẹ 0,17% lên 130,6 USD/tấn, nhưng đang gặp áp lực khi Trung Quốc tiến hành hạn chế sản xuất thép.
  • Do tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, các thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc như Hàm Đan, Đường Sơn, Thương Châu… đã bị chính quyền yêu cầu hạn chế sản lượng thép từ ngày 2 – 3/12, nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm. Việc hạn chế sản lượng sẽ được duy trì cho tới khi có thông báo mới.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *