fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 07/07/2023

 

 

NÔNG SẢN

Ngô

Giá ngô tăng mạnh lên trên vùng 500 nhờ tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Mỹ và lực mua kỹ thuật tại vùng hỗ trợ 490-500

Giá ngô kết phiên 06/07 với mức tăng 2,63%, quay trở lại phía trên ngưỡng tâm lý 500.

Theo báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho ethanol của Mỹ trong tuần 24/06 – 30/06 đạt 22,26 triệu thùng, giảm 719.000 thùng so với tuần trước đó. Sản lượng ethanol đạt 1,06 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ 8.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Báo cáo phản ánh nhu cầu ethanol tại Mỹ ổn định ở mức cao và đã tác động “bullish” lên giá ngô, nguyên liệu để sản xuất ethanol.

Lúa mì

Giá lúa mì hợp đồng tháng 09 giảm mạnh, kết phiên với mức giảm 2,41% khi triển vọng mùa vụ của các nước xuất khẩu lớn cải thiện nhờ thời tiết thuận lợi

Theo Viện trồng trọt Arvalis (Pháp), vụ lúa mì mềm dự kiến cho năng suất trung bình là 7,5 tấn/héc-ta, cao hơn mức 7,2 tấn/héc-ta năm ngoái và tăng 5% so với trung bình 10 năm, nhờ điều kiện gieo trồng tốt và mưa thường xuyên. Pháp là nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn nhất ở châu Âu nên triển vọng mùa vụ khả quan giúp thị trường có thể yên tâm về nguồn cung lúa mì từ chấu Âu trong niên vụ 23/24.

Nga – nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, hãng tư vấn SovEcon nâng dự báo xuất khẩu lúa mì niên vụ 23/24 lên mức 47,2 triệu tấn, từ 45,7 triệu tấn trước đó.

Đậu tương

Giá đậu tương suy yếu do triển vọng mùa vụ Mỹ và xuất khẩu của Brazil

Kết phiên, giá đậu tương giảm hơn 1% trước áp lực về triển vọng nguồn cung. Dù diện tích gieo trồng tại Mỹ giảm xuống mức thấp hơn kỳ vọng nhưng thời tiết mới là yếu tố quyết định diễn biến giá. Thời tiết mát mẻ đang lan rộng ở Midwest. Mưa lớn xuất hiện ở phía đông Vành đai ngô giúp xoa dịu lo ngại về nguồn cung. Mô hình El Nino gia tăng kỳ vọng về lượng mưa tích cực thời gian tới. Khả năng chất lượng đậu tương Mỹ cải thiện trong báo cáo Crop Progress tới khiến giá suy yếu sau khi công bố số liệu về diện tích.

Cảng Paranagua ghi nhận lượng xe tải kỷ lục trong vòng 24 giờ qua, hàng hóa là đậu tương, khô đậu tương và ngô. Điều này củng cố cho kỳ vọng Brazil sẽ xuất khẩu lượng lớn ngũ cốc trong tháng 07, Brazil có 1 vụ thu hoạch đậu tương kỷ lục. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo tổng xuất khẩu đậu tương, khô đậu tương và ngô sẽ đạt mức cao nhất trong tháng 07. Áp lực cạnh tranh từ nguồn cung ở Brazil sẽ hạn chế hoạt động xuất khẩu của Mỹ, tạo sức ép tới giá phiên hôm qua.

Dầu đậu tương giảm mạnh hơn 3,5% sau chuỗi tăng liên tiếp lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, do động thái chốt lời của nhà đầu tư và kỳ vọng vào nguồn cung 2023 của Argentina, quốc gia ép dầu lớn nhất thế giới.

NĂNG LƯỢNG

Yếu tố vĩ mô và cung cầu tác động ngược chiều đến giá dầu

Kết phiên, giá dầu WTI tăng 0,01% lên 71,8 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 0,18% xuống 75,61 USD/thùng.

Thị trường lao động của Mỹ, yếu tố có thể tác động đáng kể tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp của Mỹ bất ngờ tăng mạnh thêm 497.000 việc làm trong tháng 06/2023, gấp ~ 2 lần so với dự báo. Nhu cầu lao động lớn có thể dẫn đến tăng trưởng tiền lương và chi tiêu ổn định, khiến lạm phát tiếp tục căng thẳng, tiền đề cho Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Đồng USD tăng giá ngay khi lo ngại tiến trình thắt chặt tiền tệ sẽ được thúc đẩy, kéo giá dầu WTI và Brent giảm mạnh. Lãi suất cao làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế và tác động tiêu cực tới bức tranh tiêu thụ.

Báo cáo từ EIA đưa ra một số tín hiệu tích cực về nhu cầu của Mỹ, đã kéo giá dầu chiều tăng trở lại. Dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ giảm 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/06, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm mạnh lần lượt 2,5 và 1 triệu thùng. Nhập khẩu dầu thô tăng thêm 0,46 triệu thùng/ngày. Tổng sản phẩm cung cấp trong tuần, thước đo về nhu cầu, tăng mạnh ~ 1 triệu thùng/ngày. Dữ liệu phản ánh năng lực tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ có sự gia tăng trong mùa di chuyển cao điểm, hỗ trợ mạnh cho giá dầu, xoá bỏ đà giảm trước đó.

OPEC dự kiến giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm tới. Tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 dự kiến sẽ thấp hơn mức dự báo 2,35 triệu thùng/ngày cho năm nay, nhưng OPEC vẫn dự báo mức tăng trưởng trên mức trung bình trong năm tới và cao hơn nhiều so với mức 0,8 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của OPEC, chính thức tăng giá dầu thô xuất khẩu sang châu Á.

KIM LOẠI

Kim loại quý

Giá bạc giảm mạnh 0,96% xuống 22,89 USD/ounce, giá vàng và bạch kim giảm lần lượt 0,34% và 0,69% xuống 1.910,8 USD/ounce và 909,7 USD/ounce

Báo cáo dữ liệu bảng lương của ADP tăng vượt ước tính đã có tác động mạnh tới thị trường do làm tăng nguy cơ Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 497.000 việc làm trong tháng 6, tăng ~2 lần so với tháng 5 và dự báo, cho thấy sức mạnh trên thị trường lao động Mỹ bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng do lãi suất cao hơn. Thị trường cho rằng Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2007. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi và lo ngại lãi suất tiếp tục tăng khiến bạc và bạch kim chịu sức ép.

Kim loại cơ bản

Giá đồng COMEX giảm 1,57% xuống 3,73 USD/ounce trước lo ngại suy thoái tăng cao và triển vọng tiêu thụ mờ nhạt tại Trung Quốc

BofA Global Research cắt giảm dự báo giá đồng 2023 xuống 6,8% còn 8.788 USD, do kinh tế phục hồi chậm ở Trung Quốc, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và suy thoái sản xuất toàn cầu.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *