fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 07/08/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

Giá ngô hợp đồng tháng 12 đóng cửa tuần 31/07 – 06/08 với mức giảm 6,22% về mức thấp nhất từ tháng 12/2020 trước triển vọng xuất khẩu tiêu cực của Mỹ

  • Nhịp giảm mạnh trong tuần đã đẩy giá về sát vùng hỗ trợ mạnh 490, và lực mua kỹ thuật giúp giá hồi phục trong phiên cuối tuần.
  • Theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC), Brazil đã xuất khẩu 6 triệu tấn ngô trong tháng 7. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với ~1,3 triệu tấn, nâng tổng khối lượng nhập khẩu lên 2,23 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm, dự báo con số này còn tăng mạnh vào cuối năm. Điều này cho thấy ngô Mỹ sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của ngô Brazil tại Trung Quốc, gây áp lực lên giá ngô CBOT.
  • Theo Báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) tuần trước, Mỹ bán được 107.521 tấn ngô niên vụ 22/23 tuần 21/07 – 27/07, giảm 65,8% so với tuần trước đó. Dữ liệu thất vọng này góp phần tác động “bearish” lên giá ngô.
  • Tuần này, giá có thể hồi phục lên vùng 540.

Lúa mì

Với 4/5 phiên giảm mạnh, lúa mì hợp đồng tháng 09 kết tuần với mức giảm 10,12%, kết thúc chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước triển vọng nguồn cung dồi dào từ Nga

  • Theo Liên minh Ngũ cốc Nga, Nga xuất khẩu 5,678 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 7, tháng đầu niên vụ 23/24, tăng 60% so với tháng 7/2022. Lúa mì chiếm 4,54 triệu tấn, tăng 50% so với tháng 7/2022. Triển vọng xuất khẩu lúa mì Nga làm mờ đi lo ngại về nguồn cung từ Biển Đen và gây áp lực lớn lên giá.
  • Tuần này, giá có thể hướng lên vùng 660-675.

Đậu tương

Đà giảm được củng cố trước triển vọng nguồn cung toàn cầu dần khả quan hơn

  • Lực bán được thúc đẩy ngay đầu tuần khi dự báo về những chuyển biến tích cực với vụ đậu tương Mỹ. Đà giảm bị hạn chế khi các đơn hàng Daily Export Sales liên tục xuất hiện đã thúc đẩy khối lượng bán hàng của Mỹ bất ngờ tăng vọt.
  • Thời tiết nửa đầu tháng 8 được dự báo ôn hoà. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ có nhiều mưa vào cuối tuần này, một số khu vực có thể có lượng mưa từ 10 – 20 mm trở lên. Tháng 8 là giai đoạn phát triển quan trọng và quyết định năng suất nên dự báo trên đã tạo sức ép rất lớn tới giá.
  • Hãng tư vấn Celeres dự báo sản lượng niên vụ 23/24 của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 165,9 triệu tấn, cao hơn 5,5% so với niên vụ trước, kỳ vọng năng suất trung bình tăng và đạt trung bình 61,1 bao/héc-ta. Diện tích gieo trồng dự báo tăng 2,1% so với niên vụ trước, tối đa là 45,2 triệu héc-ta, tập trung vào Mato Grosso.
  • Tuần này, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo Cung – cầu tháng 8, có thể gây ra biến động mạnh. Khả năng dự báo sản lượng đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 có thể bị cắt giảm sẽ hỗ trợ cho giá trong vài phiên tới.
  • Khô đậu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá đậu tương và phá vỡ vùng hỗ trợ 400.
  • Nhu cầu nhập khẩu dầu thực vật của Ấn Độ gia tăng trước đợt lễ hội nhưng đây chỉ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn và lý giải cho việc lực bán mạnh hơn ở những hợp đồng tháng xa của dầu đậu tương.

NĂNG LƯỢNG

Tăng 6 tuần liên tiếp, giá dầu đạt mức cao nhất trong ~4 tháng trước lo ngại thâm hụt nguồn cung nửa cuối năm

  • Dầu WTI tăng 2,78% lên 82,82 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,17% lên 86,24 USD/thùng.
  • Nguyên nhân là Saudi Arabia quyết định gia hạn cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 9 ở cuộc họp của OPEC+. Kế hoạch có thể sẽ được gia hạn hoặc giảm sâu hơn. Sản lượng của Saudi Arabia dự kiến ​​là ~9 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
  • Saudi Aramco thuộc Saudi Arabia đã tăng giá dầu thô Arab Light bán cho châu Á thêm 30 cent lên mức chênh lệch 3,50 USD/thùng so với tiêu chuẩn trong tháng 9. Theo Bloomberg Economics, Riyadh có thể cần mức giá 100 USD/thùng để trang trải chi tiêu của Chính phủ.
  • Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9, sau khi cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
  • Ngân hàng UBS dự đoán thị trường thâm hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, ~2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, ~2% nhu cầu thế giới và dự kiến ​​giá dầu Brent sẽ giao dịch trong khoảng 85 – 90 USD/thùng trong những tháng tới.
  • Dầu WTI trở nên cạnh tranh hơn khi Trung Đông siết chặt nguồn cung, thúc đẩy giá tăng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), xuất khẩu dầu thô Mỹ đạt trung bình 4,08 triệu thùng/ngày cho đến năm 2023, tăng từ 3,53 triệu thùng/ngày năm 2022.
  • Việc mở rộng xuất khẩu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của dầu thô Mỹ. Khác với dầu thô từ OPEC, đang giảm sản lượng để hỗ trợ giá, dầu WTI được giao dịch tự do, không hạn chế điểm đến và sản lượng.
  • Dầu giữ đà tăng khi Ukraine tấn công tàu Nga vào cuối tuần. Chiến sự leo thang có thể đe dọa xuất khẩu hàng hóa của Nga qua Biển Đen, tuyến đường chiếm 15 – 20% lượng dầu mà Nga bán hàng ngày trên thị trường toàn cầu.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc và bạch kim nối dài đà giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp, với mức giảm lần lượt 3,18% và 1,61% xuống 23,71 USD/ounce và 928,5 USD/ounce. Vàng giảm tuần thứ 2 liên tiếp khi giảm 0,9% xuống 1.941,62 USD/ounce.
  • Đầu tuần, sức mạnh đồng USD liên tục tăng trước sự suy yếu của đồng Yên do bất ổn trên thị trường trái phiếu Nhật Bản. ADP báo cáo khu vực tư nhân Mỹ có thêm 324.000 việc làm trong tháng 7, gần gấp đôi so với dự báo đã hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số Dollar Index. Từ đó, giá bạc và bạch kim chịu sức ép.
  • Cuối tuần, đồng USD đã suy yếu khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp Mỹ (NFP) chỉ ra Mỹ tạo ra 187.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn 13.000 so với dự báo. Do vậy, đồng USD suy yếu, giá bạc và bạch kim phục hồi.
  • Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ xuống AA+ từ AAA vào ngày 02/08, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh. Mức sinh lời của trái phiếu Chính phủ an toàn hấp dẫn đã làm giảm dòng tiền đầu tư vào nhóm kim loại quý.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX giảm 1,5% xuống 3,86 USD/pound, quặng sắt lao dốc 4,65% xuống 101,71 USD/tấn, tuần giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng
  • Giá đồng và sắt không còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại, các nhà chức trách chỉ cung cấp biện pháp quy mô nhỏ. Nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu tại Trung Quốc.
  • Earth-I cho biết hoạt động luyện đồng của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7. Chỉ số phân tán đồng đạt 44,8 điểm, giảm 10,9 điểm so với tháng 6.
  • Chính sách hạn chế sản lượng thép tại nước này tiếp tục đè nặng lên nhu cầu quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) báo cáo (21/07 – 31/07), tổng sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của các doanh nghiệp lớn và vừa thuộc CISA đạt 2,1356 triệu tấn, giảm 4,99% so với khoảng 11/07 – 20/7.
  • Lũ lụt ở tỉnh Hà Bắc, khu vực sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, làm tăng thêm lo ngại sản xuất thép tiếp tục bị gián đoạn.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *