NÔNG SẢN
Ngô
- Khép lại phiên giao dịch 06/12, giá bất ngờ lao dốc với mức giảm 1,27%, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, dưới áp lực bán kỹ thuật
- Một số khu vực bị khô hạn ở Brazil, chủ yếu ở phía bắc, được dự báo sẽ có mưa nhiều hơn trong 2 tuần tới. Độ ẩm đất được cải thiện giúp hạn chế những lo ngại về vụ đậu tương đang gieo trồng và nguy cơ năng suất ngô vụ 2 bị thiệt hại, góp phần gây sức ép đến giá ngô và đậu tương hôm qua.
Lúa mì
- Lúa mì đóng cửa với mức hồi phục nhẹ, chỉ 0,36%. Đà tăng của giá bị hạn chế bởi lực bán chốt lời tại vùng kháng cự 640.
- Việc tiếp tục xuất hiện đơn hàng lúa mì mới từ Mỹ, đã hỗ trợ giá. Báo cáo Daily Export Sales 06/12 – Mỹ đã bán 372.000 tấn lúa mì đông đỏ mềm niên vụ 23/24 cho Trung Quốc. Tới thời điểm hiện tại, hơn 1 triệu tấn lúa mì Mỹ đã được bán cho quốc gia châu Á trên chỉ trong tuần này, cho thấy nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang ở mức cao do vụ lúa mì năm nay phải chịu thiệt hại bởi mưa lũ trái mùa vào tháng 7 và 8.
Nhóm họ đậu
- Đậu tương tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp.
- Theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC), Brazil sẽ xuất khẩu khối lượng đậu tương kỷ lục trong năm 2023, ứớc tính các lô hàng đậu tương 2023 sẽ đạt 101,1 triệu tấn, tăng so với mức 77,8 triệu tấn của 2022. Sự gia tăng bán hàng của Brazil là do được hưởng lợi từ nhu cầu cao hơn tại Trung Quốc. Nguồn cung dồi dào và giá cả phải chăng hơn ở Brazil đã chiếm ưu thế, cạnh tranh mạnh với đậu tương Mỹ.
- Khô đậu tương giảm hơn 2%
- Theo ANEC, Brazil sẽ xuất khẩu 2,04 triệu tấn khô đậu trong tháng 11, vượt xa mức 1,35 triệu tấn cùng kì năm 2022. Nguồn cung từ Brazil dự kiến sẽ phần nào bù đắp sự thiếu hụt hiện tại ở Argentina, khi nông dân chờ đợi các chính sách hỗ trợ xuất khẩu mới dưới thời tân tổng thống Javier Milei.
NĂNG LƯỢNG
Về phía nhu cầu
- Dầu ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 do lo ngại nhu cầu yếu. Nguồn cung từ Mỹ có xu hướng gia tăng làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên thị trường, góp phần gây sức ép lên giá.
- Dầu WTI giảm 4,07%, lần đầu tiên trong hơn 5 tháng qua xuống dưới mốc 70 USD/thùng, đóng cửa ở mức giá 69,38 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 74,30 USD/thùng, giảm 3,76% so với phiên trước.
- Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) – tồn kho xăng Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/12 tăng 5,42 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức tăng 1 triệu thùng theo dự báo của giới phân tích và mức tăng 2,8 triệu thùng theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API). Theo đối tác của Again Capital LLC, đây không phải là mùa xăng cao điểm nhưng nhu cầu trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vẫn mờ nhạt. Nhu cầu xăng trong tuần trước thấp hơn 2,5% so với mức trung bình theo mùa 10 năm.
- Nhu cầu yếu tại châu Á cũng thúc đẩy lực bán trên thị trường. Ít nhất 2 khách hàng nhận nguồn cung theo hợp đồng của Saudi Arabia đang xem xét giảm lượng tiêu thụ trong tháng 1/2024, do mức giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu Arab Light của vương quốc này chỉ bằng 1/2 so với mức dự báo giảm 1,05 USD/thùng. Chênh lệch giữa hợp đồng tương lai Oman so với hợp đồng hoán đổi Dubai, thước đo chính về nhu cầu dầu thô châu Á, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng, phản ánh lượng tiêu thụ giảm đối với các lô hàng giao tháng 2/2024.
- Theo khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ), dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah – UAE trong tuần kết thúc vào ngày 4/12 tăng 1,25 triệu thùng lên 18,66 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất bậc trung tăng 541.000 thùng lên 3,19 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất bậc nặng tăng 1,17 triệu thùng lên 10,68 triệu thùng.
Về phía nguồn cung
- Theo các công ty theo dõi tàu biển Kpler và Vortexa, các chuyến hàng xuất khẩu Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/12 có thể đạt kỷ lục ~ 5,7 triệu thùng/ngày.
- Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện nhằm cân bằng thị trường, nguồn cung ngoài OPEC tiếp tục tăng là lực cản lớn đối với giá dầu.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc và bạch kim giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Bạc neo tại mức 24,22 USD/ounce sau khi giảm 1,3% và giá bạch kim để mất 1,42%, dừng chân tại 893,7 USD/ounce.
- Bất chấp số liệu lao động Mỹ hạ nhiệt, giá kim loại quý vẫn giảm do sự phục hồi của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng trở lại sau khi giảm mạnh trong tháng 11. Kết phiên tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tuần, neo tại mức 104,15 điểm.
- Quan điểm trái chiều về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khiến dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý. Phần lớn các nhà kinh tế cho rằng FED sẽ không cắt giảm lãi suất ít nhất là tới tháng 7/2024, muộn hơn so với khảo sát trước đó.
- Thị trường thận trọng chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 của Mỹ, phản ánh rõ hơn tình trạng thị trường lao động Mỹ hiện tại và có tác động trực tiếp tới quyết định lãi suất của FED.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp, giảm 1,31% so với mức tham chiếu, đóng cửa tại mức 3,73 USD/pound, mức thấp nhất trong gần 1 tháng.
- Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng đang trên đà suy yếu khi thị trường ngày càng bi quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Giá đồng sẽ tiếp tục gặp áp lực cho tới khi các nhà đầu tư nhìn thấy sự tăng trưởng bền vững hơn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhà tiêu thụ đồng hàng đầu.
- Quặng sắt tăng 2,01% lên 131,65 USD/tấn, khi mối lo ngại về sự giám sát thị trường của Trung Quốc nhằm ổn định giá bắt đầu giảm bớt. Nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ hai thế giới Vale SA cho biết, Trung Quốc có thể là nước mua quặng sắt lớn nhất thế giới, nhưng sở hữu vị thế quyền lực này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể thành công trong việc kiểm soát giá quặng sắt.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan