Bản tin cập nhật ngày 09/01/2023.
ĐẬU TƯƠNG KÉO DÀI ĐÀ TĂNG DO HẠN HÁN TẠI ARGENTINA, LÚA MÌ ÍT BIẾN ĐỘNG
Đậu tương CBOT tiếp tục tăng vào thứ Hai, được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn tại Argentina. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Lúa mì tăng, tuy nhiên lượng cung lớn kỷ lục từ khu vực Biển Đen đã hạn chế đà tăng của lúa mì.
Điểm tin chính
- Đậu tương CBOT tăng 0,3% lên 14,97 USD/giạ.
- Lúa mì tăng 0,2% lên 7,44-3/4 USD/giạ.
- Ngô tăng 0,1% lên 6,54-3/4 USD/giạ.
Tình hình thời tiết xấu ở Argentina đang hỗ trợ giá đậu tương tăng.
Đối với lúa mì, nguồn cung dồi dào giá rẻ từ Nga và Ukraine đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các nguồn cung khác trên thế giới.
Các báo cáo về vụ mùa kỷ lục dự kiến tại Australia, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới, cũng gây áp lực lên giá.
Tuy nhiên, chi phí thuê tàu vận chuyển hàng hóa từ Biển Đen đã tăng hơn 1,2 lần kể từ đầu năm, phản ánh chi phí cho bảo hiểm rủi ro chiến tranh tăng.
Giá hầu hết các mặt hàng lương thực tăng vọt vào năm ngoái, do sự gián đoạn bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực, đẩy chỉ số giá trung bình của cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc lên mức cao nhất trong lịch sử.
Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) theo dõi giá quốc tế của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Cơ quan này cho biết vào Thứ sáu, chỉ số giá lương thực đạt trung bình 143,7 điểm trong năm 2022, tăng 14,3% so với năm 2021 và đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận vào năm 1990.
Dữ liệu được công bố cho thấy, các nhà đầu cơ lớn đã tăng vị thế mua ròng của họ đối với ngô CBOT trong tuần tính đến ngày 03/01.
Báo cáo cam kết giao dịch hàng tuần của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai cũng cho thấy các nhà giao dịch phi thương mại đã cắt giảm vị thế bán ròng đối với lúa mì CBOT và tăng vị thế mua ròng đối với đậu tương.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/01/2023.
CÁC MẶT HÀNG TRONG NHÓM NĂNG LƯỢNG CHÌM TRONG SẮC ĐỎ, GIÁ DẦU “BỐC HƠI” HƠN 8% TRONG TUẦN QUA
Kết thúc tuần giao dịch 02/01 – 08/01, giá dầu lao dốc mạnh, cắt đứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp trước đó. Giá dầu WTI giảm 8,09% xuống 73,77 USD/thùng trong khi Brent cũng đánh mất 8.4%, chốt phiên tại mức giá 78,69 USD/thùng.
Sức nặng từ bài toán về nhu cầu tiêu thụ kém sắc là nhân tố chính chi phối giá dầu trong tuần qua. Việc nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc vẫn còn đang vật lộn vì số ca nhiễm Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu đã đạt đỉnh, trong bối cảnh mở cửa trở lại đang là lực cản lớn với thị trường dầu. Mặc dù các thông tin tích cực hơn vào cuối tuần, khi nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) nhằm kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách sẽ cần thời gian để có được hiệu quả, và trước mắt, dịch bệnh vẫn đang là trở ngại cho việc tiêu thụ dầu và các sản phẩm của dầu phục vụ hoạt động kinh tế và tiêu dùng, gây sức ép tới giá. Saudi Arabia cũng đã giảm giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Á với mức giảm khoảng 1.5 USD/thùng trong tháng Hai, phản ánh bức tranh tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần qua cũng phản ánh mức tiêu thụ yếu, với các sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã giảm mạnh 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12, xuống hơn 18 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 năm và cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động lọc dầu của Mỹ cũng suy yếu trở lại trong tuần, với nhu cầu đầu vào giảm 2,3 triệu so với tuần trước đó.
Trong bối cảnh này, nguồn cung khó gia tăng tại Mỹ cũng không hỗ trợ được quá nhiều cho giá dầu trong phiên cuối tuần. Theo dữ liệu của hàng dầu khi Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 7 xuống 772 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 06/01. Trước đó, chính phủ Mỹ ước tính sản lượng dầu đá phiến tăng trung bình từ 300.000 – 400.000 thùng/ngày vào năm 2023, mức tăng tương đối khiêm tốn.
Yếu tố có thể hỗ trợ đáng kể cho giá dầu trong thời gian tới là vấn đề về tiêu thụ tại Trung Quốc, nhất là khi mới đây, Chính phủ nước này đã liên tục có những biện pháp kích thích nên kinh tế mạnh tay. Tuần này, loạt dữ liệu lạm phát của cả Trung Quốc và Mỹ sẽ được công bố và giá dầu có thể rung lắc mạnh. Trong trường hợp lạm phát tại Trung Quốc ở mức không quá cao, PBOC có thể hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo Bloomberg, các nhà dự báo hàng đầu đang cho rằng ngay cả với nền tảng kinh tế vĩ mô yếu kém trong năm nay, nhu cầu dầu có thể tăng hơn 4 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 4%, gần gấp đôi so với dự kiến nếu các nền kinh tế châu Á mở cửa trở lại hoàn toàn, và giá dầu có thể vượt qua 140 USD/thùng trong năm nay trước kịch bản này.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 17% trong tuần qua, ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Thời tiết ôn hòa trong mùa đông với một loạt các nhà cung cấp mới và nỗ lực giảm nhu cầu đang giúp khu vực EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng. Dư trữ vẫn ở mức cao. Tại Đức, các cơ sở lưu trữ đã lấp đầy khoảng 91%, so với mức 54% một năm trước. Trong khi đó, dự báo từ các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tiêu thụ tại EU dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm trong suốt năm 2023.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/01/2023.
GIÁ KIM LOẠI TĂNG NHỜ SỰ SUY YẾU CỦA ĐỒNG USD, THỊ TRƯỜNG HƯỚNG VỀ SỐ LIỆU LẠM PHÁT Ở MỸ VÀ TRUNG QUỐC.
Thị trường kim loại kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023 với một diễn biến phân hoá giữa các mặt hàng. Với nhóm kim loại quý, giá bạch kim duy trì được sắc xanh tuần thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,76% lên 1092,6 USD/ounce. Trái lại, giá bạc giảm nhẹ 0,24% về 23,98 USD/ounce.
Các mặt hàng kim loại quý tăng vào phiên đầu tuần và cuối tuần, còn trong các phiên giữa tuần, giá khá nhiều sức ép do thị trường đón nhận nhiều tin tức tiêu cực. Một mặt, dòng tiền rời khỏi các thị trường kim loại quý do sự tăng giá của đồng USD. Những lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản khiến cho chỉ số Dollar Index đã có lúc chạm mức 105,6 điểm, mức cao nhất trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, đà tăng của đồng bạc xanh đã chững lại trong phiên giao dịch cuối tuần, khi Mỹ công bố mức thu nhập trung bình theo tháng giảm so với dự báo, bởi áp lực lạm phát tiền lương giảm bớt sẽ khiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Giá bạch kim tăng mạnh hơn giá bạc bởi nguồn cung bạch kim đang bị thắt chặt hơn so với bạc. Tuy nhiên, việc thanh khoản trên thị trưởng bạch kim đang giảm trong các phiên gần đây có thể là một yếu tố làm gia tăng rủi ro trên thị trường. Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 2,64% lên 3,91 USD/pound, giá quặng sắt tăng 1,31% lên 118,68 USD/tấn. Giá chịu sức ép vào các phiên đầu tuần, bởi chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tháng 12 tiêu cực cho thấy hoạt động sản xuất suy yếu ở cả Mỹ và Trung Quốc. Sau đó, giá đồng và quặng sắt đã hồi phục trở lại nhờ những chính sách kích thích tích cực của nhà tiêu thụ số một thế giới: Trung Quốc. Các nhà chức trách có thể sẽ có các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các công ty bất động sản như nới lỏng giới hạn vay và đẩy lùi thời gian ân hạn. Các nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong tuần này, rất nhiều số liệu lạm phát của Mỹ và Trung Quốc sẽ được công bố. Các nhà hoạch định chính sách sẽ căn cứ vào các số liệu để điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách thích hợp. Tuy nhiên cách tiếp cận của PBOC và Fed sẽ khác nhau, bởi nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt thì Trung Quốc sẽ hưởng tới việc cắt giảm lãi suất còn Fed thì chỉ dừng lại ở việc hạ tốc độ tăng lãi suất.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/01/2023.
Bài viết liên quan