NÔNG SẢN
Ngô
- Thị trường nông sản ghi nhận những biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/2, báo cáo quan trọng là Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) và Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 2 được công bố.
- Ngô giằng co và đóng cửa với mức giảm không đáng kể. Đà suy yếu trước đó đã bị hạn chế bởi những điều chỉnh số liệu về nguồn cung toàn cầu trong 2 báo cáo hàng tháng quan trọng.
- Dự báo sản lượng ngô của Brazil niên vụ 23/24 bị CONAB cắt giảm gần 4 triệu tấn so với báo cáo trước, xuất khẩu cũng bị hạ ~ 3 triệu tấn. USDA cũng đánh giá mùa vụ ngô của nước này sẽ thu hẹp hơn với sản lượng dự kiến sẽ giảm 3 triệu tấn, xuống còn 124 triệu tấn. Nguyên nhân là do thời tiết khô hạn ở khu vực trung tây Brazil trong suốt vài tháng qua đã ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.
Lúa mì
- Lúa mì lao dốc hơn 2% và là mặt hàng giảm giá mạnh nhất cả nhóm.
- USDA cho thấy triển vọng nguồn cung toàn cầu tăng và gây ra áp lực cạnh tranh đối với lúa mì Mỹ. Tồn kho lúa mì cuối niên vụ 23/24 của Mỹ được USDA điều chỉnh tăng 10 triệu giạ so với báo cáo trước do tiêu thụ nội địa thấp hơn, trái với kỳ vọng giảm nhẹ.
Đậu tương
- Đậu tương rung lắc mạnh trong vùng 1180 – 1205 trong suốt phiên hôm qua. Số liệu trong các báo cáo hầu hết đều mang tính “bearish”, giá đậu tương đã nhanh chóng lao dốc và quay trở lại vùng hỗ trợ mạnh 1180. Lực mua kỹ thuật ở vùng này đã giúp đậu tương đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,38%.
- Báo cáo Export Sales: Mỹ đã bán 340.788 tấn đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 26/1 – 1/2. Tuy tăng tới 107,2% so với một tuần trước, nhưng vẫn nằm dưới khoảng dự đoán là 0,4 – 1,0 triệu tấn, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ chưa đạt được kỳ vọng.
- Do kết quả xuất khẩu tiêu cực gần đây, USDA trong báo cáo WASDE đã cắt giảm dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ xuống còn 1,72 tỷ giạ, giảm 35 triệu giạ so với ước tính tháng 1.
NĂNG LƯỢNG
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, giá dầu bất ngờ tăng hơn 3% do lo ngại về cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông sau khi Israel từ chối lời đề nghị ngừng bắn từ Hamas. Lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu cũng đẩy giá dầu tăng cao.
- Dầu WTI tăng 3,2% lên 76,22 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,06% lên 81,83%. Cả hai loại dầu thô ghi nhận phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp và hiện đang ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2.
- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Tư đã bác bỏ đề nghị mới nhất của Hamas về lệnh ngừng bắn và trao trả các con tin bị giam giữ ở Dải Gaza. Hamas trước đó đã đề xuất lệnh ngừng bắn kéo dài 4 tháng rưỡi, tất cả các con tin sẽ được tự do, Israel sẽ rút quân khỏi Gaza và sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Sự từ chối từ phía Israel khẳng định về tính chất phức tạp của xung đột trong khu vực Trung Đông, và làm khó khăn hơn những nỗ lực đàm phán để hướng tới một thoả thuận chung. .
- Lực lượng Israel thậm chí đã ném bom thành phố biên giới phía Nam Rafah sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất chấm dứt các cuộc xung đột. Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu thô trong ngày hôm qua.
- Tại Biển Đỏ, các công ty vận tải biển lớn đang cảnh báo rằng tình hình an ninh ở đay đang tiếp tục xấu đi, bất chấp nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen.
- Theo JPMorgan, giá dầu thô Brent kỳ hạn có thể tăng 10 USD/thùng trong 3 tháng tới ngay cả khi không có bất kỳ khoản phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị nào. Nguyên nhân là do tồn kho dầu thô toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh. Tồn kho hiện đang ở mức 4,4 tỷ thùng trên toàn thế giới, mức thấp kỷ lục kể từ 2017. Tồn kho dầu thô đang giảm trên khắp thế giới do nền kinh tế vẫn kiên cường với việc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc duy trì tăng trưởng ổn định, là tín hiệu tích cực cho nhu cầu dầu.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Giá bạc và giá bạch kim đều phục hồi trong sắc xanh. Giá bạc chốt phiên tại mức 22,63 USD/ounce sau khi tăng 1,23%, mức tăng lớn nhất của giá bạc trong gần 2 tuần. Giá bạch kim phục hồi 0,8%, dừng chân tại mức 894 USD/ounce.
- Cả giá bạc và giá bạch kim đều biến động khá mạnh trong phiên giao dịch hôm qua.
- Phiên sáng, lực mua kĩ thuật đã hỗ trợ giá hai mặt hàng duy trì được sắc xanh.
- Phiên chiều, giá giảm trở lại bởi do áp lực vĩ mô chèn ép. Sau khi bác bỏ khả năng hạ lãi suất vào tháng 3 trong cuộc họp chính sách tuần trước, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục đưa ra những bình luận cứng rắn và khiến cho kỳ vọng hạ lãi suất ngày càng bị đẩy lùi.
- Phiên tối, đồng USD suy yếu đã hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường kim loại quý, giúp giá bạc và giá bạch kim phục hồi trong sắc xanh.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX để mất 0,9% về 3,7 USD/pound mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. Giá đồng tiếp tục lao dốc bởi triển vọng tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc khi nước này chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ.
- 08/02: Trung Quốc tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát tháng thứ tư liên tiếp. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng cũng chịu sức ép bán mạnh trong phiên.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 0,5% và mức giảm 0,3% của tháng 12/2023. Con số này đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2009.
- Quặng sắt phục hồi 2,77% lên 128,5 USD/tấn nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện. Các nhà phân tích hàng hóa Kpler ước tính nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, đạt 112,57 triệu tấn trong tháng 1/2024. LSEG ước tính mức nhập khẩu sẽ đạt 105,27 triệu tấn. Cả hai con số này đều cao hơn so với mức 100,86 triệu tấn của tháng 12/2023.
- ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, dự kiến tăng trưởng nhu cầu thép bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng tốc trong năm nay, ở mức 3 – 4%, dẫn đầu là tiêu thụ ở Ấn Độ. Nhu cầu thép tăng sẽ gián tiếp thúc đẩy tiêu thụ quặng sắt, nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan