Bản tin cập nhật ngày 09/03/2023.
LÚA MÌ GIẢM XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG VÒNG 18 THÁNG DO TRIỂN VỌNG VỀ THỎA THUẬN BIỂN ĐEN
Giá lúa mì đã giảm gần chạm mức thấp nhất trong 18 tháng do kỳ vọng về thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và nhu cầu tiếp tục yếu đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Đậu tương và lúa mì giảm, mặc dù việc cắt giảm ước tính về sản lượng vụ mùa tại Argentina đã hạn chế đà giảm của giá.
“Lúa mì giảm trong hầu hết thời gian trong ngày, ban đầu là do các cuộc đàm phán gia hạn thỏa thuận, sau đó là do báo cáo WASDE không đem lại bất ngờ gì cho thị trường,” Charlie Sernatinger của Marex Capital Markets cho biết trong một lưu ý của mình, đề cập đến Báo cáo Cung cầu nông sản thế giới hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Lúa mì giảm 0,3% xuống còn 6,85 – 1/2 USD/giạ.
Đậu tương giảm 0,1% xuống 15,16-1/4 USD/giạ.
Ngô giảm 0,2% xuống 6,24 USD/giạ.
Thị trường lúa mì Mỹ đang chịu áp lực từ cạnh tranh xuất khẩu của Nga và kỳ vọng về việc thỏa thuận sẽ sớm được gia hạn, làm tăng nguồn cung toàn cầu.
Tổng thống Ukraine và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư đã kêu gọi gia hạn thỏa thuận với Moscow cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Biển Đen trong cuộc xâm lược của Nga.
Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Tư rằng quan chức thương mại hàng đầu của Liên Hợp Quốc Rebeca Grynspan sẽ gặp các quan chức cấp cao của Nga tại Geneva vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận.
Trên thị trường đậu tương, sàn giao dịch ngũ cốc Rosario của Argentina đã cắt giảm mạnh dự báo về vụ thu hoạch năm 2022/23 của nước này vào thứ Tư, giảm xuống mức thấp nhất được ước tính trong thế kỷ này và cảnh báo về những đợt cắt giảm trong tương lai khi khu vực nông nghiệp trọng điểm của nước này đang phải đối mặt với hạn hán đang diễn ra.
Các ước tính mới cho thấy sản lượng đậu tương của chu kỳ hiện tại ở mức 27 triệu tấn, thấp hơn mức 34,5 triệu tấn được đưa ra trong dự báo tháng trước và thấp hơn mức 27,5 triệu tấn được thu hoạch trong niên vụ 2000/2001, là thời điểm sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires bắt đầu lưu giữ hồ sơ.
Các nhà đầu cơ lớn đã tăng vị thế mua ròng của họ đối với ngô CBOT.
Báo cáo cam kết giao dịch hàng tuần của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai cũng cho thấy các nhà giao dịch phi thương mại đã cắt giảm vị thế bán ròng đối với lúa mì và tăng vị thế mua ròng đối với đậu tương.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/03/2023.
ÁP LỰC VĨ MÔ TIẾP TỤC ĐÈ NẶNG LÊN GIÁ DẦU, TRONG KHI BÁO CÁO EIA KHÔNG THỂ THÚC ĐẨY LỰC MUA
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/03, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi sức ép vĩ mô tiếp tục đè nặng trong khi tình hình nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc rõ ràng. Giá dầu WTI giảm 1,19% xuống 76,66 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,76% xuống 82,66 USD/thùng.
Mở cửa với lực mua và bán tương đối giằng co, dầu thô tiếp tục chịu sức ép bởi lo ngại lãi suất tăng cao hơn kỳ vọng trước đây sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan điểm trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, áp lực bán cũng giảm bớt khi báo cáo sớm của Viên dầu khí Mỹ (API) và dự đoán của thị trường đều cho rằng tồn kho dầu thô thương mại Mỹ sẽ giảm sau nhiều tuần tăng trước đó.
Tâm lý thận trọng được duy trì cho đến phiên tối, khi Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 03/03 đã giảm lần đầu tiên sau 10 tuần tăng liên tiếp ở mức 1,7 triệu thùng. Tồn kho xăng cũng giảm 1,1 triệu thùng trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất chỉ tăng nhẹ 0,1 triệu thùng. Thông tin này đã thúc đầy lực mua ngay sau thời điểm ra báo cáo. Tuy nhiên, giá nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại khi EIA cho thấy bức tranh tiêu thụ vẫn còn kém tích cực.
Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã giảm hơn 2,2 triệu thùng xuống mức 3,36 triệu thùng trong tuần qua, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 tuần với khoảng 4,18 triệu thùng, cho thấy nhu cầu đối với dầu Mỹ suy yếu. Mức hiệu chỉnh chỉ giảm nhẹ đối với nguồn cung tại Mỹ. Nhu cầu dầu cho hoạt động lọc dầu tại Mỹ đạt trung bình 15 triệu thùng, thấp hơn 12.000 thùng so với tuần trước đó. Ngoài ra, tổng các sản phẩm được cung cấp, một thước đo cho nhu cầu, đạt trung bình 19,7 triệu thùng/ngày, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 1,3 triệu thùng so với tuần trước đó. Các dữ liệu cho thấy mức tiêu thụ còn yếu, đã kéo giá dầu giảm trở lại.
Trong khi đó, nguồn cung từ Nga thông qua hoạt động xuất khẩu đang tương đối đảm bảo, sẽ làm giảm áp lực dòng chảy dầu trên toàn cầu. Theo Bloomberg, mức cung cấp cho dầu thô Urals và ESPO của Nga, cũng như dầu nhiên liệu, đã tăng mạnh trong những tuần qua, phù hợp với nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ. Giá hai loại dầu trên tới các cảng châu Á đã tăng khoảng 2 USD/thùng so với tháng trước, đảm bảo cung dầu từ Nga.
Bên cạnh đó, phiên điều trần ngày thứ 2 của chủ tịch Fed trước Quốc hội Mỹ vào tối qua tái khẳng định thông điệp của ông về việc tăng lãi suất cao hơn và có khả năng nhanh hơn, nhưng nhấn mạnh sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế quan trọng sắp tới, như Bảng lương phi nông nghiệp vào cuối tuần này và dữ liệu lạm phát vào tuần sau. Chỉ số Dollar Index tăng nhẹ 0,04% lên 105,66 điểm khi đồng USD tiếp tục củng cố sức mạnh, từ đó gây áp lực cho giá dầu.
Ở một diễn biến khác, giá khí đốt quay đầu giảm hơn 5% sau phiên tăng trước đó, đạt mức 2,55 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Tại hội nghị năng lượng hàng đầu thế giới CERAWeek, người đứng đầu bộ phận khí đốt tự nhiên và năng lượng Bắc Mỹ cho biết giá khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ ổn định khi chúng tiếp cận mức hòa vốn. Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau các đợt phong tỏa sẽ không nâng giá khí đốt của Mỹ vì ngành công nghiệp này đã xuất khẩu rất nhiều trước đó.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/03/2023.
GIÁ KIM LOẠI QUÝ PHÂN HÓA, GIÁ ĐỒNG HỒI PHỤC KHI NHỮNG LO NGẠI NGUỒN CUNG LẤN ÁT ÁP LỰC LÃI SUẤT
Nhóm kim loại quý biến động nhẹ trong phiên giao dịch 08/03. Trong khi giá vàng không đổi và vẫn ở mức 1813,59 USD/ounce, thì giá bạc giảm nhẹ 0,24% về 20,15 USD/ounce, còn giá bạch kim hồi phục nhẹ 0,46% lên 940,6 USD/ounce. Sức ép bán đối với thị trường kim loại quý đã giảm bớt trong bối cảnh đà tăng của đồng USD đã chững lại và bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Chỉ số Dollar Index gần như không đối và vẫn ở mức 105,66 điểm. Tuy nhiên, giá của các mặt hàng kim loại quý đều không hồi phục mạnh mẽ khi mà dòng tiền hướng về thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng lên 4%. Mức sinh lời của loại tài sản an toàn này đang rất hấp dẫn và cạnh tranh trực tiếp với nhóm kim loại quý.
Triển vọng của nhóm kim loại quý cũng đang trở nên tiêu cực hơn khi mà áp lực lãi suất vẫn neo giá đồng USD ở mức cao. Công cụ theo dõi của CME cho thấy xác suất cho kịch bản tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đã tăng lên hơn 80% trong phiên hôm qua.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng hồi phục 1,31% lên 4,02 USD/pound, sau phiên giảm về mức thấp nhất trong vòng hai tuần. Cũng như các mặt hàng kim loại quý, sức mua trên thị trường đồng được khôi phục khi đồng USD không còn tăng mạnh. Triển vọng tiêu thụ đồng đang mờ nhạt đi trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn còn những lo ngại về nguồn cung thúc đẩy đà tăng của giá đồng.
Giám đốc điều hành của công ty giao dịch đồng lớn nhất thế giới, Trafigura, Jeremy Weir đã cảnh báo rằng tình trạng thâm hụt nguồn cung các kim loại như đồng và lithium có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu. Theo Bloomberg NEF, để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, thế giới sẽ cần tiêu thụ lượng kim loại có giá trị lên tới 10.000 tỷ USD, trong đó, đồng sẽ chiếm 34%.
Công ty khai thác hàng đầu thế giới, BHP, cũng ước tính nguồn cung đồng vẫn ít hơn so với nhu cầu tiêu thụ, với nhiều khoản đầu tư được rót vốn liên tục cho các dự án thăm dò các mỏ đồng trên toàn cầu. Việc sản xuất đồng trên thế giới hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi các công ty phải cạnh tranh để thu hút nhân lực. Để đáp ứng các hoạt động sản xuất phức tạp và nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai, các công ty cần lượng nhân sự mới thay thế cho các nhân công đã có kinh nghiệm sắp về hưu. Sản lượng đồng tại Mỹ của công ty Freeport-McMoRan Inc dự kiến sẽ giảm 1% trong năm nay do thiếu nhân lực vào thời điểm nhu cầu đồng tăng cao.
Trái lại, giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore giảm nhẹ 0,09% về 126,84 USD/tấn. Xu hướng đi ngang kéo dài khi mà thị trường vắng bóng các tin tức mới cho thấy triển vọng tiêu thụ sắt sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, việc lãi suất cao hơn toàn cầu cũng sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ sắt thép suy yếu và kìm hãm đà tăng của giá. Việc giá sắt vẫn neo ở mức cao như hiện nay vẫn được củng cố nhờ kỳ vọng tiêu thụ của Trung Quốc, tuy nhiên yếu tố này không đủ để thúc đẩy giá bứt phá.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/03/2023.
Bài viết liên quan