fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 10/07/2023

 

 

NÔNG SẢN

Ngô 

Giá ngô biến động giằng co quanh vùng 500 trong tuần 03/07 – 09/07 trước thông tin trái chiều về nguồn cung tại Mỹ

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 02/07 là 51%, tăng 1% so với tuần trước đó và bằng với dự đoán. Theo báo cáo giám sát hạn hán, ~ 67% diện tích ngô 2023 nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán trong tuần kết thúc ngày 04/07, giảm 3% so với tuần trước. Triển vọng vụ ngô của Mỹ đã được cải thiện nhờ các đợt mưa gần đây và đã gây áp lực lớn lên giá.

Ngược lại, theo báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales), Mỹ bán 251.693 tấn ngô niên vụ 22/23 và 418.031 tấn ngô niên vụ 23/24 trong tuần 23/06-29/06, tăng lần lượt 79,3% và 238,4% so với tuần trước đó. Doanh số bán hàng tích cực đã tác động “bullish” lên giá. Tuần này, giá ngô có thể hồi phục trở lại vùng 520-530.

Lúa mì

Giá lúa mì hợp đồng tháng 09 biến động mạnh trong tuần qua

Tình hình xuất khẩu khả quan của Mỹ thúc đẩy lực mua nhưng triển vọng nguồn cung toàn cầu tích cực hơn thì hạn chế đà giảm của giá. Theo USDA, Mỹ bán được 405.763 tấn lúa mì niên vụ 23/24 trong tuần kết thúc ngày 29/06, tăng 161,5% so với tuần trước đó, vượt dự đoán ở mức 50.000-350.000 tấn.

Hãng tư vấn SovEcon nâng dự báo xuất khẩu lúa mì niên vụ 23/24 của Nga – nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, lên mức 47,2 triệu tấn, từ 45,7 triệu tấn trước đó. Việc mở rộng xuất khẩu đã tác động “bearish” mạnh lên giá. Tuần này, giá lúa mì có thể test lại vùng 615.

Đậu tương

Giá chịu sức ép trước triển vọng về chất lượng mùa vụ của Mỹ

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 trải qua một tuần biến động mạnh mẽ. Giá duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần và test lại vùng đỉnh 1380 do tiếp tục phản ứng với việc diện tích thu hẹp tại Mỹ. Triển vọng nguồn cung đang dần cải thiện nhờ thời tiết thuận lợi hơn ở Midwest cùng áp lực cạnh tranh từ nguồn cung tại Brazil khiến giá liên tiếp suy yếu. 

Cảng Paranagua – cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Brazil – ghi nhận lượng xe tải kỷ lục tới cảng trong vòng 24 giờ. Hàng hóa hầu hết là đậu tương, khô đậu tương và ngô. Điều này củng cố cho kỳ vọng Brazil sẽ xuất khẩu lượng lớn ngũ cốc trong tháng 07, khi Brazil có vụ thu hoạch đậu tương kỷ lục. Nguồn cung từ Brazil sẽ hạn chế xuất khẩu từ Mỹ và cạnh tranh tới giá đậu tương CBOT.

Theo Drought Monitor, diện tích đậu tương bị khô hạn tại Mỹ đã thu hẹp xuống còn 60% từ mức 63%. Mưa lớn được ghi nhận ở vùng trung và bắc Illinois, Kentucky, Indiana và Ohio. Trong báo cáo Crop Progress tuần này, thị trường có thể kỳ vọng vào việc chất lượng cây trồng được cải thiện. Nếu đúng, giá có thể tiếp tục suy yếu xuống vùng 1280. 

Giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12 dù ghi nhận giảm hơn 1% nhưng các hợp đồng tháng gần vẫn đóng cửa trong sắc xanh. Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 06 tăng 46% so với tháng 05 lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng do các nhà máy chuyển tận dụng mức giá thấp nhất trong 28 tháng để đặt hàng. Việc nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, tăng trở lại có thể giúp các quốc gia sản xuất hàng đầu là Indonesia và Malaysia cắt giảm tồn kho. Thông tin này hỗ trợ giá trong ngắn hạn.

NĂNG LƯỢNG

Rủi ro về nguồn cung đẩy giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp

Kết tuần 03/07 – 09/07, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Giá dầu WTI tăng 4,56% lên 73,86 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 4,06% lên 78,47 USD/thùng.

Rủi ro nguồn cung thu hẹp trước tác động cắt giảm sản lượng từ các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã thúc đẩy lực mua trên thị trường. Saudi Arabia giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày và duy trì trong tháng 8. Nga cắt giảm thêm 500 nghìn thùng/ngày trong tháng 8. Bộ trưởng Năng lượng của Saudi khẳng định liên minh sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để hỗ trợ thị trường.

Lo ngại về nguồn cung gián đoạn, tại Mexico, một vụ hỏa hoạn bùng phát vào tối ngày 07/07 tại một giàn khoan ngoài khơi do công ty dầu khí nhà nước Pemex điều hành ở Vịnh Mexico, dẫn đến thiệt hại về người. Đây từng là mỏ dầu có sản lượng lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, sản lượng dầu tại đây giảm mạnh nhưng hiện vẫn đang cung cấp ~ 170.000 thùng dầu/ngày.

Loạt tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu có thể bị thu hẹp, dấy lên lo ngại về tình trạng thâm hụt trong nửa cuối năm nay đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần qua.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra tín hiệu tích cực về nhu cầu của Mỹ, góp phần hỗ trợ giá dầu. Dự trữ dầu thô thương mại giảm 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc 30/06, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm mạnh lần lượt 2,5 và 1 triệu thùng. Tổng sản phẩm cung cấp trong tuần, thước đo về nhu cầu, tăng mạnh ~ 1 triệu thùng/ngày, cho thấy mức tiêu thụ khởi sắc trong mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ.

KIM LOẠI

Kim loại quý

Giá kim loại quý được hỗ trợ nhờ vai trò trú ẩn phát huy trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, đồng USD suy yếu hỗ trợ nhu cầu đầu tư

Giá vàng và bạch kim đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp khi tăng lần lượt 0,25% và 0,58% lên mức 1.924,28 USD/ounce và 918,5 USD/ounce. Giá bạc tăng tuần thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 1,17% lên 23,28 USD/ounce.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tại Mỹ tháng 6 giảm xuống 46 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. PMI sản xuất của Châu Âu giảm xuống 43,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Dữ liệu trên cho thấy hoạt động sản xuất của các nền kinh tế lớn đang trên đà giảm tốc.

Theo Báo cáo bảng lương phi nông nghệp (NFP), Mỹ tạo ra số việc làm mới ngoài ngành nông nghiệp ít hơn 16.000 so với dự báo trong tháng 6, thị trường lao động hạ nhiệt làm gia tăng lo ngại suy thoái. 

Dữ liệu kinh tế yếu làm giảm sức mạnh của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm 0,62% về 102,27 điểm đã góp phần cải thiện sức mua trên thị trường bạc và bạch kim.

Kim loại cơ bản

Giá đồng COMEX đứt chuỗi giảm 2 tuần liên tiếp khi phục hồi 0,6% lên 3,78 USD/pound bất chấp triển vọng tiêu thụ kém sắc, giá được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung thu hẹp

Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, mưa lớn gây lũ lụt tiếp tục kéo dài và đe dọa tới hoạt động sản xuất đồng tại các mỏ. Tổng sản lượng đồng giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 408.200 tấn trong tháng 5.

Tồn kho đồng trên Sở LME đạt 62.975 tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4. Tại Sở Thượng Hải, tồn kho đạt 16.469 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *