NÔNG SẢN
Ngô
- Giá tiếp tục đi ngang trong tuần vừa rồi và gần như không thay đổi so với mức tham chiếu. Dù vậy, việc nhu cầu với ngô Mỹ vẫn ở mức cao đã tác động “bullish” và giúp giá kết tuần trong sắc xanh.
- Báo cáo Export Sales: Mỹ đã bán được 1,29 triệu tấn ngô trong tuần 24 – 30/11, đánh dấu chuỗi 5 tuần liên tiếp doanh số bán hàng đạt trên mức 1 triệu tấn.
Lúa mì
- Giá ghi nhận tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp. Nhập khẩu từ Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh là động lực chính thúc đẩy giá phá vỡ mốc hỗ trợ tâm lý 640.
- Báo cáo Daily Export Sales: Trung Quốc liên tục mua 4 đơn hàng lúa mì niên vụ 2023/24 của Mỹ với tổng khối lượng lên tới 1,12 triệu tấn chỉ trong tuần vừa rồi. Đây là mức bán hàng tuần cao nhất của Mỹ sang quốc gia Châu Á này trong nhiều năm trở lại đây.
- Áp lực bán chốt lời khiến giá đảo chiều suy yếu trong phiên cuối tuần.
Nhóm họ đậu
- Đậu tương đã ghi nhận tuần thứ 5 liên tiếp giảm giá, với 4 trên 5 phiên suy yếu. Các số liệu nghiêng về hướng “bearish” trong báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 12 đã tạo sức ép lên giá đậu tương.
- Dù sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil được dự báo thấp hơn, nhưng xuất khẩu đã tăng thêm 2 triệu tấn do việc bán hàng được đẩy mạnh trong những tháng qua, khiến đậu tương chịu áp lực sau khi báo cáo được công bố.
- LSEG cho biết, nhập khẩu đậu tương trong tháng 11 của Trung Quốc tăng đáng kể so với tháng 10 và cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, phần lớn lượng hàng đều đến từ Brazil. Điều này góp phần tác động “bearish” đến giá khi đây là giai đoạn mà Mỹ đáng ra phải là nguồn cung chính đối với Trung Quốc.
- Khô đậu tương suy yếu tuần thứ 3 liên tiếp với mức giảm ~2%. Dù không có quá nhiều thông tin cơ bản mới vào tuần qua, thị trường vẫn chịu sức ép khi sản lượng năm nay của Argentina dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ thời tiết thuận lợi.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Kết tuần, giá dầu tiếp tục lao dốc, có thời điểm chạm mức thấp nhất gần 6 tháng qua, ghi nhận tuần giảm giá thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm theo tuần dài nhất kể từ tháng 10/2018.
- Bức tranh nhu cầu suy yếu tại các nước tiêu thụ lớn, nguồn cung vẫn đảm bảo, đã gây áp lực lên giá dầu.
- Dầu WTI giảm 3,83% xuống 71,23 USD/thùng. Dầu Brent xuống 75,84 USD/thùng sau khi giảm 3,85%.
- Hoạt động thương mại của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, suy yếu trong tháng 11. Nhập khẩu dầu giảm 13,3% so với tháng 10 và giảm 9,2% so với cùng kỳ 2022, đạt ~10,33 triệu thùng/ngày, đánh dấu tốc độ giảm theo năm lớn nhất kể từ tháng 4 do tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập.
- Theo Bloomberg, tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ chỉ tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong năm 2024 so với 2023, tức chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng trong năm 2023 so với năm 2022.
- Lần đầu tiên sau 7 tháng, Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Aramco của Saudi Arabia giảm giá bán chính thức (OSP) cho chuyến hàng Arab Light sang châu Á vào tháng 1 thêm 50 cent/thùng so với tháng 12, xuống còn 3,50 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai, phản ánh về sức cầu suy giảm tương đối so với nguồn cung tại khu vực châu Á, càng làm gia tăng áp lực lên giá dầu trong tuần qua.
- Mỹ, sản lượng duy trì ở mức cao bù đắp cho lo ngại cắt giảm sản lượng tự nguyện của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Theo Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dù tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/12, tồn kho xăng tăng mạnh 5,4 triệu thùng, và tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 1,27 triệu thùng.
Khí tự nhiên
- Giá lao dốc hơn 8% xuống vùng thấp nhất kể từ giữa tháng 8.
- Theo EIA, tồn kho khí đốt tự nhiên ở 48 bang tại Mỹ ở mức 3.846 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 24/11, cao hơn 8,6% so với mức trung bình 5 năm.
- Nhu cầu yếu hơn tại Châu Á cũng thúc đẩy lực bán trong tuần qua, với giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tới Đông Bắc Á giảm 0,2 USD xuống 15,5 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh vào tuần trước.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc giảm 9,98%, neo tại mức 23,27 USD/ounce, tuần giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 10/2022.
- Bạch kim giảm 2 tuần liên tiếp, đóng cửa tuần tại 919,8 USD/ounce sau khi giảm 1,74%.
- Dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý khi các nhà đầu tư giảm bớt đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách vào tháng 3/2024. Họ cho rằng FED sẽ không hạ lãi suất ít nhất là cho tới tháng 7/2024.
- Bạc trải qua phiên lao dốc mạnh sau khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố.
- Bảng lương phi nông nghiệp (NFP): Mỹ có thêm 199.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 11, cao hơn 19.000 so với dự báo và mức 150.000 trong tháng 10. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 11 giảm xuống còn 3,7% từ mức 3,9% của tháng 10, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ, ngụ ý rằng nền kinh tế Mỹ chưa thể rơi vào suy thoái và FED khó có thể hạ lãi suất ngay trong tháng 3. Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh ngay sau khi dữ liệu được công bố, gây sức ép lên giá bạc.
- Bạch kim ghi nhận mức giảm yếu hơn hẳn so với giá bạc, do giá bạch kim được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung thu hẹp. Anglo American Platinum, nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới, cho biết họ có thể phải cắt giảm sản lượng bạch kim trong năm tới.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 2,57% về 3,83 USD/pound, chấm dứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp. Sau đợt tăng giá chủ yếu được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung, giá đồng quay đầu giảm khi rủi ro này dần được xoa dịu và tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc.
- Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, do rủi ro nợ gia tăng, khiến nhà đầu tư bi quan hơn về triển vọng kinh tế Trung Quốc, khi nền kinh tế nước này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững.
- Dữ liệu công bố cuối tuần cho thấy nước này tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm lần lượt 0,5% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Quặng sắt tăng 3,32% lên 135,52 USD/tấn. Giá quặng sắt phục hồi trở lại khi các nhà chức trách tại Trung Quốc không còn tăng cường giám sát trên thị trường nhằm hạn chế đà tăng giá.
- Quặng sắt được hỗ trợ bởi tiêu thụ tích cực tại Trung Quốc. Trung Quốc đã nhập khẩu 102,74 triệu tấn quặng sắt trong tháng 11, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan