NÔNG SẢN
Ngô
- Khép lại phiên giao dịch 11/12, giá ghi nhận mức giảm nhẹ 0,82% và tiến sát xuống vùng hỗ trợ 480.
- Số liệu gây thất vọng từ báo cáo Export Inspections đã khiến cho lực bán áp đảo trong phiên tối. Giao hàng ngô Mỹ chỉ đạt mức 711.733 tấn, giảm ~40% từ mức 1,18 triệu tấn trong tuần trước đó, cho thấy hoạt động vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu của Mỹ đang gặp phải một số bất lợi do hạn hán ở kênh đào Panama – tuyến hàng hải chính của thế giới. Giao thông đường thủy bị ách tắc có thể đẩy chi phí vận tải lên cao và đe dọa đến sự cạnh tranh của nông sản Mỹ so với nguồn cung giá rẻ từ Brazil.
Lúa mì
- Giá đối mặt với áp lực bán mạnh trong phiên hôm qua, lao dốc tới 3,52%.
- Báo cáo Cung – cầu Nông sản tháng 12 không còn nhiều ảnh hưởng đến thị trường
- Yếu tố hỗ trợ mạnh đến giá vào tuần trước là nhu cầu nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh ở Trung Quốc, đã có dấu hiệu chững lại. Thị trường không đón nhận thêm đơn hàng mới sang quốc gia châu Á này trong ngày đầu tuần là yếu tố đã gây sức ép đến giá.
Nhóm họ đậu
- Sắc xanh đã quay trở lại trên bảng giá của cả ba mặt hàng nhóm họ đậu. Đậu tương nhảy vọt tới 2,45% trong bối cảnh rủi ro về thời tiết đối với mùa vụ tại Brazil tiếp tục gia tăng.
- Hãng tư vấn Patria AgroNegocios cho biết, tiến độ trồng đậu tương niên vụ 23/24 ở Brazil đạt 88,1% tính tới 8/12, thấp hơn so với mức 97,3% cùng kỳ năm ngoái và 95,8% trung bình 5 năm. Lượng mưa không đồng đều cản trở việc trồng trọt và ảnh hưởng đến quá trình phát triển ban đầu của đậu tương ở khu vực miền trung và đông nam đất nước.
- Dự báo thời tiết cho thấy nửa phía bắc của Brazil có thể không nhận đủ mưa trong thời gian tới để giảm bớt tác động tiêu cực của hạn hán. Những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đối với vụ đậu tương năm nay ở Brazil duy trì tác động “bullish” mạnh tới giá đậu tương và hỗ trợ giá khô đậu hồi phục trong phiên hôm qua.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Giá ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp nhờ kỳ vọng nhu cầu cải thiện. Dầu WTI tăng 0,13% lên 71,32 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 76,03 USD/thùng, tăng 0,25% so với phiên trước.
- Lực mua duy trì mạnh mẽ vào đầu phiên nhờ kỳ vọng Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) sẽ tận dụng giá dầu thấp hơn để bắt đầu bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR). DOE có kế hoạch mua tới 3 triệu thùng dầu giao hàng vào tháng 3/2024 và tổ chức đấu thầu hàng tháng cho đến tháng 5/2024.
- Triển vọng nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ có dấu hiệu khởi sắc thúc đẩy lực mua trên thị trường. Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) dự báo kỷ lục 7,5 triệu người sẽ bay từ ngày 23/12/2023 đến ngày 1/1/2024, đánh dấu mùa du lịch cuối năm bận rộn nhất kể từ khi AAA bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2000.
- Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Rameswar Teli cho biết quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới sẽ tăng công suất lọc dầu thêm ~22% vào năm 2028, so với mức 253,92 triệu tấn/năm hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Con số này tương đương với mức tăng trưởng 1,12 triệu thùng/ngày.
- Bloomberg cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga đã xử lý 5,33 triệu thùng/ngày tính đến hết 06/12, giảm ~81.000 thùng/ngày so với mức trung bình của tuần trước, ghi nhận tuần giảm thứ 2 và là mức thấp nhất kể từ nửa cuối tháng 10. Các chuyến hàng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga giảm xuống 2,74 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 3/12 do ảnh hưởng của cơn bão lớn tại Biển Đen.
Khí tự nhiên
- Giá lao dốc ~6% trong bối cảnh tồn kho cao và dự báo thời tiết ấm hơn bình thường hạn chế nhu cầu sưởi ấm.
- Công ty tài chính LSEG cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên mức 108,5 tỷ feet khối (bcfd) trong đầu tháng 12, từ mức kỷ lục 108,3 bcfd trong tháng 11.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Nối tiếp đà giảm của phiên cuối tuần trước, bạc giảm 0,94% xuống 23,05 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp. Bạch kim giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, đóng cửa tại 915,7 USD/ounce sau khi giảm 0,45%.
- Đồng bạc xanh mạnh lên sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm tích cực trong tuần trước, đã gây sức ép lên bạc và bạch kim trong phiên hôm qua, làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ chưa thể rơi vào suy thoái trong ngắn hạn, kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 3 đã giảm bớt.
- Đồng yên Nhật suy yếu củng cố cho sức mạnh của đồng USD. Các quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết không cần thiết phải loại bỏ chính sách lãi suất âm trong cuộc họp tới.
- Bạch kim gặp sức ép bởi tín hiệu nguồn cung tích cực. Cơ quan năng lượng quốc gia Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã cấp giấy phép phân phối điện cho 3 cơ sở năng lượng mặt trời khiến cho tình trạng mất điện có thể được cải thiện. Các nhân viên biểu tình tại mỏ Bakubung của Wesizwe Platinum đã quay trở lại làm việc.
Kim loại cơ bản
- Đồng và quặng sắt gặp áp lực ngay từ phiên sáng, do thị trường hấp thụ số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc cuối tuần trước. Đồng COMEX giảm 1,31% xuống 3,78 USD/pound. Quặng sắt giảm 0,38%, đóng cửa tại mức 135 USD/tấn, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp.
- Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Trung Quốc giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số giá sản xuất (PPI) nối dài đà giảm sang tháng thứ 14 liên tiếp khi giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, giảm mạnh hơn dự báo và mức giảm 2,6% của tháng 10.
- Điều này cho thấy áp lực giảm phát đang gia tăng tại Trung Quốc và sức cầu trong nền kinh tế vẫn còn yếu kém. Triển vọng tiêu thụ nhóm kim loại cơ bản trở nên tiêu cực, gây áp lực lên giá đồng và quặng sắt.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan