NÔNG SẢN
Ngô
– Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/06, giá ngô đã giảm gần 1%. Trong phiên sáng, lực mua đối với ngô đã dần được đẩy mạnh và tiến sát vùng kháng cự 625. Dù vậy, giá ngô đã thất bại trong việc vượt qua vùng này và khiến giá quay đầu giảm.
– Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tỷ lệ cây trồng được đánh giá đạt chất lượng tốt ở mức 61% diện tích, giảm 3% so với tuần trước và thấp hơn dự đoán của thị trường, con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 72% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy đợt nắng nóng thời gian gần đây đang khiến cây trồng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Dù vậy, đây đã không còn là thông tin quá bất ngờ và đã phản ánh một phần lên diễn biến giá.
Lúa mì
– Giá lúa mì đã ghi nhận mức tăng nhẹ trong phiên vừa rồi. Mặc dù chịu sức ép khi mở cửa, tuy nhiên, giá đã quay đầu tăng mạnh và tiến sát vùng kháng cự 648. Lo ngại về tình hình nguồn cung tại khu vực biển Đen đang là nguyên nhân khiến giá được hỗ trợ.
– Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Bien Đen đồng thời cho rằng Moscow đā bị “lừa dối” về việc dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của nước này. Tuyên bố của ông Putin cho thấy việc gia hạn thỏa thuận biến Đen lần tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn, gây lo ngại về tình hình nguồn cung từ Ukraine.
Đậu tương
– Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/06, giá đậu tương quay trở lại đà hồi phục và ghi nhận mức tăng mạnh gần 2%. Giá tiến sát lên vùng kháng cự 1400 và lực mua được thúc đẩy chủ yếu do lo ngại về mùa vụ đậu tương đang bước vào giai đoạn nảy mầm và phát triển tại Mỹ.
– Cụ thể, theo báo cáo Crop Progress được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) Công bố, chất lượng đậu tương đã sụt giảm so với tuần trước. Tỉ lệ cây trồng được đánh giá tốt cũng giảm xuống mức 59% và thấp hơn so với dự đoán của thị trường. Trong khi đó, dự báo cho thấy thời tiết khô nóng vẫn sẽ duy trì ở Midwest trong tuần này, đặc biệt là các bang trung tâm chiếm tỉ trọng sản lượng lớn. Điều này gây ra nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất và chất lượng đậu tương, từ đó thúc đẩy đà tăng của giá.
– Dầu đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Triển vọng nguồn cung dầu thực vật toàn cầu sụt giảm là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến nhảy vọt của mặt hàng này. Một con đập thuộc nhà máy thủy điện Kakhovka đã bị vỡ vào rạng sáng ngày 06/06, khiến một phần đáng kể trong số 18 km khối nước chứa trong đập tràn xuống một vùng rộng lớn ở miền nam Ukraine. Trong khi đó, Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Tống thống Vladimir Putin cho biết, đồng thời cho rằng Moscow đã bị “lừa dối” về việc dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của nước này. Những khó khăn trong việc xuất khẩu dầu hướng dương tại Biển Đen đã tác động “bullish” mạnh tới giá dầu đậu.
KIM LOẠI
– Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/06, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến trái chiều giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, giá cả ba mặt hàng tiếp tục nối dài đà giảm. – Giá bạch kim giảm 6 phiên liên tiếp khi giảm 1,35% xuống 981,9 USD/ounce, múc giá thấp nhất kể từ cuối tháng 3. giá bạc đều giảm 2 phiên liên tiếp 0,99%, chốt phiên tại 23,82 USD/ounce.
– Trong bối cảnh vĩ mô tích cực, dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý với tính trú ẩn an toàn, khiến giá chịu sức ép.
– Báo cáo lạm phát ổn định được Mỹ công bố hôm qua đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
– Do đó, trước những dấu hiệu cho thấy lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, kỳ vọng Fed tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đã thúc đẩy tâm lý rủi ro của nhà đầu tư, dòng tiền được phân bổ sang thị trường chứng khoán.
– Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng và quặng sắt phục hồi trong sắc xanh nhờ đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm về 103,34 điểm và triển vọng tiêu thụ tích cực tại Trung Quốc.
NĂNG LƯỢNG
– Giá dầu đã lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 13/06 sau khi lao dốc vào ngày đầu tuần. Báo cáo của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 6 cho thấy góc nhìn về nguồn cung thâm hụt trong nửa cuối năm đã hỗ trợ đáng kể cho giá dầu. Trong khi đó, tình hình lạm phát tích cực tại Mỹ và một vài tín hiệu thúc đẩy tăng trưởng khả quan của Trung Quốc cũng góp phần vào đà tăng của giá.
– Kết phiên, giá dầu WTI tăng mạnh 3,43% lên mức 69,42 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên ở mức 74,29 USD/thùng, sau khi tăng 3,41%, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp.
– Theo báo cáo thị trường dầu tháng 6 của OPEC, sản lượng dầu thô của nhóm đạt trung bình 28,065 triệu thùng, giảm mạnh 464.000 thùng/ngày so vỚi tháng 4, sau khi Saudi Arabia thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện. Sản lượng của quốc gia thủ lĩnh nhóm đã giảm hơn 500.000 thùng/ngày, đúng với cam kết đặt ra. Lo ngại tình trạng nguồn cung bị thu hẹp trong nửa cuối năm đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu thô.
Bài viết liên quan