NÔNG SẢN
Ngô
Giá ngô tăng mạnh 3,5%, quay trở lại trên vùng hỗ trợ tâm lí 500
Ngay khi mở phiên ngày 13/07, phe mua đã dần chiếm ưu thế và duy trì đến cuối phiên nhờ tình hình bán hàng cải thiện trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales). Trong tuần kết thúc ngày 06/07, bán hàng niên vụ 22/23 tăng 86.1% so với tuần trước, bán hàng niên vụ mới chỉ tăng 12,6%. Số liệu cao hơn dự đoán cho thấy nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ cải thiện. Doanh số bán hàng niên vụ 22/23 hàng tuần phù hợp với dự báo của USDA là 41,91 triệu tấn.
Trái lại, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (Conab) nâng dự báo tổng sản lượng ngô niên vụ 22/23 từ 125,7 triệu tấn lên 127,7 triệu tấn nhờ năng suất cải thiện. Nâng năng suất ngô Brazil lên mức 5,77 tấn/héc-ta, từ mức 5,68 triệu tấn trong tháng 6. Tồn kho ngô dự báo tăng lên mức 10,33 triệu tấn, từ mức 8,36 triệu tấn trong tháng 6.
Lúa mì
Lúa mì hồi phục hơn 1% trước lo ngại về tình hình nguồn cung
Hãng tư vấn Strategie Grains cắt giảm dự báo hàng tháng đối với vụ thu hoạch lúa mì năm nay của Liên minh châu Âu (EU), do thời tiết khắc nghiệt. Sản lượng lúa mì mềm niên vụ 23/24 của EU dự báo ở mức 126,2 triệu tấn, giảm so với mức 128,7 triệu tấn ở tháng 05 và thấp hơn 1% so với niên vụ 22/23. Việc thu hoạch diễn ra thuận lợi, nhưng kết quả thực địa cho thấy năng suất thấp ở Tây Ban Nha và Đông Nam châu Âu.
Đậu tương
Nhóm đậu hồi phục mạnh khi thị trường tiếp tục phản ứng sau báo cáo WASDE
Đậu tương hồi phục mạnh hơn 3%, phản ánh rõ hơn kỳ vọng về nguồn cung đậu tương của Mỹ. USDA thay đổi dự báo diện tích gieo trồng niên vụ 23/24 và duy trì năng suất ở mức 52 giạ/mẫu, đã đặt ra câu hỏi về khả năng sụt giảm dự báo sản lượng trong các báo cáo tới. Nếu so với năm 2012, thời tiết cũng kém khả quan với mùa vụ thì năng suất đã bị điều chỉnh xuống mức thấp hơn ngay trong báo cáo WASDE tháng 7. Điều này khiến thị trường càng kỳ vọng vào mức cắt giảm sản lượng ở các báo cáo sau và tác động “bullish” lên họ đậu.
Nhập khẩu đậu tương tháng 6 của Trung Quốc đạt 10,27 triệu tấn, tăng 24,5% so với năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 12,02 triệu tấn trong tháng 5, do các lô hàng bị chậm trễ. Tuy nhiên, con số này vẫn cao và phù hợp với kỳ vọng, góp phần thúc đẩy giá đậu tương tăng trở lại.
Dầu đậu tương tăng mạnh nhất nhóm. Nga vẫn chưa quyết định có rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hay không. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết có thể ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cho tới khi các bên liên quan thực hiện cam kết trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Điều này gây ra lo ngại về khả năng nguồn cung dầu thực vật từ Biển Đen sẽ bị gián đoạn và là yếu tố hỗ trợ giá.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp trước tác động cung cầu và vĩ mô. Dầu WTI tăng 1,5% lên 76,89 USD/thùng và dầu Brent tăng 1,56% lên 81,36 USD/thùng
Yếu tố cung cầu
Báo cáo thị trường dầu thô tháng 7 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy thị trường sẽ thâm hụt mạnh cuối năm nay. Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới cao hơn 2,44 triệu thùng/ngày so với năm 2022, cao hơn 90.000 thùng/ngày so với báo cáo trước, do nhu cầu quý II của Trung Quốc dự báo tăng thêm 920.000 thùng/ngày, cao hơn mức 840.000 thùng/ngày trong báo cáo trước.
OPEC cảnh báo sự không chắc chắn về xu hướng và tốc độ hoạt động kinh tế ở các nước thuộc và không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nguồn cung trong cả năm không có nhiều thay đổi. Sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC trong nửa cuối năm sẽ thắt chặt hơn với mức giảm lần lượt 0,3% quý III và 0,33% quý IV. Thị trường sẽ cần ~ 29,42 triệu thùng dầu/ngày từ nhóm này trong năm 2023, cao hơn 120.000 thùng/ngày so với báo cáo trước.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ 0,2 triệu thùng/ngày so với báo cáo trước, tăng nhẹ dự báo sản lượng, nhưng vẫn cho thấy thị trường dầu thô sẽ thâm hụt ~ 600.000 thùng/ngày năm nay. Tổng xuất khẩu dầu của Nga tháng 6 giảm 600.000 thùng/ngày (bpd) xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm và có thể tiếp tục giảm khi Nga tuyên bố hạn chế xuất khẩu vào tháng 8. Điều này giúp dầu nối tiếp đà tăng.
Yếu tố vĩ mô
Dữ liệu lạm phát sản xuất tiếp tục cho thấy sự hạ nhiệt trong tháng 6, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc đà tăng lãi suất. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,4% vào tháng 5. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Lạm phát sản xuất lõi tháng 6 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt so với mức tăng 2,6% của tháng 5.
Đồng USD suy yếu mạnh kéo chỉ số Dollar Index giảm 0,75%, phiên giảm thứ 6 liên tiếp và lần đầu tiên trượt khỏi mức điểm 100 kể từ tháng 4/2022, thúc đẩy lực mua dầu.
KIM LOẠI
Kim loại quý
Đồng USD suy yếu thúc đẩy lực mua nhóm kim loại quý
Bạch kim tăng 2,8% lên 983,4 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 3 tuần. Bạc tăng 2,63% lên 24,94 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Vàng tăng 0,16% lên 1.960,19 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 1 tháng.
Lạm phát của Mỹ có dấu hiệu tăng chậm lại, giúp củng cố kỳ vọng Fed có thể chỉ còn 1 đợt tăng lãi suất nữa.
Kim loại cơ bản
Giá đồng được hỗ trợ mạnh nhờ sự sụt giảm của đồng USD bất chấp nhu cầu tiêu thụ yếu từ Trung Quốc
Đồng COMEX tăng 2,26% vượt mốc 3,90 USD lên 3,94 USD/pound, mức cao nhất trong 1,5 tháng. Trung Quốc nhập khẩu 449.649 tấn đồng trong tháng 6, giảm 16,4% (YoY).
Lực mua gia tăng trước lo ngại nguồn cung thu hẹp. Chính phủ Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ 2 thế giới, ban hành tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày đối với các khu vực phía nam của Apurimac, Cusco và Arequipa, nơi có tuyến đường vận chuyển đồng quan trọng từ các mỏ trọng điểm.
Bài viết liên quan