Bản tin cập nhật ngày 15/02/2023.
ĐẬU TƯƠNG GIẢM PHIÊN THỨ 2 LIÊN TIẾP DO VỤ MÙA KỶ LỤC CỦA BRAZI
Đậu tương giảm vào thứ Tư, với kỳ vọng về vụ thu hoạch cao nhất mọi thời đại ở Brazil gây áp lực lên giá.
Lúa mì giảm, tuy nhiên đà giảm được hạn chế nhờ lo ngại về rủi ro nguồn cung tại khu vực Biển Đen do chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Điểm tin chính:
Đậu tương CBOT giảm 0,3% xuống 15,33 USD/giạ.
Lúa mì tăng 0,1% lên 7,85-1/4 USD/giạ.
Ngô giảm 0,1% xuống 6,81-1/2 USD/giạ.
Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp AgRural cho biết tiến độ thu hoạch đậu tương của Brazil đạt 17%, trong khi Scoville lưu ý rằng tiến độ thu hoạch chung đang nhanh hơn so với tiến độ thu hoạch tại Mato Grosso, bang trồng đậu tương lớn nhất của Brazil.
Công ty tư vấn Agroconsult của Brazil cắt giảm ước tính sản lượng thu hoạch đậu tương của nước này xuống còn 153 triệu tấn, giảm so với 153,4 triệu tấn trước đó, tuy nhiên đây vẫn là mức lớn kỷ lục được ghi nhận.
Thị trường tiếp tục theo dõi tình hình chiến sự và đánh giá rủi ro chiến tranh đối với nguồn cung cấp ngũ cốc ở Biển Đen. Phát biểu về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, Moscow cho biết hôm thứ Hai rằng việc gia hạn thỏa thuận này là “không phù hợp”, trừ khi các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của nước này được dỡ bỏ.
Các quan chức quân sự ở Ukraine đưa ra cảnh báo hôm thứ Ba về nguy cơ cao thủy lôi trôi dạt quanh cảng Odesa, cản trở giao thông an toàn, khiến thị trường lo ngại về rủi ro gián đoạn thương mại ngũ cốc.
Sản lượng lúa mì năm 2023 của Ấn Độ có khả năng tăng 4,1% lên mức kỷ lục 112,2 triệu tấn, chính phủ cho biết hôm thứ Ba, do giá cao hơn đã thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích trồng trọt bằng các giống năng suất cao và thời tiết vẫn thuận lợi.
Trung Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy sản lượng đậu tương và dầu đậu, khi nước này tiếp tục thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn đối với các loại lương thực chính của họ.
Các thương nhân cho biết, các quỹ hàng hóa đã bán ròng các hợp đồng tương lai đậu tương, lúa mì, khô đậu tương và ngô CBOT vào thứ Ba, mua ròng các hợp đồng tương lai dầu đậu tương.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 15/02/2023.
DẦU THÔ BIẾN ĐỘNG MẠNH TRƯỚC CÁC YẾU TỐ VĨ MÔ VÀ TRIỂN VỌNG CUNG CẦU, KẾT PHIÊN TRONG SẮC ĐỎ
Phiên giao dịch ngày 14/02 của mặt hàng dầu thô tiếp tục là một phiên đầy biến động khi thị trường này liên tiếp đón nhận các tác động từ yếu tố cung cầu và dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 1 đặt ra những dự đoàn của nhà đầu tư về chiến lược của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Giá dầu WTI giảm 1,35% xuống 79,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 1,19% về mức 85,58 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 6% trước thông tin doanh thu từ tập đoàn cung cấp khí đốt hàng đầu Gazprom của Nga có thể đã giảm trong tháng 1 xuống còn 3,4 tỷ USD từ 6,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái sau khi nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu suy giảm, gây ra lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu mở cửa với mức giá thấp hơn giá tham chiếu của phiên trước đó, chịu sức ép từ việc Mỹ sẽ bán thêm khoảng 26 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR). Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc SPR của Mỹ sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 40 năm, cùng kỳ vọng nhu cầu có thể gia tăng đã khiến giá dầu diễn biến tương đối giằng co.
Lực bán được thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong phiên tối, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 1 cao hơn kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 ghi nhận mức tăng 6,4% so với cùng kỳ 2022, cao hơn dự báo với mức tăng 6,2% và chỉ hạ nhiệt nhẹ so với con số 6,5% vào tháng trước đó. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ còn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài. Thông tin này cũng đã củng cố sức mạnh của đồng USD và ngay lập tức kéo giá dầu đánh rơi gần 2 USD/thùng ngay sau đó.
Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu được dự báo khởi sắc hơn trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 2 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạn chế đà giảm của giá dầu. Nhóm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm trước, tương đương 2,3%. Con số dự báo cao hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, với kỳ vọng tiêu thụ tại các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc sẽ sớm bùng nổ. OPEC dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 590.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với dự báo tháng trước là 510.000 thùng/ngày, đồng thời lạc quan hơn về triển vọng kinh tế, khi nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 từ 2,5% lên 2,6%.
Trong báo cáo, OPEC cho biết sản lượng dầu thô của nhóm trong tháng 1 đã giảm 49.000 thùng/ngày xuống 28,88 triệu thùng/ngày do sự sụt giảm ở Saudi Arabia, Iraq và Iran bù đắp cho sự gia tăng ở những nơi khác, OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung năm 2023 từ các nhà sản xuất bên ngoài nhóm xuống 1,4 triệu thùng/ngày, từ 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng trước với kỳ vọng thấp hơn tại Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, nguồn cung trên thực tế vẫn còn tương đối phức tạp, khi dòng chảy dầu từ Nga vẫn tương đối ổn định bất chấp các lệnh cấm vận. Theo Bloomberg, các giàn khoan dầu của Nga đã khoan tổng độ sâu hơn 28.000 km vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, với tổng số giếng bắt đầu tăng gần 7% lên trên 7.800. Nga cũng đã chuyển hướng cung cấp dầu diesel xuất khẩu sang châu Phi và châu Á kể từ đầu tháng 2.
Trong khi đó, nhu cầu trong ngắn hạn vẫn đang tạo ra sức ép nhất định cho giá dầu. Báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) trong sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 19/2 tăng mạnh 10,5 triệu thùng nhiều khả năng sẽ gây sức ép tới giá dầu trong phiên mở cửa hôm nay.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 15/02/2023.
GIÁ KIM LOẠI QUÝ PHÂN HÓA TRƯỚC SỐ LIỆU CPI, GIÁ ĐỒNG VÀ QUẶNG SẮT ĐỀU HỒI PHỤC NHẸ
Với nhóm kim loại quý, giá vàng nhích nhẹ 0,05% lên 1854,29 USD/ounce và giá bạc tăng 0,1% lên 21,87 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim giảm 2,11% về 939,2 USD/ounce.
Chất xúc tác lớn nhất đối với thị trường kim loại quý trong phiên hôm qua là các số liệu lạm phát của Mỹ, bởi đây là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) căn cứ và điều hành lãi suất. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,5% so với tháng trước và 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CPI lõi (loại trừ năng lương và thực phẩm) tăng 0,4% so với tháng trước và cao hơn 5,6% so với năm ngoái.
Các mức tăng trưởng theo năm cao hơn so với dự báo của thị trường, trong khi tăng trưởng lạm phát trong tháng 1 cao hơn tháng 12 đã làm gia tăng lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Công cụ theo dõi lãi suất CME đang cho thấy, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong ba cuộc họp sắp tới, để nâng mức lãi suất điều hành lên 5 – 5,25%.
Mặc dù vậy, lạm phát ở Mỹ đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khá rõ ràng, và Fed cũng không còn nhiều dư địa để tăng lãi suất nên đồng USD không mạnh lên so với các đồng tiền khác trong phiên hôm qua. Chỉ số Dollar Index vẫn ở quanh mức 103,2 điểm, nhưng cũng đủ để kìm hãm sức mua đối với thị trường bạc và bạch kim.
Giá vàng và giá bạc vẫn duy trì được sắc xanh, bởi dòng tiền cũng dịch chuyển một phần từ thị trường chứng khoán sang các loại tài sản mang tính trú ẩn cao. Trong khi đó, giá bạch kim, cũng như rất nhiều kim loại khách như Niken và kẽm chịu tác động tiêu cực bởi nhu cầu tiêu thụ xe điện yếu trong năm nay.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng có phiên tăng thứ hai liên tiếp, với mức thay đổi khiêm tốn chỉ cao hơn 0,43% lên 4,08 USD/pound. Thị trường đồng không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố vĩ mô trong phiên hôm qua, khi mà những lo ngại về nguồn cung một lần nữa thúc đẩy sức mua. Trong bối cảnh tồn kho đồng ở cả Sở LME và Sở COMEX đều sụt giảm, lo ngại càng gia tăng khi mà ngoài Chile và Peru, các nước khác như Canada, hay Indonesisa cũng gặp vấn đề với nguồn cung. Các hoạt động sản xuất tại mỏ đồng có trữ lượng lớn thứ hai thế giới, Grasberg – Indoneisia, sẽ bị gián đoạn tới cuối tháng 2 do tình trạng mưa lớn và lũ lụt tại đây.
Tại Trung Quốc, tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải tăng lên 120.564 tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 6 năm ngoái. Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng quan sát diễn biến dự trữ đồng tại đây, bởi đà tăng mang tính chu kỳ, nhằm đáp ứng các hoạt động sản xuất, xây dựng trong năm. Tuy nhiên, nếu tồn kho đồng tiếp tục tăng mạnh, đây có thể là chỉ báo sớm cho thấy nhu cầu tiêu thụ chưa hồi phục mạnh mẽ.
Giá quặng sắt cũng lấy lại sắc xanh với mức tăng 1,72% lên 122,45 USD/tấn. Đáng chú ý, thị trường đã giằng co trong biên độ từ 120 – 130 USD từ đầu năm tới nay, phản ánh việc đà tăng chững lại và giá đang tích lũy. Diễn biến của giá đồng và giá quặng sắt trong một tháng trở lại đây chưa có sự bứt phá, bởi phần lớn những kỳ vọng đều đã phản ánh hết vào giá, và các nhà đầu tư đều đang chờ đợi sự cải thiện rõ ràng hơn từ Trung Quốc.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 15/02/2023.
Bài viết liên quan