Bản tin cập nhật ngày 15/03/2023.
LÚA MÌ TĂNG DO NHU CẦU TĂNG, LO NGẠI VỀ THỎA THUẬN XUẤT KHẨU BIỂN ĐEN
Lúa mì CBOT tăng phiên thứ tư liên tiếp vào thứ Tư, giao dịch gần với mức cao nhất trong một tuần trong phiên trước, do nhu cầu tăng mạnh và sự không chắc chắn về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen đã củng cố thị trường. Ngô và đậu tương tăng phiên thứ hai liên tiếp.
Điểm tin chính
- Lúa mì CBOT tăng 0,2% lên 6,97-3/4 USD/giạ, gần mức cao nhất trong một tuần.
- Ngô tăng 0,7% lên 6,25 USD/giạ.
- Đậu tương tăng 0,3% lên 14,98 USD/giạ.
Các cuộc đàm phán nhằm tiếp tục gia hạn thỏa thuận Biển Đen trước thời hạn gia hạn vào cuối tuần này, sau khi Kiev bác bỏ đề nghị của Nga về việc giảm thời gian gia hạn 60 ngày.
Nga và Ukraine là một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và việc thành lập hành lang ngũ cốc đã giúp hạ nhiệt giá hàng hóa lương thực toàn cầu, vốn đã đang đạt mức cao kỷ lục sau khi Nga xâm chiếm Ukraine một năm trước.
Giá ngũ cốc giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng vào tuần trước dường như đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Các thương nhân châu Âu cho biết, Algeria, Tunisia và Jordan đã mua lúa mì trong tuần này. Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm thứ Ba xác nhận đã bán 612.000 tấn ngô Mỹ cho Trung Quốc.
Xuất khẩu ngô của Brazil giảm mạnh trong tháng 2 do xuất khẩu đậu tương chiếm vị trí trung tâm và Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu từ các nước như Hoa Kỳ và Ukraine.
Các quỹ hàng hóa đã mua ròng ngô, lúa mì, đậu tương, dầu đậu tương và khô đậu tương.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 15/03/2023.
GIÁ DẦU ĐÓNG CỬA MỨC THẤP NHẤT TRONG HƠN 3 THÁNG TRƯỚC SỨC ÉP VĨ MÔ VÀO BÁO CÁO OPEC KHÔNG MANG TÍNH HỖ TRỢ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/03, thị trường năng lượng chứng kiến phiên lao dốc mạnh mẽ của cả 2 loại mặt hàng dầu thô WTI và Brent với mức giảm lần lượt là 4,64% xuống 71,33 USD/thùng và 4,11% xuống 77,45 USD/thùng. Lo ngại về lạm phát cố hữu buộc chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện, trong bối cảnh rủi ro tài chính kinh tế gia tăng đã kéo giá dầu ghi nhận phiên giảm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 4/1 hồi đầu năm, đẩy giá dầu đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.
Lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch khi những rủi ro từ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB từ trước đó và hệ thống ngân hàng liên đới khác có thể gặp bất lợi, tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường, và thúc đẩy áp lực bán đối với dầu thô. Lo ngại suy thoái kinh tế làm suy yếu nhu cầu, trong khi nguồn cung được đảm bảo, ít nhất là trong ngắn hạn khiến giá đầu gặp bất lợi. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 04/2023 được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, tương đương với mức tăng 68.000 thùng/ngày lên 9,21 triệu thùng/ngày.
Tâm điểm của thị trường vẫn hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 2 vừa qua. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng đúng theo dự đoán ở mức 6% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 6,4% trong tháng trước, và giá dầu đã nhân lực mua tích cực hơn ngay sau báo cáo. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu, khi lạm phát lõi vẫn tăng mạnh hơn 0,1 điểm phân trăm so với tháng trước, tương đương mức tăng 0,5% so với tháng 1. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, với tỷ lệ cho rằng 25 điểm cơ bản được bổ sung trong kỳ họp sắp tới chiếm ưu thế. Lo ngại chi phí vay tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều sức ép như hiện tại đã thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu.
Trong khi đó, báo cáo từ nhóm OPEC không mang tính hỗ trợ cho thị trường. Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 nhìn chung không thay đổi so với đánh giá của tháng trước ở mức 2,3 triệu thùng/ngày, đưa mức tiêu thụ trung bình trong năm đạt 101,9 triệu thùng/ngày. OPEC dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 710.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với dự báo 590.000 thùng/ngày của tháng trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong nhu cầu tại khu vực các nước phát triển OCED châu Mỹ và châu Âu đã hạn chế các tác động tích cực đối với bức tranh tiêu thụ toàn cầu.
Về nguồn cung, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC vào năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 67,2 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với tháng trước. Nhóm OPEC đã tăng mạnh ước tính nguồn cung trong quý 1 từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt khi sản xuất tiếp tục ổn định, dự kiến Nga sẽ bơm 10,9 triệu thùng mỗi ngày trong quý này, nhiều hơn khoảng 620.000 thùng mỗi ngày so với ước tính trong báo cáo tháng trước.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 28.924 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2023, cao hơn 117.000 thùng/ngày hàng tháng, nhờ sự phục hồi hơn nữa tại Nigeria. Báo cáo cũng cắt giảm ước tính về lượng dầu thô mà OPEC cần bơm vào năm 2023 để cân bằng thị trường, thêm 200.000 thùng/ngày so với báo cáo trước xuống còn 29,3 triệu thùng/ngày, cho thấy góc nhìn nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn so với nhu cầu. Các thông tin trên đã góp phần đẩy giá dầu về vùng thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 15/03/2023.
GIÁ KIM LOẠI QUÝ SUY YẾU DO DÒNG TIỀN ƯA RỦI RO, GIÁ SẮT CAO NHẤT TRONG 10 THÁNG DO TRIỂN VỌNG TÍCH CỰC TẠI TRUNG QUỐC
Bảng giá kim loại được phân hóa thành hai nửa xanh đỏ rất rõ ràng khi kết thúc phiên ngày 14/03. Với nhóm kim loại quý, giá vàng giảm 0,58% về 1902,12 USD/ounce và giá bạch kim giảm 0,76% về 997,3 USD/ounce. Trái lại, giá bạc tăng nhẹ 0,53% lên 22,04 USD/ounce.
Tin tức mang tính dẫn dắt thị trường kim loại quý trong phiên hôm qua là số liệu lạm phát tháng 2 của Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% so với tháng trước và cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn các chỉ số đều cho thấy sự hạ nhiệt và không gây bất ngờ so với dự báo, tuy nhiên chỉ số CPI lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) đã tăng 0,5% so với tháng trước và cao hơn dự báo 0,4% trước đó.
Áp lực lạm phát vẫn làm gia tăng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần sau. Các nhà phân tích tin rằng Fed sẽ duy trì tăng lãi suất ở tốc độ vừa phải để tránh đưa nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, đồng thời hạn chế sức ép về thanh khoản lên thị trường tài chính nói chung.
Giá trị của đồng USD không biến động quá mạnh sau tin tức này, với chỉ số Dollar Index vẫn duy trì ở mức 103,6 điểm. Tuy nhiên, giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt chịu sức ép đến từ sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Tâm lý lo ngại về mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản được gỡ bỏ, cũng như các chỉ số lạm phát không tăng quá mạnh khiến cho dòng vốn rời khỏi các tài sản có tính trú ẩn an toàn như vàng, bạc và bạch kim. Mức tăng của giá bạc không phản ánh quá nhiều sự khác biệt về triển vọng so với các mặt hàng khác, bởi giá vàng và bạch kim đều đã tăng mạnh hơn so với giá bạc trước đó nên lực bán do yếu tố liên thị trường và cả tâm lý chốt lời trong phiên hôm qua mạnh hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm 1,25% về 4,00 USD/pound, còn giá quặng sắt tăng nhẹ 0,15%. Đáng chú ý, trong một tuần gần đây, giá đồng vẫn liên tục kiểm nghiệm lại vùng kháng cự tâm lý 4,00 USD nhưng vẫn chưa thể vượt qua. Một mặt, giá các mặt hàng kim loại cơ bản vẫn được hỗ trợ khi mà doanh số bán nhà trong tháng 2 của Trung Quốc đã phục hồi nhẹ. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng ban hành chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản, như việc cho phép các công ty tiếp cận và sử dụng 30% số tiền mua nhà trả theo tiến độ của khách hàng.
Đối với giá đồng, những lo ngại về nguồn cung tại Peru tiếp tục giúp cho giá đồng duy trì ở mức cao. Các cuộc biểu tình chặn đường đã làm khối lượng xuất khẩu khoáng sản của nước này giảm 19,8%. Về phía nguồn cung, tập đoàn khoáng sản hàng đầu thế giới Rio Tinto, mới đây đã bắt đầu sản xuất tại mỏ Oyu Tolgoi, nơi có trữ lượng đồng và vàng lớn nhất thế giới. Công ty cũng dự kiến mở Oyu Tolgoi sẽ trở thành mỏ đồng lớn thứ tư thế giới và đạt được sản lượng 500.000 tấn/năm. Thông tin này cũng đã gây sức ép phần nào lên giá đồng trong phiên hôm qua.
Giá sắt hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, trong bối cảnh lợi nhuận của các nhà máy thép tăng nhanh và việc mở rộng sản lượng của họ đã thúc đẩy nhu cầu quặng sắt. Tuy nhiên đà tăng có thể gặp sức ép nếu các nhà chức trách Trung Quốc vào cuộc để hạ nhiệt sự tăng giá.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 15/03/2023.
Bài viết liên quan