NÔNG SẢN
Ngô
- Giá ngô tháng 12 khép phiên 14/09 với mức giảm nhẹ 0,36% trước triển vọng nhu cầu sụt giảm.
- Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tối qua tuần kết thúc vào ngày 07/09, bán hàng ngô niên vụ 2022/23 của Mỹ đã giảm mạnh hơn 20% so với tuần trước đó xuống còn 753.298 tấn. Doanh số bán hàng cho các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mexico và Colombia đều giảm trong tuần đầu tiên của niên vụ mới. Những số liệu bán hàng tiêu cực gây ra lo ngại về tình hình xuất khẩu cùng với nhu cầu đối với ngô Mỹ, tác động “bearish” đến giá và khiến giá quay đầu sụt giảm.
- Ngô chịu sức ép bởi thông tin tích cực về triển vọng nguồn cung tại EU. Công ty tư vấn Strategie Grains dự kiến EU sẽ sản xuất 59,6 triệu tấn trong năm nay, tăng so với mức 58,7 triệu tấn dự báo tháng trước và cao hơn 7,3 triệu tấn so với năm ngoái. Cây trồng phát triển tốt trên hầu khắp châu Âu, ngoại trừ ở Romania và Bulgaria.
Lúa mỳ
- Sau đà khởi sắc 2 phiên liên tiếp trước đó, giá lúa mì hợp tháng 12 đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm gần 0,6%. Nguồn cung lúa mì của Canada dự kiến mở rộng hơn trong năm nay, gây áp lực lên giá trong phiên vừa rồi trong bối cảnh tình hình chiến sự tại biển Đen không xuất hiện thêm động thái mới.
- Cơ quan Thống kê Canada (StatsCan) dự báo, sản lượng lúa mì của nước này đạt 29,8 triệu tấn, dù thấp hơn 13% so với năm ngoái nhưng cao hơn so với mức 29,5 triệu tấn dự kiến. Thị trường lúa mì giàu protein toàn cầu vẫn sẽ ổn định trong 1 năm tới, do nguồn cung từ Mỹ có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của Canada.
- Số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Sales hạn chế đà giảm của lúa mì khi mà doanh số bán hàng niên vụ 23/24 đạt 437.850 tấn, tăng 18,2% so với tuần trước đó.
Đậu tương
- Kết phiên, giá đậu tương tháng 12 tăng gần 1% nhờ lực mua kỹ thuật sau khi test lại vùng hỗ trợ 1334. Sau giai đoạn giằng co trong phiên sáng, phe mua đã hoàn toàn chiếm ưu thế khi phiên tối mở cửa. Thị trường thiếu vắng thông tin cơ bản.
- Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) hôm qua, doanh số bán đậu tương niên vụ 2023/24 chỉ ở mức 703.860 tấn, giảm 60,5% so với tuần trước đó, cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ có đã sụt giảm đáng kể trong tuần vừa rồi, góp phần kìm hãm đà tăng của giá.
- Giá dầu đậu tương đóng cửa không thay đổi so với mức tham chiếu. Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) cho biết, nhập khẩu dầu thực vật tháng 08 của Ấn Độ tăng 5,5% so với tháng 7 lên mức kỷ lục 1,85 triệu tấn, do các nhà máy tăng cường mua hàng để bổ sung kho dự trữ cho các lễ hội. Nhập khẩu dầu cọ đạt 1,13 triệu tấn, tăng 3,9% so với tháng 7 và là mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Nhập khẩu dầu đậu tương tăng 4,6% lên 357.890 tấn và nhập khẩu dầu hướng dương tăng 11,8% lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng là 365.870 tấn. Ấn Độ có thể nhập khẩu kỷ lục 16-16,5 triệu tấn dầu thực vật trong niên vụ 22/23, dự kiến kết thúc vào 31/10. Triển vọng nhu cầu thực vật tốt từ Ấn Độ hỗ trợ dầu đậu tương quay đầu hồi phục sau khi chịu áp lực bán trong phiên sáng qua.
- Khô đậu tương tăng hơn 1%. Doanh số bán hàng khô đậu tương niên vụ mới của Mỹ đã tăng mạnh lên mức 454.666 tấn, cao gấp 3 lần so với tuần trước đó. Lũy kế bán hàng niên vụ 2023/24 hiện đã đạt 2,9 triệu tấn, tăng 60,7% so với cùng kì niên vụ trước, cho thấy nhu cầu có sự cải thiện và hỗ trợ giá tiến sát lên vùng kháng cự tâm lí 400.
NĂNG LƯỢNG
Yêú tố cung cầu
- Kết phiên 14/09, giá dầu lấy lại đà tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt.
- Dầu WTI tạo cột mốc mới khi vượt lên vùng 90 USD/thùng sau khi tăng 1,85%. Giá dầu Brent tăng gần 2%, chốt phiên với mức giá 93,70 USD/thùng.
- Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các động thái từ 2 nhà lãnh đạo OPEC+ có khả năng tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung đáng kể và đe dọa biến động giá hơn nữa. OPEC cho biết thị trường đang phải đối mặt với mức thâm hụt hơn 3 triệu thùng/ ngày trong quý tới, có khả năng là lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
- Giá dầu Arab Light loại hàng đầu của Saudi Arabia tăng lên ~ 100 USD/thùng ở châu Âu do mức phí bảo hiểm tăng cao. Trong 40 năm qua, Arab Light chỉ giao dịch trên 100 USD/thùng vài lần (năm 2008, 2012 – 2014 và 2022)
- Trên thế giới, lợi nhuận lọc dầu (chênh lệch giữa chi phí dầu thô và giá trị của xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác) đã tăng lên mức kỷ lục, do nhu cầu tăng vọt kết hợp với việc thiếu công suất lọc dầu, cho thấy các tín hiệu thắt chặt nguồn cung và đẩy giá dầu tiếp tục động lực tăng mạnh.
Yếu tố vĩ mô
- Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 8/2023 tăng 0,6% so với tháng 7, cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo, cho thấy các tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ và làm giảm niềm tin suy thoái, góp phần thúc đẩy lực mua dầu.
- Giá của các nhà sản xuất tại Mỹ trong tháng 8/2023 của Mỹ tăng mạnh hơn so với dự báo do giá năng lượng tăng cao đang đặt ra thách thức cho kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8/2023 của Mỹ tăng 0,7% so với tháng 7, mạnh hơn so với dự báo tăng 0,4% cũng như mức tăng 0,4% của tháng 7
- Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức cao kỷ lục 4, mức cao nhất kể từ khi đồng euro được sử dụng vào năm 1999. ECB cũng đã phát đi một số những thông điệp về việc sẽ chấm dứt chuỗi tăng lãi suất trong thời gian tới.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc duy trì đà giảm khi giảm 0,81% xuống mức 22,99 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,65% lên 911,1 USD/ounce, vàng đóng cửa tại mức 1.910,32 USD/ounce sau khi tăng 0,21%.
- Giá được hỗ trợ nhờ áp lực vĩ mô giảm bớt sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát giá sản xuất hạ nhiệt.
- Chỉ số giá tiêu dùng lõi hạ nhiệt trong tháng 8, chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi cũng cùng chung xu hướng. Dù chỉ số PPI tháng 8 của Mỹ tăng 0,7% so với tháng 7, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo cũng như mức tăng 0,4% của tháng 7. Tuy nhiên, chỉ số PPI lõi tháng 8 của Mỹ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo và giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 7.
- Lạm phát tại Mỹ vẫn đang trên đà giảm tốc sẽ làm giảm không gian để Fed tăng lãi suất. Thị trường hiện đang đặt cược 97% vào khả năng Fed giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp chính sách ngày 20/9 và gần 67% khả năng tạm dừng vào tháng 11.
- Áp lực lãi suất giảm bớt đã hỗ trợ dòng tiền quay lại thị trường kim loại quý. Bạc vẫn kết phiên trong sắc đỏ do mức giảm mạnh trong phiên sáng đã lấn át đà tăng của phiên tối.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX tăng 0,75% chốt phiên tại mức 3,82 USD/pound
- Lực mua các mặt hàng kim loại cơ bản bật tăng trong phiên hôm qua sau khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào ngày 15/9 xuống 25 điểm cơ bản, ngoại trừ những ngân hàng đã duy trì RRR ở mức 5%.
- Tin tức này giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư sau một thời gian Chính phủ Trung Quốc chỉ ban hành những chính sách kinh tế mang tính quy mô nhỏ. Việc cắt giảm RRR được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản trên thị trường, người dân tăng cường chi tiêu và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Điều này cũng gián tiếp làm tăng triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp, từ đó hỗ trợ cho giá.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan