NÔNG SẢN
Ngô
- Giá giảm nhẹ 0,11%, chấm dứt chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng giá.
- USDA chi nhánh Bắc Kinh: tiêu thụ ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc dự báo ở mức 223 triệu tấn, thấp hơn mức 225 triệu tấn trong báo cáo WASDE tháng 1. Trung Quốc sẽ chỉ nhập khẩu 20 triệu tấn ngô trong niên vụ 2023/24, thấp hơn 3 triệu tấn so với dự báo chính thức do chính phủ ngày càng mong muốn hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
- Báo cáo Export Sales: doanh số bán hàng ngô của Mỹ trong tuần trước đã giảm 23,7% so với báo cáo trước đó. Nhu cầu thấp hơn từ Trung Quốc và hoạt động bán hàng giảm tại Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá chịu áp lực vào hôm qua.
Lúa mì
- Đây là mặt hàng duy nhất trong nhóm nông sản tăng giá vào hôm qua, ghi nhận phiên hồi phục thứ 7 liên tiếp.
- Thị trường diễn biến tương đối giằng co sau khi đà tăng bị chặn lại tại kháng cự 617.
- Nguồn cung vẫn ổn định từ Nga trong niên vụ tới là yếu tố đã kìm hãm đà tăng của giá. SovEcon nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 24/25 của Nga lên mức 92,2 triệu tấn, cao hơn 0,9 triệu tấn so với báo cáo trước nhưng vẫn thấp hơn mức 92,8 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết thuận lợi giúp chất lượng cây trồng vụ đông của Nga được cải thiện.
Đậu tương
- Lực bán được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi thị trường đón nhận những kết quả gây thất vọng từ báo cáo Export Sale
- Mỹ chỉ bán được 560.896 tấn đậu tương niên vụ 23/24, thấp hơn 28,2% so với báo cáo trước đó, và nằm dưới mức doanh số tối thiểu thị trường kỳ vọng, đánh dấu tuần thứ 5 liên tiếp doanh số bán hàng không đạt mức 1 triệu tấn, và phản ánh nhu cầu quốc tế ở mức thấp. Đây là yếu tố chính đè nặng lên giá
NĂNG LƯỢNG
- Giá tăng ~3% lên mức cao nhất trong gần hai tháng sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt dự kiến trong quý IV/2023, thúc đẩy triển vọng tích cực về nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro gián đoạn thương mại toàn cầu, cũng góp phần củng cố lực mua
- Dầu WTI tăng 3,02% lên 77,36 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,99% lên 82,43 USD/thùng.
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của Mỹ tăng 3,3% so với quý trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 2%. Tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp áp lực từ môi trường lãi suất cao, củng cố kịch bản “hạ cánh mềm”. Kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu là động lực mạnh mẽ hỗ trợ giá dầu tăng cao.
- Lực mua cũng được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu dầu tích cực của Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Mức tiêu thụ nhiên liệu trong năm tài chính 2024 – 2025 bắt đầu từ ngày 1/4, dự kiến sẽ tăng 2,7% lên 238,954 triệu tấn, so với ước tính sửa đổi là 232,561 triệu tấn cho năm tài chính hiện tại. Nhu cầu xăng trong nước dự kiến tăng 5,4% lên 39,2 triệu tấn, nhu cầu dầu diesel dự kiến tăng 2,7% lên 92,4 triệu tấn.
- Căng thẳng địa chính trị tại hai khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục leo thang, làm gia tăng mối lo ngại gián đoạn nguồn cung. Hãng vận tải khổng lồ Maersk cho biết các vụ nổ trong khu vực đã buộc hai tàu do công ty con của Mỹ vận hành và chở quân nhu của Mỹ phải quay đầu khi đi qua eo biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen. Lãnh đạo Houthi tuyên bố nhóm này sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel, cho đến khi viện trợ đến tay người dân Palestine ở Gaza.
- Tại Nga, máy bay không người lái của Ukraine đã không kích vào nhà máy lọc dầu Tuapse với công suất 240.000 thùng/ngày thuộc sở hữu của Rosneft ở miền nam nước Nga. Đây là cuộc không kích thứ tư nhằm vào mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng lớn của Nga trong tuần qua, làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông vẫn diễn ra căng thẳng.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạch kim giảm mạnh 2,23% xuống còn 894,5 USD/ounce, thì giá bạc tăng nhẹ 0,17% lên 22,92 USD/ounce.
- Dữ liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ – thông tin ảnh hưởng rất lớn tới kỳ vọng lãi skhông: tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV/2023 đạt 3,3% so với quý trước, giảm so với mức tăng 4,9% trong quý III/2023, nhưng cao hơn nhiều so với ước tính tăng trưởng 2% của thị trường.
- Đồng USD được củng cố ngay sau dữ liệu, kéo chỉ số Dollar Index tăng 0,33%, gây áp lực tới nhóm kim loại nói chung, đặc biệt là kim loại quý
- Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu lại tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 20/1, đạt 214.000 người, cao hơn 14.000 so với dự báo và là mức cao nhất trong 4 tuần qua. Điều này đặt ra sự hoài nghi về độ trễ của sức ép tăng trưởng. Do đó, giá bạc vẫn được hưởng lợi do có tính trú ẩn cao hơn nhiều so với bạch kim.
Kim loại cơ bản
- Trước sức ép từ đồng USD, đồng COMEX giảm nhẹ 0,44% xuống 3,86 USD/pound bất chấp đà tăng mạnh trước đó đến từ nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc.
- Trong tháng 11/2023, tiêu thụ đồng tinh luyện đạt 2,38 triệu tấn trên toàn thế giới, giữ nguyên tháng thứ 3 liên tiếp, phản ánh nhu cầu thực tế vẫn khá hạn chế, tạo sức ép cho giá. Báo cáo cũng cho thấy thị trường đồng thâm hụt 130.000 tấn trong 11 tháng đầu năm 2023, do nguồn cung thu hẹp. Do đó, giá đồng COMEX đã không thể giảm sâu.
- Giá nhôm LME tiếp nối đà tăng, lên cao hơn 0,4% giá trị so với phiên trước trước nguy cơ Ba Lan và các nước vùng Baltic đưa ra lệnh cấm nhập khẩu nhôm từ Nga đối với gói trừng phạt thứ 13 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung gián đoạn.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan