fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 17/01/2023

Bản tin tổng hợp ngày 17/01/2023.

ĐẬU TƯƠNG GIẢM DO KỲ VỌNG VỀ VỤ MÙA KỶ LỤC TẠI BRAZIL; LÚA MÌ GIẢM

Đậu tương CBOT giảm vào thứ Ba, đây là lần giảm đầu tiên trong 4 phiên, do kỳ vọng về vụ thu hoạch cao kỷ lục có của Brazil gây áp lực lên giá.

Lúa mì giảm, trong khi ngô giảm từ mức cao nhất trong hai tuần.

Điểm tin chính

Đậu tương CBOT giảm 0,6% xuống 15,18 USD/giạ.

Lúa mì giảm 0,7% xuống 7,38-3/4 USD/giạ.

Ngô giảm 0,7% xuống 6,70-1/2 USD/giạ.

Dự báo của Reuters cho biết, nông dân Brazil được kỳ vọng sẽ thu hoạch vụ đậu tương vụ cao kỷ lục lên tới 153 triệu tấn trong niên vụ 2022/2023 nhờ tăng diện tích gieo trồng và thời tiết thuận lợi ở hầu hết các vùng của đất nước.

Giá lúa mì của Nga giảm nhẹ trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ các nhà xuất khẩu khác và lượng cung cao, các nhà phân tích cho biết hôm thứ Hai.

Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu cho thấy, các nhà đầu cơ lớn đã cắt giảm vị thế mua ròng của họ đối với ngô kỳ hạn CBOT trong tuần tính đến ngày 10/01.

Báo cáo cam kết giao dịch hàng tuần của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai cũng cho thấy các nhà giao dịch phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng của họ đối với lúa mì CBOT và cắt giảm vị thế mua ròng của họ đối với đậu tương.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 17/01/2023.

ĐÀ TĂNG CỦA GIÁ DẦU CHỮNG LẠI DO ÁP LỰC CHỐT LỜI VÀ TÂM LÝ THẬN TRỌNG TRƯỚC CÁC BÁO CÁO THÁNG

Sắc đỏ quay trở lại thị trường dầu trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu thô WTI giảm 1,38% về 78,76 USD/thùng, và giá dầu thô Brent giảm 0,96% về 84,46 USD/thùng.

Sức ép bán gia tăng dù không có tin tức nào đặc biệt tiêu cực về mặt cung cầu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tâm lý chốt lời đang xuất hiện sau chuỗi tăng giá mạnh của tuần trước. Bên cạnh đó, đồng USD cũng tăng trở lại và khiến cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ số Dollar Index dù đóng cửa ở mức 102 điểm, nhưng đã nhiều lần vượt vùng này trong hôm qua và gây áp lực lên giá dầu.

Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở gần mức cao nhất trong vòng một tháng và hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định đà tăng của giá sẽ dừng lại. Tâm lý thị trường vẫn đang rất tích cực nhờ triển vọng phục hồi của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ tại đây sẽ gia tăng nhanh chóng hơn so với nguồn cung.

Hiện các nhà sản xuất lớn như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC+) và Mỹ đều chưa có chính sách gia tăng sản lượng trong khi nguồn cung từ Nga có nguy cơ giảm do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu. Theo Bloomberg, doanh thu từ dầu mỏ của Nga chịu thêm áp lực khi giá dầu thô trung bình mà Chính phủ áp dụng để tính thuế đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm. Các nhà phân tích lo ngại về việc Nga có thể sẽ cắt giảm sản lượng để đối phó với sự lao độc của giá dầu và tránh rủi ro thâm hụt ngân sách.

Hiện dòng chảy dầu thô của Nga đã hướng sang châu Á với các điểm đến quan trọng là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ the, khối lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong năm 2022 đã tăng lên mức kỷ lục và gấp 33 lần so với năm 2021. Nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới đã mua trung bình 1,2 triệu thùng/ngày từ Nga trong tháng 12, cao hơn 29% so với tháng 11.

Tại châu Âu, các quốc gia đang đẩy mạnh mua dầu diesel của Nga, trước khi lệnh cấm nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 05/02 sắp tới. Theo công ty phân tích năng lượng Vorters, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu từ Nga đạt 770.000 thùng/ngày trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. Châu Âu hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại bằng nhiên liệu Trung Quốc, khi nước này mới đây đã gia tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu.

Trong ngày hôm nay, bên cạnh các số liệu kinh tế của Trung Quốc, báo cáo tháng của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự kiến sẽ tiết lộ nhiều thông tin về triển vọng cung – cầu của thị trường dầu thô trong thời gian tới.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 17/01/2023.

KIM LOẠI QUÝ BIẾN ĐỘNG NHẸ, ĐỒNG VÀ QUẶNG SẮT GẶP ÁP LỰC KHI NHU CẦU NGẮN HẠN VẪN Ở MỨC YẾU

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/01, trong khi nhóm kim loại cơ bản ghi nhận đà giảm trở lại của đa số các mặt hàng, thì nhóm kim loại quý diễn biến trái chiều với mức biến động tương đối khiêm tốn. Giá vàng giảm 0,12% xuống 1918 USD/ounce. Bạch kim cũng giảm 0,14% xuống 1071 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc chốt phiên tại mức giá 24,45 USD/ounce, tăng nhẹ 0,32%.

Mức lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại, trong khi mùa báo cáo thu nhập quý IV khởi đầu tương đối suôn sẻ từ các ngân hàng lớn, đã kéo dòng tiền tiếp tục quay trở lại thị trường rủi ro như chứng khoán. Điều này khiến các tài sản kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim có tính trú ẩn an toàn trở nên kém hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát đường cong lãi suất tại Nhật Bản cũng đang gây ra một số biến động nhất định tới thị trường trái phiếu và tiền tế. Đồng Yên tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 sau khi có nguồn tin cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tổ chức một cuộc họp khẩn vào thứ Hai nham bảo vệ mức lãi suất trần mới trước tình trạng bán tháo ồ ạt. Điều đó gây áp lực nhất định tới đồng Dollar Mỹ, duy trì ở mức thấp trong hơn nửa năm, hỗ trợ cho giá bạc với nhu cầu đầu tư cao.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm 1,78% xuống 4,14 USD/pound, chấm dứt chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp trước đó khi một số lo ngại về đỉnh dịch bệnh tại Trung Quốc cản trở hoạt động kinh tế trong ngắn hạn có thể khiến nhu cầu về đồng gặp áp lực. Theo các chuyên gia kinh tế tại ANZ cho biết, mặc dù giá đồng liên tục tăng trong giai đoạn gần đây, nhưng chủ yếu là do kỳ vọng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường giao ngay văn chưa có những diễn biến tích cực đáng kể, khi phi bảo hiểm vật chất vẫn đang giảm, báo hiệu nhu cầu còn yếu. Theo dữ liệu của Hãng thông tin kim loại Thượng Hải (SMM), tính đến thứ Sáu tuần trước, ngày 13/01, tồn kho tinh quặng đồng tại 5 cảng của Trung Quốc ở mức 759.000 tấn, tăng 34.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Trung Quốc cũng đã đã nhập khẩu 2,1 triệu tấn quặng đồng và tinh quặng vào tháng 12/2022, giảm 12,8% so với tháng trước đó.

Đối với quặng sắt, lực bán cũng kéo giá mặt hàng này giảm 2,49% xuống 120.5 USD/tấn. Theo số liệu mới công bố, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá nhà mới tháng 12 của Trung quốc giảm 0,2% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn yếu bất chấp các nỗ lực kích thích kinh tế. Trong ngắn hạn, đây vẫn là yếu tố gây sức ép tới giả sắt thép do lo ngại nhu cầu sẽ mất nhiều thời gian hạn để có thể phục hồi.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 17/01/2023.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *