NÔNG SẢN
Ngô
Giá ngô giảm hơn 1,5% về sát vùng hỗ trợ 500 phiên 17/07 trước triển vọng mùa vụ tại Mỹ cải thiện
Chính quyền Tổng thống Joe Biden bác bỏ gần như tất cả đơn thỉnh cầu từ các nhà máy lọc dầu yêu cầu được miễn trừ nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học, cho thấy chính sách hướng tới gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học và mang lại triển vọng tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ ngô sản xuất ethanol. Điều này thúc đẩy giá tăng mạnh trong phiên sáng.
Các khu vực của Trung Tây và Đồng bằng sẽ nhận được lượng mưa tích cực trong nửa đầu tuần. Chuyển biến thời tiết tích cực trong 2 tuần qua làm gia tăng kỳ vọng chất lượng mùa vụ Mỹ được cải thiện, tạo sức ép chốt lời đối với ngô.
Lúa mì
Giá kết phiên giảm 1,17% dù đầu phiên tăng mạnh nhất nhóm. Lúa mì giảm mạnh hơn 30 cents khi bước vào phiên tối
Nga chính thức thông báo Moscow sẽ không tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận sẽ chấm dứt từ ngày 18/07. Điều này gây ra mức gapup mạnh của giá và áp lực bán kĩ thuật sau đó khi giá tiến sát vùng kháng cự 700 cùng số liệu giao hàng giảm mạnh của Mỹ phản ánh nhu cầu suy yếu, khiến giá quay đầu suy yếu.
Đậu tương
Giá đậu tương diễn biến giằng co, khô đậu bật tăng mạnh
Báo cáo của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA): khối lượng ép dầu đậu tương tháng 6 tại Mỹ giảm xuống 165,023 triệu giạ, cao hơn mức 164,677 triệu giạ trong tháng 6/2022 và vẫn tương đối tích cực. Tồn kho dầu đậu tương giảm mạnh xuống 1,690 tỷ pound, thấp hơn nhiều so với dự đoán, cho thấy nhu cầu tiêu thụ đã có sự cải thiện đáng kể.
Công ty tư vấn Safras&Mercado: sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil có thể đạt kỷ lục 163,2 triệu tấn, tăng 4,5% so với niên vụ trước nhờ diện tích gieo trồng dự kiến tăng 2,5% lên mức kỷ lục 45,6 triệu héc-ta, mang đến kì vọng nguồn cung tiếp tục cải thiện.
Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections): giao hàng đậu tương tuần này giảm mạnh xuống 155,556 tấn, thấp hơn nhiều so với mức 300,765 tấn tuần trước và mức 438.788 tấn cùng kì năm ngoái. Điều này có thể khiến Mỹ không hoàn thành kế hoạch xuất khẩu, tăng xác suất số liệu này bị cắt giảm trong báo cáo tới.
Dầu đậu tương tăng nhẹ trong phiên sáng, và chịu áp lực bán mạnh trong phiên tối do Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận ở biển Đen. Được hỗ trợ từ diễn biến trái chiều với dầu đậu, khô đậu đã tăng hơn 2% trong phiên vừa rồi.
NĂNG LƯỢNG
Dữ liệu tăng trưởng yếu của Trung Quốc gây áp lực đến giá dầu. Dầu WTI giảm 1,68% xuống 74,15 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,72% xuống 78,5 USD/thùng
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với quý II/2022 từ mức tăng 4,5% trong quý I/2023, thấp hơn mức dự báo 7,3%. GDP quý II chỉ tăng nhẹ 0,8% so với quý I, thấp hơn mức tăng 2,2% trong 3 tháng đầu năm.
Tốc độ phục hồi khá yếu với doanh số bán lẻ tăng 3,1% trong tháng 6 so với tháng 6/2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% trong tháng 5 và thấp hơn mức dự báo 3,3%.
Một số ngân hàng lớn hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc: JPMorgan và Citi Bank giảm dự báo tăng trưởng từ 5,5% xuống 5%, Morgan Stanley giảm ước tính xuống 5,5% tức mức 7%.
Hàng loạt thách thức kinh tế bao gồm rủi ro giảm phát, xuất khẩu giảm và lĩnh vực bất động sản suy yếu tại Trung Quốc vẫn là rào cản cho đà tăng của giá dầu bất chấp nguồn cung bị thu hẹp.
KIM LOẠI
Kim loại quý
Bạch kim tăng phiên thứ 4 với mức tăng 0,33% lên 987,5 USD/ounce. Bạc đứt chuỗi tăng 3 phiên với mức giảm 0,7% xuống 25,01 USD/ounce. Giá vàng gần như không đổi.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua phiên giao dịch khởi sắc, khi nhà đầu tư lạc quan về báo cáo thu nhập quý II từ các công ty Tesla và Netflix, trong khi nhiều ngân hàng lớn như Bank of America, Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng sẽ báo cáo kết quả trong tuần này. Tâm lý nhà đầu tư được củng cố khi hai ngân hàng Wells Fargo và JPMorgan đã báo cáo lợi nhuận cao hơn trong quý II vào cuối tuần trước.
Do đó, khẩu vị rủi ro gia tăng đã thúc đẩy nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang thị trường chứng khoán.
Kim loại cơ bản
Giá đồng suy yếu do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 0,8% trong quý II/2023 (QoQ). Tốc độ này chỉ bằng một nửa tốc độ trung bình 1,6% trong giai đoạn 2015-2019, cho thấy đà tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc hậu COVID-19.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng kém sắc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm ở mức 2,65%, trái với kỳ vọng của phần lớn các nhà đầu tư.
Do đó, lo ngại sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp đã khiến áp lực bán gia tăng.
Bài viết liên quan