fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 23/08/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Kết phiên 22/08, ngô giảm hơn 0,6%.
  • Phiên sáng, sức ép đến từ kết quả khả quan của ngày khảo sát mùa vụ đầu tiên tại Midwest, và việc Brazil đẩy mạnh các lô hàng xuất khẩu ngô trong tháng 08.
  • Chuyến khảo sát mùa vụ hàng năm tại Mỹ của Pro Farmer cho kết quả tại Ohio và South Dakota, dự báo năng suất ngô 2023 của Ohio đạt 183,94 giạ/mẫu, cao hơn mức 174,17 giạ/mẫu của năm 2022 và mức 175,64 giạ/mẫu trung bình 3 năm. Tại South Dakota, năng suất dự đạt 157,42 giạ/mẫu, cao hơn mức 149,71 giạ/mẫu trung bình 3 năm. Kết quả tích cực làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung, tác động “bearish” đến giá.
  • Rủi ro thời tiết tiêu cực ảnh hưởng đến mùa vụ tại Mỹ từ tuần này vẫn là yếu tố hỗ trợ giá trong trung hạn và hạn chế đà giảm trong phiên hôm qua.
  • Brazil tăng tốc xuất khẩu ngô nhờ vụ thu hoạch kỷ lục. Lũy kế xuất khẩu trong 3 tuần đầu tháng 8 đạt 5,22 triệu tấn, ~ 373.204 tấn ngô/ngày, cao hơn mức 349.800 tấn/ngày tính tới hết tuần thứ 2 của tháng 08. ANEC dự báo xuất khẩu ngô của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 9,39 triệu tấn trong tháng 8, tăng so với mức 9,03 triệu tấn ước tính tuần trước.
  • Tranh chấp thương mại với đối tác hàng đầu là Mexico về ngô GM còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn với hoạt động xuất khẩu của Mỹ, áp lực cạnh tranh nguồn cung đến từ Brazil góp phần tạo sức ép lên giá ngô CBOT.

Lúa mì

  • Hợp đồng tháng 09 hồi phục sau phiên sụt giảm sâu hôm trước, là mặt hàng duy nhất giữ được sắc xanh do số liệu kém khả quan từ báo cáo Crop Progress thúc đẩy lực mua.
  • USDA cho thấy, chỉ 38% diện tích lúa mì xuân của Mỹ đạt chất lượng tốt – tuyệt vời tính tới 20/08, giảm 4% so với tuần trước đó và trái với kỳ vọng duy trì ở mức 42%. Chất lượng lúa mì vụ xuân giảm mạnh đã hỗ trợ cho giá trong phiên hôm qua.

Đậu tương

  • Triển vọng mùa vụ tại Mỹ còn chưa chắc chắn, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 đã rung lắc mạnh trong phiên hôm qua. Phe bán chiếm ưu thế hơn và khiến đậu tương đóng cửa với mức giảm lên tới 1,16%, phiên suy yếu thứ 2 liên tiếp.
  • Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) cho thấy, ~ 59% diện tích đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 20/08, không đổi so với tuần trước đó, thấp hơn so với mức 60% kỳ vọng với mưa trong tuần vừa rồi tại một số vùng trồng trọng điểm. Điều này thúc đẩy lực mua ngay sau khi mở cửa.
  • Kết quả ngày đầu của cuộc khảo sát mùa vụ Midwest hàng năm khá tích cực và đã gây áp lực lớn lên giá đậu tương trong suốt phiên. Số lượng vỏ đậu tương trung bình trên diện tích 3×3 foot vuông ở Ohio và South Dakota đạt lần lượt 1.252,93 và 1.013, đều cao hơn so các mức 1.131,64 và 871,4 được ghi nhận trong chuyến khảo sát năm 2022. Số liệu mở ra triển vọng khả quan về năng suất đậu tương năm nay ở Mỹ.
  • ANEC hạ dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 08 xuống còn 7,58 triệu tấn, từ mức 7,78 triệu tấn được đưa ra tuần trước. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức 5,05 triệu tấn cùng kỳ năm 2022, phản ánh sự mở rộng của nguồn cung từ Brazil nhờ vụ mùa bội thu, và đã tác động “bearish” lên giá.
  • Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 rung lắc mạnh ngay dưới vùng 400 và đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,38%. Dầu đậu tương lao dốc tới 3,1%, phiên suy yếu thứ 2 liên tiếp.

NĂNG LƯỢNG

  • Kết phiên 22/08, dầu thô có phiên giảm giá thứ 2 liên tiếp, nguồn cung tại Iran có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ bù đắp thiếu hụt từ các thành viên còn lại của OPEC+.
  • Giá dầu WTI giảm 0,6%, xuống 79,64 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,48% xuống 83,69 USD/thùng.
  • Iran có kế hoạch tăng sản lượng dầu lên 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối mùa hè,khi các áp lực ngoại giao với Mỹ đang có xu hướng giảm bớt; đưa sản lượng gần giới hạn công suất của Iran là 3,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Iran đã tăng ~ 50% trong 2 năm qua.
  • Những nỗ lực ngoại giao giữa Mỹ – Iran kéo theo một vài suy đoán về việc hồi sinh các khía cạnh của thỏa thuận hạt nhân đã bị từ bỏ vào năm 2018. Nếu thoả thuận được khôi phục, nguồn cung dầu thô từ Iran tăng cường sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường. Các cuộc đàm phán tới có thể thúc đẩy Iran xuất khẩu dầu vốn đang có xu hướng tăng lên đáng kể, gây sức ép tới giá dầu trong phiên.
  • Bế tắc trong việc xuất khẩu dầu thô từ khu vực phía bắc Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ đang dần tích cực hơn. Bộ trưởng dầu mỏ Iraq và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn trong tương lai và bày tỏ mong muốn nối lại hoạt động xuất khẩu, đem lại cơ hội khôi phục ~ 450.000 thùng dầu/ngày xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
  • Dầu thô bằng đường biển từ Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, đạt 2,37 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,42 triệu thùng/ngày so với tuần trước đó.
  • Nga cam kết hạn chế xuất khẩu dầu, nhưng nhu cầu tại các đối tác hàng đầu của Nga (Trung Quốc và Ấn Độ) yếu hơn. Nhập khẩu của Ấn Độ giảm xuống 4,4 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7 do một số nhà máy lọc dầu đóng cửa để bảo trì. Nhập khẩu dầu của Nga giảm 5,7% xuống 1,85 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu của Saudi Arabia giảm 26% xuống 470.000 thùng/ngày, thấp nhất trong hơn 2 năm.
  • Theo Viện dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/8, tồn kho xăng tăng 1,9 triệu thùng, trái với dự báo, cho thấy nhu cầu tiêu thụ chững lại và giá dầu có thể tiếp tục gặp áp lực nhẹ trong phiên hôm nay.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạch kim tăng 1,31% lên 925,5 USD/ounce. Bạc tăng 0,47% lên 23,45 USD/ounce. Vàng tăng lên 1.897,47 USD/ounce sau khi tăng 0,19%.
  • Phiên sáng 22/8, cả 3 mặt hàng đều tăng giá nhờ sự suy yếu của đồng USD trước tin S&P Global Ratings hạ bậc tín nhiệm và điều chỉnh triển vọng đối với một số ngân hàng của Mỹ, làm gia tăng lo ngại về sức khỏe của ngành ngân hàng Mỹ.
  • Đồng USD cũng yếu đi sau khi Hội nghị Thượng Đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khai mạc với mục tiêu đẩy mạnh sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
  • Phiên chiều, đồng USD dần phục hồi và thu hẹp đà tăng của bạc, bạch kim trước lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi tăng 1,04% lên 3,75 USD/pound trước lo ngại nguồn cung đồng bị thu hẹp
  • Theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) ngày 22/08, thị trường đồng tinh luyện toàn cầu thâm hụt 90.000 tấn trong tháng 6, tăng so với mức thâm hụt 58.000 tấn trong tháng 5.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *