fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 26/06/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

– Giá ngô hợp đồng tháng 07 đóng cửa tuần giao dịch 19/06-25/06 với mức giảm gần 1,5% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng qua. Triển vọng mùa vụ ngô Mỹ là yếu tố chính lý giải cho diễn biến giá trong giai đoạn này. Cụ thể, dự báo thời tiết cho thấy khả năng các mô hình với độ ẩm gia tăng sẽ được ghi nhận ở nửa phía bắc khu vực Midwest. Điều này làm giảm bớt những lo ngại đối với năng suất cây trồng, sau khi đánh giá chất lượng ngô Mỹ tính đến tuần trước đã giảm về mức thấp nhất kể từ năm 1988.

– Theo báo cáo Export Sales do Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào tối qua, bán hàng ngô niên vụ 22/23 chỉ đạt 35.988 tấn, thấp hơn 74% so Với mức trung bình trong bốn tuần trước đó. Tổng luỹ kế bán hàng luỹ kế cho cả niên vụ cũng chậm hơn đáng kể so với tốc độ của năm ngoái. Việc Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung ngô mới để giảm bớt phụ thuộc vào ngô Mỹ đã ảnh hưởng tới các số liệu xuất khẩu của Mỹ. Nếu như tình hình này vẫn không được cải thiện trong 2 tháng cuối của niên vụ thì khả năng USDA sẽ phải cắt giảm ước tính xuất khẩu ngô Mỹ niên vụ 22/23 và kéo theo mức tồn kho đầu niên vụ sau sẽ tăng lên. Điều này đã giảm bớt lo ngại về nguồn cung và tạo sức ép lên giá.

Lúa mì

– Trái ngược với diễn biến chung của nhóm nông sản, giá lúa mì lại nhảy vọt lên tới hơn 45 cents. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp đà tăng được mở rộng. Các thông tin liên tiếp về ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung ở các khu vực sản xuất lúa mì lớn đã xuất hiện trong tuần trước. Sản lượng lúa mì thực tế trong năm nay của Ấn Độ có thể thấp hơn ít nhất 10% so với ước tính từ chính phủ, một cơ quan thương mại ở nước này cho biết.

– Tại Mỹ, báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) cho thấy, chất lượng lúa mì vụ xuân thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường, khi chỉ có 51% diện tích được xếp loại tốt – tuyệt vời và giảm mạnh so với tuần trước đó. Chính những lo ngại này đã hỗ trợ cho giá và trong tuần này, đà tăng có thể sẽ duy trì và hướng lên vùng 780.

Đậu tương

– Khép lại tuần giao dịch 19/06 – 25/06, đậu tương đã đóng cửa ở vùng giá cao nhất trong 3 tháng qua, ghi nhận tuần thứ 5 liên tiếp tăng giá.

– Lo ngại về tình hình vụ mùa tại Mỹ nhìn chung vẫn đang là yếu tố khiến giá duy trì đà tăng. Các số liệu trong Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã tiếp tục tạo ra sự thất vọng đối với thị trường. Trong tuần kết thúc vào ngày 18/06, chi có khoảng 54% đậu tương được đánh giá đạt chất lượng tốt và tuyệt vời, giảm 5% so với tuần trước đó và thấp hơn mức 56% mà thị trường dự đoán.

– Bên cạnh lo ngại về nguồn cung, tình trạng hạn hán diễn biến phức tạp cũng hỗ trợ giá.

– Dầu đậu tương đã sụt giảm mạnh gần 3% trong tuần trước, sau quyết định gây thất vọng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ EPA. Cụ thể cơ quan này đã ấn định nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong năm 2023 ở mức 20,94 tỷ gallon, cao hơn so với mức 20,82 tỷ gallon được đề xuất hồi tháng 12. Nghĩa vụ pha trộn trong năm 2024 và 2025 làn lượt được EPA quyết định ở mức 21,54 tỷ gallon và 22,33 tỷ gallon, đều thấp hơn so với các mức 21,87 tỷ gallon và 22,68 tỷ gallon tương ứng

mà cơ quan này đưa ra trước đó. Quyết định chính thức đã khiến dầu đậu chịu sức ép và giảm kịch sàn trong phiên phiên giao dịch ngày 21/06. Khô đậu tương cũng đã giảm hơn 1,5% trong tuần trước, theo diễn biến chung của cả nhóm.

KIM LOẠI

– Kết thúc tuần giao dịch 19/06 – 25/06, thị trường kim loại chứng kiến tuần giao dịch kém sắc khi đồng USD mạnh lên gây sức ép tới thị trường kim loại quý và lo ngại suy thoái kinh tế khiến các mặt hàng kim loại cơ bản lao dốc.

– Đối với nhóm kim loại quý, giá cả 3 mặt hàng đồng loạt giảm tuần thứ hai liên tiếp, với bạc dẫn đầu đà giảm khi giảm 7,34% xuống 22,35 USD/ounce, đánh dầu tuần giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 10/2022. Giá bạch kim chốt tuần tại 923,7 USD/ounce sau khi giảm 6,44%, mức giảm trong tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 8/2022.

Trong tuần qua, đồng USD đang trên đà phục hồi nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh quan điểm Fed vẫn chưa kết thúc chu kỳ thắt chặt. Hơn nữa, rủi ro suy thoái gia tăng do lọat dữ liệu kinh tế kém sắc cũng thúc đẩy nhà đầu tư nằm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao.

– Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng và quặng sắt đứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ bởi lo ngại suy thoái kinh tế. Cụ thể. giá đồng COMEX giảm 2,29% xuống 3,80 USD/pound, phản ánh mức giảm lớn nhất của giá đồng trong vòng 5 tuần.

NĂNG LƯỢNG

– Kết thúc tuần giao dịch ngày 19/06 – 25/06, giá dầu gặp áp lực trở lại trước các dữ liệu kinh tế kém sắc của một số quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới. Rủi ro suy thoái kinh tế tiềm ẩn tiếp tục là thách thức cho đà phục hồi của giá dầu.

– Giá dầu WTI giảm 3,85% trong tuần qua, đánh mất mốc 70 USD/thùng. Giá dầu Brent đóng cửa tuần ở mức giá 73,85 USD/thùng, thấp hơn 3,6% giá trị so với cuối tuần trước đó.

– Các Ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất lần lượt 0,5 và 0,25 điểm phần trăm, thể hiện quyết tâm bình ổn giá cả. Động thái mạnh tay này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái, có thế làm suy giảm tiêu thụ dầu thô, và gây áp lực tới giá dầu.

– Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại động lực phục hồi giá dầu, vẫn đang hạn chế các kích thích kinh tế. Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm (áp dụng đối với các khoản vay đầu tư dài hạn như vay mua nhà, các khoản thế chấp) hạ xuống còn 4,2% từ mức 4,3%. Mức cắt giảm này thấp hơn 5 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường.

– Thị trường cũng vắng bóng các tin tức từ Trung Quốc trong tuần qua do kỳ nghi Lễ hội Thuyền rồng. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bloomberg, chi tiêu du lịch của Trung Quốc trong kỳ nghỉ năm nay chỉ bằng khoảng 95% so với mức trước đại dịch, nhấn mạnh sự chậm lại trong hoạt động tiêu dùng.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *