fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 27/03/2023

TRUNG QUỐC DỜI CHUYẾN THĂM CỦA TỔNG THỐNG BRAZIL, CÁC THỎA THUẬN BỊ HOÃN. MAROC TĂNG NHẬP KHẨU LÚA MÌ EU

Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ quyết định dời thời gian cho chuyến thăm nước này của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, đồng thời cho biết thêm rằng việc ký kết các thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Brasilia đã bị hoãn lại.

“Tất cả các hành động của chính phủ đều bị hoãn lại, bao gồm cả những hành động của Bộ Nông nghiệp”, Favaro, người đã đến Trung Quốc vào tuần trước, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

“Khi chính phủ Trung Quốc sẵn sàng, với lịch trình sẵn có, chắc chắn chuyến thăm sẽ được dời lại, và chúng tôi sẽ quay lại để tiếp tục ký kết mọi biên bản và thỏa thuận”.

Brazil hôm thứ Bảy thông báo rằng Tổng thống Lula đã hủy chuyến công du cấp cao của ông tới Trung Quốc, dự kiến vào ngày 27-31/03, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm phế quản phổi do vi khuẩn và virus gây ra bởi cúm A.

Chuyến thăm, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Ba, được coi là một nỗ lực đáng kể của tân tổng thống nhằm tăng cường quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, sau một thời kỳ quan hệ rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro.

Bộ trưởng cho biết các thỏa thuận giữa các công ty Brazil và Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ được công bố vào ngày 29/03. Khoảng 240 doanh nghiệp Brazil dự kiến sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc, hơn một phần ba công ty thuộc lĩnh xuất khẩu thịt bò, đậu tương và bột gỗ sang Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Điện Kremlin cho biết hôm thứ Bảy.

Tổng thống Erdogan cảm ơn ông Putin vì “thái độ tích cực” trong việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và bày tỏ “sự hiểu biết về lập trường nguyên tắc của phía Nga để đạt được việc thực hiện đầy đủ phần thứ hai của thỏa thuận, loại bỏ các rào cản đối với các sản phẩm nông nghiệp của Nga”. nói trong một tuyên bố.

Với nhu cầu nhập khẩu gia tăng sau vụ thu hoạch hạn hán vào năm ngoái, Ma-rốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu lúa mì EU lớn hơn mức trung bình và đã vượt qua quốc gia Algeria, trở thành điểm đến hàng đầu của khối.

Maroc có kế hoạch nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn lúa mì mềm từ tháng 3 đến tháng 5 và các nhà nhập khẩu dự kiến sẽ sử dụng nguồn cung của EU do rủi ro hậu cần và tài chính đối với ngũ cốc của Ukraine và Nga.

Nhu cầu ổn định từ Ma-rốc, cũng như doanh số bán hàng lớn cho Algeria, Trung Quốc và Ai Cập, đã giúp Pháp, nhà sản xuất lúa mì lớn nhất của EU, bán phần lớn thặng dư xuất khẩu ngoài EU.

Sự cạnh tranh ở Biển Đen đã trở lại nổi bật kể từ giữa mùa vụ, với khối lượng xuất khẩu của Ukraine được hỗ trợ bởi thỏa thuận Biển Đen và Nga đạt vụ thu hoạch kỷ lục năm 2022.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 27/03/2023.

DẦU THÔ GHI NHẬN TUẦN PHỤC HỒI KHI LO NGẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TẠM LẮNG, YẾU TỐ CUNG CẦU HỖ TRỢ NHẸ

Kết thúc tuần giao dịch ngày 20/03 – 26/03, giá dầu đã lấy lại đà phục hồi nhẹ khi những biến động trong lĩnh vực ngân hàng tạm lắng, giúp củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi đó, một vài lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy lực mua quay trở lại thị trường dầu sau tuần lao dốc mạnh trước đó. Giá dầu WTI ghi nhận đà tăng 3,48% lên 69,26 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,5% lên mức 74,59 USD/thùng.

Lo ngại về việc Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ sẽ tiếp bước sự sụp đổ của Ngân hàng SVB tại Mỹ đã được tháo bỏ một phần, sau khi được Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS mua lại dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ. Tâm lý của thị trường dần ổn định hơn sau sự hoảng loạn từ tuần trước đó, đã hỗ trợ cho giá dầu thô phục hồi từ mức đáy thấp nhất trong vòng 15 tháng.

Thị trường cũng phản ứng tích cực hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,75% – 5,00%, nhưng đưa ra tín hiệu rằng đà tăng nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc. Biểu đồ dot plot, phản ánh quan điểm về lãi suất của các quan chức Fed, cho thấy lãi suất đỉnh của năm nay là mức 5,1%, tương đương với 1 lần tăng thêm 25 điểm cơ bản. Chỉ số Dollar Index trong tuần qua cũng giảm 0,57% xuống 103,12 điểm, khi đồng USD yếu hơn và hỗ trợ cho giá dầu do chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn.

Về yếu tố cung cầu, một vài thông tin từ phía nguồn cung cũng đã thúc đẩy đà tăng đối với dầu thô. Các cuộc đình công khắp khu vực hạ nguồn dầu mỏ của Pháp, một phần của các cuộc biểu tình trên toàn quốc về việc phản đối cải cách lương hưu của chính phủ đã kéo dài hơn nửa tháng. Điều này đang cản trở hoạt động giao dầu thô cho các nhà máy lọc dầu. Nhà điều hành TotalEnergies cho biết nhà máy lọc dầu lớn nhất của đất nước, cơ sở Gonfreville với công suất 246.900 thùng/ngày đã ngừng hoạt động trong tuần qua.

Trong khi đó, báo cáo từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/03 mặc dù tăng 1,1 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 6,4 và 3,3 triệu thùng, cho thấy nhu cầu có sự cải thiện.

Tuy nhiên, những lo ngại trên thị trường tài chính vẫn còn tiềm ẩn, cùng với xu hướng dư cung trong ngắn hạn đã kéo giá dầu suy yếu trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Dữ liệu từ Hãng khai thác dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 4 lên 758 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 24/03. Thêm vào đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cũng đã nói với các nhà lập pháp rằng việc bổ sung lại vào Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của quốc gia này có thể mất vài năm, bất chấp việc giá dầu đang ở vùng 67 – 72 USD/thùng. Điều này đã khiến cho lực bán chiếm ưu thế trên thị trường dầu trong 2 phiên cuối tuần. Rủi ro vĩ mô cũng khiến ngân hàng JP Morgan cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent xuống dưới 60 USD/thùng do lo ngại thị trường sẽ ở trong trạng thái thặng dư.

Mới đây, thông tin Iraq đã ngừng xuất khẩu dầu thô từ khu vực bán tự trị Kurdistan và các mỏ phía bắc Kirkuk sau khi nước này thắng Thổ Nhĩ Kỳ trong một vụ kiện từ năm 2014 có thể sẽ khiến giá dầu phục hồi đầu tuần này. Điều đó đã khiến cho 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống đã bị ngừng vận chuyển.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 27/03/2023.

KỲ VỌNG ÁP LỰC LÃI SUẤT GIẢM HỖ TRỢ GIÁ KIM LOẠI QUÝ, GIÁ ĐỒNG CAO NHẤT TRONG VÒNG MỘT THÁNG NHỜ LO NGẠI NGUỒN CUNG

Nhóm kim loại quý kết thúc một tuần giao dịch đầy tích cực với giá bạc tăng 3,9% lên 23,34 USD/ounce, giá bạch kim tăng nhẹ 0,54% lên 983,9 USD/ounce. Trong khi giá bạc và bạch kim có tuần thứ hai liên tiếp tăng, thì giá vàng giảm nhẹ 0,54% về 1977,22 USD/ounce. Sự khác biệt này xuất phát từ việc giá vàng đang bước vào nhịp điều chỉnh sau ba tuần tăng liên tiếp.

Trong tuần qua, tin tức ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm kim loại quý là nội dung cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, các nhà chức trách đã tiến hành tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,75 – 5,0%. Mức lãi suất đỉnh của năm nay được dự báo là 5,1%, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn đợt tăng lãi suất nào khác trong năm nay. Thông tin này cũng khiến cho đồng USD suy yếu và hỗ trợ cho giá kim loại quý. Chỉ số Dollar Index đóng của tuần giảm về 103,12 điểm.

Bên cạnh đó, những rủi ro trên thị trường tài chính vẫn còn cao, và thúc đẩy các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục vào các loại tài sản trú ẩn an toàn. Hiện lạm phát ở khu vực châu Âu, đặc biệt là tại Anh vẫn đang vẫn chưa ngừng leo thang, và làm gia tăng thêm sức ép tăng lãi suất với các Ngân hàng Trung ương. Giá bạc hưởng lợi nhiều hơn giá bạch kim bởi vai trò trú ẩn vượt trội hơn nên nhận được nhiều lực mua hơn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 4,69% lên 4,08 USD/pound, mức cao nhất trong vòng một tháng. Đáng chú ý, đây cũng là tuần tăng mạnh nhất với giá đồng kể từ tuần kết thúc ngày 15/01. Bên cạnh sự suy yếu của đồng USD, sức mua trên thị trường đồng gia tăng khi mà những lo ngại về dự trữ đồng tại các Sở Giao dịch lớn. Tồn kho đồng trên Sở LME và Sở Thượng Hải lần lượt là 72.675 tấn và 81.992 tấn. Trong khi đó, tồn kho trên Sở COMEX gần như cạn kiệt khi chỉ còn dưới 15.000 tấn. Hiện các nhà xuất khẩu lớn là Chile và Peru đều gặp gián đoạn về nguồn cung và khó khăn trong việc tăng sản lượng, nên sẽ khó để bổ sung dự trữ cho các kho một cách nhanh chóng.

Ngược lại, giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore giảm 8,49% về 119,68 USD/tấn. Sau khi chạm mức 130 USD/tấn, giá sắt một mặt gặp áp lực bán chốt lời. Mặt khác, sắt là kim loại cơ bản có mức tăng trưởng nhanh và mạnh nhất kể từ vùng đáy, và có phần chưa cân đối với nhu cầu tiêu thụ. Vì thế, các nhà chức trách đang cân nhắc áp dụng chính sách kiểm soát giá hàng hóa. Đồng thời, triển vọng tiêu thụ quặng sắt cũng bị ảnh hưởng khi Bắc Kinh tiếp tục duy trì các chính sách hạn chế sản lượng thép để bảo vệ môi trường.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 27/03/2023.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *