NÔNG SẢN
Ngô
Giá ngô có phiên lao dốc thứ 6 liên tíếp bất chấp hạn hán gia tăng tại Mỹ
Thời tiết là thông tin quan trọng nhất ảnh hưởng lên giá trong giai đoạn này. Dự báo về những cơn mưa sắp tới tại Mỹ đã mang lại triển vọng khả quan về nguồn cung. Mưa lớn sẽ xuất hiện tại khu vực Vành đai ngô. Tuy nhiên, việc gia tăng kỳ vọng vào đánh giá chất lượng ngô tại Mỹ sẽ được cải thiện đáng kể trong các báo cáo Crop Progress sắp tới vẫn tạo sức ép mạnh lên giá.
Lúa mì
Giá lúa mì giảm nhẹ chưa tới 1% trước các thông tin trái chiều về nguồn cung
Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 23/24 thêm 3 triệu tấn, phản ánh triển vọng vụ mùa cải thiện tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông đã nhận được lời hứa từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen rằng sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine vào 15/09. Trong bối cảnh Nga đang ngăn chặn thỏa thuận ngũ cốc, điều này đồng nghĩa với việc dòng chảy ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine sẽ cạnh tranh với nguồn cung trong khu vực và góp phần xoa dịu lo ngại về rủi ro liên quan tới thỏa thuận xuất khẩu ở Biển Đen.
Mùa vụ kém khả quan do khô hạn tại Mỹ và Nga lại hạn chế đà giảm của giá. Chất lượng lúa mì Mỹ sụt giảm, ngũ cốc vụ đông của Nga chết nhiều hơn, gây ra lo ngại về triển vọng nguồn cung.
Đậu tương
Hạn hán mở rộng tại Mỹ giúp giá đậu tương hồi phục trong phiên hôm qua
Giá diễn biến giằng co phiên hôm qua và đóng cửa với mức tăng nhẹ nhờ lực mua kỹ thuật sau khi lao dốc 2 phiên trước đó, và sự mở rộng của hạn hán tại Mỹ. Tuy vậy, triển vọng mùa vụ khả quan hơn tiếp tục gây áp lực lớn lên giá.
Theo báo cáo Giám sát hạn hán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ~ 63% diện tích đậu tương của Mỹ nằm trong vùng ảnh hưởng của hạn hán tính đến ngày 27/06. Tuy nhiên, dự báo có bão đi qua vành đai ngũ cốc ở Midwest mang lại nhiều mưa hơn trong 2 tuần tới, sẽ cải thiện tình trạng cây trồng, đã hạn chế tác động “bullish” lên giá.
Theo báo Bán hàng xuất khẩu, Mỹ đã bán 227.375 tấn đậu tương niên vụ 22/23 và 104.847 tấn đậu tương niên vụ 23/24 trong tuẩn 16/06-22/06, giảm lần lượt 50,3% và 22,5% so với tuần trước đó, phản ánh nhu cầu đối với đậu tương đã chững lại. Con số này phù hợp với dự đoán nên tác động không quá mạnh lên giá.
Giá khô đậu hợp đồng tháng 12 hôm qua biến động nhẹ với ưu thế thuộc về phe mua. Giá đóng cửa với mức tăng 0,66%, kết thúc chuỗi 2 phiên giảm liên tiếp.
Dầu đậu tương kết phiên trong sắc đỏ với mức giảm 1,1% khi nhà đầu tư chốt lời.
NĂNG LƯỢNG
Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ cùng nỗi lo nguồn cung thu hẹp tiềm ẩn kéo giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp
Kết phiên, giá dầu WTI tăng 0,43% lên 69,86 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,36% lên 74,51 USD/thùng.
Yếu tố vĩ mô
Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong Quý I/2023 bất ngờ tăng so với báo cáo trước đó, phản ánh sự điều chỉnh tăng đối với hoạt động xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng. Chi tiêu hộ gia đình – động lực của nền kinh tế Mỹ, tăng 4,2% – mức tăng mạnh nhất trong 2 năm qua. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm 26.000 đơn sau 6 tuần tăng liên tiếp. Tâm lý lo ngại về suy thoái được giảm bớt đã thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Tuy nhiên, điều này làm tăng khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới. Vì thế, giá dầu nhanh chóng rút chân khi chạm vùng kháng cự.
Yếu tố cung cầu
Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, làm gia tăng rủi ro thiếu hụt nguồn cung giai đoạn cuối năm 2023.
Theo Reuters, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga từ các càng chính Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk dự kiến giảm xuống 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 do các nhà máy lọc dầu tăng cường phục vụ nhu cầu nội địa. Dòng chảy dầu thô từ Nga được dự báo sẽ giảm bớt, đã thúc đẩy giá tăng trong trong phiên.
KIM LOẠI
Kim loại quý
Đóng phiên 29/06, giá vàng phục hồi 0,04% lên 1.908,15 USD/ounce sau khi giảm xuồng mức thấp nhất kế từ giữa tháng 3; bạc giảm 1,24% xuống 22,79 USD/ounce; bạch giảm 1,96%, xuống 906,8 USD/ounce.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng tồng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt 2% trong quý I, cao hơn 0,7% so với báo cáo sơ bộ, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành tốt.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 24/06 giảm 26.000 đơn – mức giảm lớn nhất trong 20 tháng, so với tuần trước đó, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định.
Dữ liệu vĩ mô tích cực đã làm giảm lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và thúc đẩy đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần, khiến bạc và bạch kim gặp sức ép. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm phục hồi cũng làm giảm sự hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.
Kim loại cơ bản
Giá đồng COMEX giảm 1,16% xuống 3,69 USD/pound – phiên giảm thứ 6 liên tiếp và là chuỗi giảm giá dài kể từ tháng 4, do sức ép từ sự phục hồi của đồng USD.
Tiêu thụ đồng còn yếu kém khi lo ngại nguồn cung đã giảm bớt, khiến lực bán gia tăng. Mỏ đồng Antamina – mỏ đông lớn nhất Peru, dự kiến sẽ kéo dài tuổi thọ cho tới năm 2036, tăng thêm 8 năm so với ước tính.
Bài viết liên quan