NÔNG SẢN
Ngô
Kết tuần 24/07 – 30/07, giá ngô suy yếu sau đợt tăng mạnh trước đó khi thông tin ở Biển Đen dần lắng xuống cùng tình hình mùa vụ tại Mỹ khả quan hơn
Một số cơn mưa tích cực xuất hiện ở miền trung của Mỹ. Một số khu vực có độ ẩm dư thừa 20 mm trở lên. Thời tiết trong 8 – 14 ngày tới được dự đoán cho thấy lượng mưa trên mức bình thường đối với vùng Đồng bằng phía Bắc và trung tâm, với điều kiện mát hơn bình thường có thể xảy ra ở vùng Trung Tây. Tính đến tuần trước, 57% diện tích ngô Mỹ được đánh giá tốt – tuyệt vời, con số này duy trì so với báo cáo Crop Progress trước. Điều này có thể gây áp lực lên giá ngô trong tuần này.
Lúa mì
Thông tin về các nước sản xuất lớn đang trở nên ổn định hơn cùng với việc thông tin ở Biển Đen không còn là yếu tố bất ngờ khiến đà tăng của giá thu hẹp đáng kể
Trong 9 ngày qua, Nga làm hư hại 26 cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine cùng 5 tàu dân dân sự. Vận tải gặp nhiều khó khăn của Ukraine khiến giá tăng mạnh.
Mưa giúp độ ẩm ở vùng nông nghiệp của Argentina phục hồi và hiện 72,1% diện tích lúa mì dự kiến đã được trồng trong điều kiện tốt và tối ưu. Số liệu này đã khiến đà tăng của giá lúa mì dần suy yếu.
Đậu tương
Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 kết tuần với mức giảm 1,37% trước triển vọng thời tiết tích cực tại Mỹ
Đầu tuần, giá khởi sắc nhờ đà tăng vọt của lúa mì khi căng thẳng leo thang ở Biển Đen, Nga liên tục tấn công cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. 2 phiên cuối tuần, triển vọng thời tiết khả quan tại Mỹ trong tháng 8, giai đoạn quyết định năng suất đậu tương, khiến giá nhanh chóng suy yếu, xóa bỏ hoàn toàn mức tăng trước đó.
USDA liên tiếp thông báo về nhiều đơn bán hàng đậu tương vụ mới có khối lượng lớn. Tổng khối lượng đậu tương niên vụ 23/24 mà Mỹ cam kết bán lên tới ~ 1,8 triệu tấn. Triển vọng xuất khẩu tích cực niên vụ 23/24 của Mỹ là yếu tố “bullish” suốt tuần vừa rồi.
Dự báo sẽ có mưa ở Midwest trong cuối tháng 7 – đầu tháng 8, đã xoa dịu ảnh hưởng của hạn hán, cung cấp độ ẩm cần thiết cho giai đoạn quyết định năng suất. Thời tiết khả quan hơn đã gây áp lực mạnh lên giá. Tuần này, giá có thể giảm về vùng 1340.
Sự mở rộng nguồn cung từ Brazil là yếu tố “bullish” đối với khô đậu tương. Hãng tư vấn Safras & Mercado dự báo, sản lượng khô đậu niên vụ 23/24 của Brazil có thể đạt 42,3 triệu tấn, tăng 3% so với niên vụ trước.
Dầu đậu tương gặp áp lực bán chốt lời, dù các yếu tố cơ bản nghiêng về phía “bullish”, khi tình hình ở Biển Đen đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu thực vật toàn cầu. Tuần này, giá khô đậu có thể giảm về dưới vùng 400, giá dầu đậu nhiều khả năng sẽ test lại vùng 65.0.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp, cao nhất trong hơn 3 tháng khi nguồn cung thu hẹp và nhu cầu khởi sắc cùng với báo cáo tăng trưởng tích cực ở các quốc gia lớn
Giá dầu WTI tăng 4,55% lên 80,58 USD/thùng, cao nhất trong vòng 3 tháng. Dầu Brent tăng 4,36% lên mức 84,41 USD/thùng.
Yếu tố cung – cầu
Xuất khẩu dầu thô của Nga từ các cảng Baltic và Biển Đen giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng khi Moscow thực hiện cắt giảm xuất khẩu. Tổng xuất khẩu bằng đường biển tuần kết thúc ngày 23/07 giảm 311.000 thùng/ngày so với tuần trước đó xuống 2,73 triệu thùng/ngày, làm dấy lên lo ngại về việc Nga sẽ tuân thủ việc cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày kể tứ tháng 8, đóng góp vào mức thâm hụt trên thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Theo Reuters, Saudi Arabia dự kiến gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày đến tháng 9.
Dấu hiệu thắt chặt nguồn cung đang xuất hiện ở cả thị trường vật chất và tài chính. Tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng của Mỹ ở Cushing, bang Oklahoma, giảm 7,5 triệu thùng trong tháng qua, đẩy kho dự trữ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.
Các nhà khai thác hạn chế việc mở rộng các giàn mới. Theo Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 5 xuống 664 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 28/07, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Theo Ngân hàng UBS, thị trường dầu mỏ đang thiếu nguồn cung và kỳ vọng dầu Brent sẽ tăng lên 85-90 USD trong những tháng 8.
Yếu tố vĩ mô
Tăng trưởng của các nền kinh tế lớn tích cực hơn kỳ vọng góp phần đưa giá dầu lên mức cao nhất trong 3 tháng.
Tăng trưởng GDP của Mỹ quý II đạt 2,4% so với quý I, với dự báo chỉ 1,8%, củng cố niềm tin lạm phát hạ nhiệt mà không kéo theo suy thoái. Tương tự với Pháp và Tây Ban Nha có mức tăng trưởng GDP vượt kì vọng lần lượt là 0,5% và 0,4% so với I.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, lãnh đạo cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách kinh tế sau loạt dữ liệu yếu kém, đem lại tâm lý lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu nửa cuối năm và hỗ trợ cho giá.
KIM LOẠI
Bức tranh vĩ mô tích cực hạn chế dòng tiền đầu tư kim loại quý tuần qua
Kết tuần, bạc và bạch kim giảm tuần thứ 2 liên tiếp khi giảm lần lượt 1,45% xuống 24,49 USD/ounce và 2,93% xuống 943,7 USD/ounce. Vàng giảm 0,05% xuống 1.959,2 USD/ounce.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và nâng mức lãi suất điều hành lên 5,25 – 5,5%. Tin này không tác động quá mạnh lên thị trường do nằm trong dự đoán.
Tăng trưởng GDP quý II của Mỹ đạt 2,4%, cao hơn dự báo 1,8% và 2% trong quý I. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng (PCE) lõi tăng 4,1% trong tháng 6 so với năm trước, phù hợp dự báo và thấp hơn so với 4,6% tháng 5, cho thấy lạm phát tại Mỹ dần hạ nhiệt. Dữ liệu trên chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và làm lu mờ lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Kỳ vọng Mỹ có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm” đã hỗ trợ đồng USD, chỉ số Dollar Index tăng 0,55% lên 101,62 điểm, khiến vai trò trú ẩn bị thất thế, gây áp lực lên giá.
Kim loại cơ bản
Đồng COMEX phục hồi sau tuần giảm mạnh trước đó, với mức tăng 2,84% lên 3,92 USD/pound nhờ yếu tố Trung Quốc và bối cảnh vĩ mô lạc quan
Sau cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra vào thứ 2, Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế. Đà tăng của đồng gần đây phần lớn nhờ kỳ vọng Trung Quốc sớm đưa ra các biện pháp tăng trưởng kinh tế. Do đó, tin tức trên thúc đẩy các vị thế mua.
Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, lo ngại suy thoái kinh tế giảm bớt tại Mỹ cũng giúp củng cố sức mua đồng.
Bài viết liên quan