Tổng hợp tin tức ngày 10/02/2023.
- Vĩ mô:
CPI tháng 1 của Trung Quốc tăng 0.8% so với tháng trước đó, cao hơn ước tính ở mức 0.7% của các nhà kinh tế. Điều này cho thấy tiêu dùng đang có dấu hiệu phục hồi sau khi quốc gia này mở cửa trở lại. Chỉ số lạm phát đầu vào PPI giảm 0.8% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, và là tháng giảm thứ 4 liên tiếp, nhưng đà giảm đang dần được thu hẹp. Sự suy yếu trong tháng 1 chủ yếu là do các doanh nghiệp hạn chế sản xuất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Tin tức này làm tăng kỳ vọng của thị trường về việc nền kinh tế Trung Quốc dần cải thiện.
- Năng lượng:
Giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects, Amrita Sen cho rằng OPEC+ sẽ giữ sản lượng dầu ổn định trong cả năm. Tuy nhiên, Nga đặt mục tiêu tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu tháng 3 xuống 500.000 thùng/ngày để đối phó với mức giá trần của phương Tây. Điều này gây lo ngại về rủi ro thắt chặt nguồn cung.
Xuất khẩu dầu của Azerbaijan từ Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể được nối lại trong tuần này vì một phòng kiểm soát tại cảng Ceyhan bị ảnh hưởng thiệt hại do động đất, gây gián đoạn tới nguồn cung ngắn hạn.
Xuất khẩu xăng dầu trong tháng Hai của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm và được dự báo đạt mức thấp nhất trong vòng 8 năm do nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước phục hồi mạnh mẽ, chủ yếu đến từ lưu lượng giao thông tại các thành phố lớn của Trung Quốc gia tăng và số chuyến bay nội địa tăng. Hành động thắt chặt xuất khẩu ngay trước khi bước vào mùa hè, mùa cao điểm trong việc di chuyển của các quốc gia phía bắc bán cầu có thể đẩy giá năng lượng tăng cao.
- Kim loại:
Ngoài ra, kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp thêm động lực hồi phục kinh tế Trung Quốc, nhờ vậy thúc đẩy lực mua đồng trong thời gian tới.
Chất lượng quặng giảm sút tại Chile và Peru trong các năm gần đây đã thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm nguồn cung thay thế. Theo báo cáo của S&P Global Market Intelligence, tổng ngân sách dành cho hoạt động thăm dò đồng đã tăng 21% lên gần 2,8 tỷ USD vào năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Giá đồng cũng được hỗ trợ khi mức dự trữ tại các Sở Giao dịch lớn đều giảm mạnh. Cụ thể, Tồn kho trên Sở LME đã giảm về 64.475 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2006, còn tồn kho trên Sở COMEX chỉ đạt 25.480 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2014.
- Nông sản:
Các chuyến hàng vận chuyển nông sản bằng xà lan xuôi dòng sông Mississippi đã giảm xuống còn 569 nghìn tấn trong tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 2 so với 627 nghìn tấn của tuần trước đó.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết vào tối thứ Năm, doanh số xuất khẩu đậu tương đã giảm xuống 644.400 tấn từ 927.951 tấn. Doanh số xuất khẩu ngô giảm 33% xuống 1,170 triệu tấn.Doanh số xuất khẩu lúa mì giảm còn 150.900 tấn, gần với mức kỳ vọng của thị trường.
Ngô giảm xuống mức yếu nhất trong gần ba tuần khi Brazil được dự đoán sẽ sớm trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, với các chuyến hàng đến Trung Quốc tăng mạnh giúp nước này lần thứ hai vượt Mỹ.
Mỹ đưa ra thời hạn đến ngày 14/02 để Mexico có thể cung cấp các cơ sở khoa học đằng sau lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen của họ. Mexico là quốc gia nhập khẩu ngô lớn thứ hai của Mỹ, do đó, động thái này của Mỹ cho thấy rõ sự không đồng tinh của họ với chính sách mới của Mexico về việc cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen và tạo hy vọng về việc hai quốc gia sẽ sớm đi đến thống nhất chung trong việc giao thương ngô, làm giảm lo ngại suy yếu xuất khẩu ngô Hoa Kỳ.
Nguồn dự trữ lớn và sản lượng thu hoạch kỷ lục vào năm 2022 có thể cho phép Nga cung cấp cho thị trường toàn cầu hơn 50 triệu tấn lúa mì vào niên vụ 2022/23, bù đắp phần lớn thiệt hại ở Ukraine và Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn cung lúa mì tăng từ Canada và Australia cũng sẽ góp phần tạo áp lực lên giá lúa mì Mỹ.
Bài viết liên quan