Tổng hợp tin tức ngày 22/02/2023.
- Vĩ mô:
Trọng tâm trên thị trường tài chính vẫn đang hướng về kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed. Thị trường lo ngại khả năng Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo và chưa có sự cắt giảm lãi suất nào trong năm nay, nhằm nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của S&P Global cho 20 quốc gia sử dụng đồng Euro, được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế chung của khối, đã tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng là 52,3 vào tháng 2 từ mức 50,3 của tháng 1.
Lo ngại xung đột giữa Nga – Ukraine gia tăng khi Tổng thống Vladimir Putin khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bên cạnh đó, những căng thẳng giữa Mỹ – Trung cũng có nguy cơ leo thang khi nhà lãnh đạo Trung Quốc có chuyến thăm Nga, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm tới Ukraine.
Nhận định: Giá hàng hóa đồng loạt giảm trong sáng nay do dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư tài chính mang tính rủi ro. Dấu hiệu kinh tế khởi sắc của EU kìm hãm đà tăng của đồng USD, gây ra bởi lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, do đó hạn chế đà giảm của hàng hóa.
- Kim loại:
Tồn kho đồng trên sở LME hiện tiếp tục giảm về mức 20,883 tấn. Công ty Minmetals Resources cho biết do không đủ nguồn cung nguyên liệu khiến cho hoạt động tại mỏ đồng Las Bambas, mỏ chiếm 2% nguồn cung đồng toàn cầu, tiếp tục chậm lại. Hơn nữa, theo Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG), thị trường đồng tinh luyện toàn cầu thiếu hụt 376.000 tấn vào năm 2022, so với mức thâm hụt 455,000 tấn trong năm trước.
Nhận định: Sự lạc quan của các nhà đầu tư về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc trong bối cảnh nguồn cung suy giảm có thể tạo đà tăng cho giá kim loại.
- Năng lượng:
Mỹ hiện đang lên kế hoạch cho các gói trừng phạt mới và có thể làm gia tăng căng thắng về nguồn cung nhiên liệu. Một thông tin kém tích cực về nguồn cung khác là Tổng cục Dầu khí Na Uy cho biết sản lượng dầu tháng 1 của nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Tây Âu, đã giảm về 1.75 triệu thùng/ngày, thấp hơn 3% so với dự báo chính thức.
Nhu cầu di chuyển của Trung Quốc vẫn đang phục hồi tương đối thận trọng. Theo giám đốc điều hành của hãng hàng không AirAsia X, doanh số bán hàng vẫn chưa tăng vọt, với nhu cầu du lịch Trung Quốc chỉ chiếm 50%, khác với con số 90% trước đại dịch.
Nhận định: Lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến giá dầu tăng.
- Nông sản:
Tại Argentina, dù các khu vực sản xuất chính đã nhận được một số cơn mưa, tuy nhiên nhiệt độ cao kỷ lục vào đầu tuần và sương giá cục bộ cũng đã xuất hiện tại Tây Nam Argentina, gây thiệt hại cho ngô. Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), tỷ lệ ngô được đánh giá tốt và tuyệt vời của Argentina đã giảm chỉ còn 11% trong tuần trước, thấp hơn so với mức 20% trong tuần trước đó.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng phạm vi thử nghiệm ngô biến đổi gen. Sau khi cho phép nhập khẩu ngô có nguồn gốc từ Brazil, đây là hành động tiếp theo tho thấy nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực của nước này. Nếu cây trồng biến đổi gen được áp dụng, Trung Quốc có thể sẽ phần nào giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.
Nhận định: Trong ngắn hạn, ngô có thể tăng do tình hình vụ mùa kém khả quan. Trong dài hạn, việc Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ có thể gây áp lực lên giá ngô CBOT.
Một cơn bão mùa đông trong tuần này sẽ khiến tuyết rơi ở phía bắc vùng Đồng bằng và Trung Tây Mỹ, nhưng cơn mưa dự kiến sẽ không xuất hiện ở các khu vực bị hạn hán tại vành đai lúa mì mùa đông ở vùng Đồng bằng phía tây nam.
Ấn Độ cho biết sẽ cung cấp thêm 2 triệu tấn lúa mì ra thị trường nội địa. Tuy nhiên tình hình thời tiết được dự báo bất lợi cho cây trồng, do đó chính phủ Ấn Độ nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì chính sách cấm xuất khẩu lúa mì nhằm duy trì giá nội địa ổn định. Đây có thể sẽ là yếu tố tác động “bullish” nhẹ đến giả.
Tại Ukraine, hãng tư vấn Apk-Inform cho biết sự không chắc chắn trong việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đang hạn chế các giao dịch và gây sức ép lên giá lúa mì của nước này. Các thương nhân đang tạm dừng thu mua các đơn hàng lúa mì mới do lo ngại rủi ro là thoả thuận không được gia hạn. Điều này có thể sẽ dẫn tới giảm các chuyến hàng xuất khẩu từ Ukraine và thắt chặt nguồn cung từ biển Đen.
Nhận định: Dự đoán Ấn Độ duy trì chính sách cấm xuất khẩu lúa mì và lo ngại khả năng thắt chặt nguồn cung lúa mì Biển Đen cùng với tình hình thời tiết kém khả quan có thể tạo đà tăng nhẹ cho giá lúa mì CBOT.
Bài viết liên quan