fbpx

01/11/2021: Giữ vững mốc 80 USD/thùng, giá dầu có tiếp tục leo thang?

Trong tuần vừa qua, sắc đỏ bao trùm trên bảng giá của các mặt hàng khiến cho chỉ số MXV-Index có chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, đóng cửa tuần giảm 0,55% xuống còn 2.380 điểm. Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở vẫn duy trì ở mức cao tại 5.200 tỷ đồng/phiên nhờ một lượng lớn vị thế bán được mở ra ra trên thị trường năng lượng và kim loại.

Giá các mặt hàng năng lượng đồng loạt giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của các phiên còn lại trong tháng. Cụ thể, giá dầu WTI đóng cửa tuần với mức giảm 0,23% xuống còn hơn 83,5 USD/thùng, giá dầu Brent giảm hơn 1% xuống còn 83,7 USD/thùng, giá khí tự nhiên giảm nhẹ 0,64% xuống còn 5,4 USD/Triệu đơn vị nhiệt Anh. Mặt hàng này cũng đã được điều chỉnh mức ký quỹ trên Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam lên 7.700 USD, tăng 9% so với mức ấn định trước đó.

Đối với dầu thô thì giá đã chịu tác động mạnh mẽ từ những thông tin liên quan đến nguồn cung, trong đó nổi bật nhất là tin tồn kho dầu thô tại Mỹ đang cao hơn nhiều so với kỳ trước đó. Ngoài ra, nước này cũng đã tăng số mỏ khai thác dầu khí trong nước với 544 giàn khoan dầu, tăng 248 giàn so với cùng kỳ năm ngoái, số giàn khoan dầu đá phiến cũng tăng gần gấp đôi lên 483 giàn. Điều này cho thấy nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung dầu thô trong nước.

Bên cạnh Mỹ, công ty xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco đã công bố những số liệu kinh doanh tích cực với sản lượng dầu thô trong tháng 9 đạt gần 9,7 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 100.00 thùng/ngày so với tháng trước và hơn 680.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cùng với việc sản lượng tăng thì lợi nhuận ròng của công ty trong quý III đã tăng hơn gấp đôi do giá dầu thế giới tăng cao.

Việc giá dầu thô, khí tự nhiên và than đá sụt giảm trong tuần vừa qua cũng đã khiến cho thế giới có cái nhìn tích cực hơn về cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên nhu cầu dầu thô đang ở mức tốt và được dự báo sẽ đạt gần 99 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, do đó giá vẫn có thể leo thang trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, trong Hội nghị Các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tuần qua, các nhà lãnh đạo đang đặt mục tiêu cắt bỏ thói quen sử dụng than trên toàn cầu.

Hiện nay 35% lượng điện toàn thế giới đang được tạo ra bởi than, 25% đến từ khí tự nhiên và còn lại là đến từ thuỷ điện, điện hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Như vậy nếu muốn hạn chế sử dụng than, các quốc gia buộc phải tìm đến nguồn nhiên liệu khác trong đó có dầu thô để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Đối với Việt Nam, sản lượng phát điện của nhiệt than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số tất cả các loại hình nguồn phát, do đó việc giá than và giá dầu thế giới tăng cao đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của Tổng công ty điện lực EVN. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí mua điện của EVN năm 2021 dự kiến sẽ tăng đến 16.600 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến tháng 10 năm 2021, nhập khẩu than trong nước đạt 30,6 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, giảm 33% về lượng nhưng lại tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây sẽ là một khó khăn lớn đối với đối với ngành công nghiệp điện bới sự phụ thuộc vào than vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm tiếp theo.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *