fbpx

04/11/2021: Tồn kho tại Mỹ liên tục tăng khiến giá dầu giảm mạnh nhất 3 tháng

Sắc đỏ đang hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá của 35 mặt hàng nguyên liệu đang được liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Đóng cửa ngày 03/11, chỉ số MXV-Index giảm mạnh 1,2% xuống còn 2.368 điểm, là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 tới nay. Giá trị giao dịch tại MXV cũng chứng kiến mức giảm nhẹ xuống còn gần 3.000 tỷ đồng, khi giới đầu tư trong nước đang rất thận trọng trước sự đảo chiều của các mặt hàng chủ chốt, đặc biệt là giá dầu.

Tối nay, cuộc họp của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, hay còn gọi tắt là OPEC+, sẽ được diễn ra. Bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách sản lượng cũng sẽ tác động lớn tới giá. Giá dầu thậm chí còn biến động mạnh trước báo cáo quan trọng này, trái ngược với dự báo của các hãng tin lớn trên thế giới.

Đóng cửa ngày hôm qua, giá dầu thô WTI trên sở NYMEX giảm mạnh 3,6% xuống còn 80,86 USD/thùng, giá dầu Brent trên sở ICE cũng giảm 3,2% xuống còn 81,99 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ ngày 19/07, khiến giá phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng trên biểu đồ kĩ thuật.

Nhìn vào biểu đồ giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 dưới đây có thể thấy giá dầu trước đó đang có 1 trendline, hay đường xu hướng tăng kéo dài từ ngày 23/08. Nhưng với phiên giảm mạnh hôm qua, giá đã phá vỡ đường xu hướng này, và phá vỡ luôn mức hỗ trợ cứng ở 80,70 USD/thùng trước đó. Đối với các nhà phân tích kĩ thuật, đây có thể xem là 1 tín hiệu bán và là dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ đảo chiều xu hướng để bước vào 1 giai đoạn điều chỉnh trong ngắn và trung hạn.

Trên thực tế, việc giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm qua có những nguyên nhân rất rõ ràng. Báo cáo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ tiếp tục tăng thêm 3,2 triệu thùng, lên mức 434 triệu thùng dầu. Đây là mức tồn kho cao nhất trong vòng 3 tháng qua, cho thấy nguồn cung dầu tại Mỹ không bị thắt chặt như những lo ngại trước đó. Nhu cầu thực sự đang tăng lên khi nền kinh tế mở cửa sau đại dịch Covid-19, thể hiện qua số liệu tồn kho xăng giảm 1,5 triệu thùng trong tuần qua. Nhưng hoạt động sản xuất cũng tăng tương ứng, khi các giàn khoan và cơ sở lọc dầu trở lại trạng thái bình thường sau những cơn bão hồi giữa năm.

Bên cạnh đó, thông tin Mỹ và Iran sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối tháng 11 này cũng là một thông tin gây sức ép lên giá dầu. Bởi nếu có những tiến triển tốt đẹp, thì thị trường có khả năng sẽ đón nhận thêm 1 lượng lớn dầu thô từ Iran, đáp ứng được nhu cầu dầu đang tăng lên trên toàn thế giới.

Trở lại với các thông tin trước thềm cuộc họp tối nay của nhóm OPEC+. Sự căng thẳng với các phát ngôn của các bên liên quan đã bắt đầu làm nóng cuộc họp này. Nga cho biết nhóm OPEC+ không nhất định phải tăng sản lượng nhiều hơn kế hoạch hiện tại, để đáp trả lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị G20 trước đó. Ông Biden cho rằng việc các nước xuất khẩu dầu lớn như Nga và Saudi Arabia không khai thác thêm dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tầng lớp lao động. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, đa số giới chuyên gia đang nhận định rằng OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong 2 tháng cuối năm.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *