Kết thúc phiên ngày hôm qua, chỉ số MXV-Index giảm 0,18% xuống còn 2.358 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng đồng thời giảm nhẹ xuống 4.100 tỉ đồng nhưng vẫn ở mức cao thứ 2 của tuần với một lượng lớn vị thế bán được mở ra trên nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp.
Sắc đỏ chiếm ưu thế tuyệt đối trên bảng giá của các mặt hàng thuộc nhóm năng lượng, trong đó các mặt hàng dầu thô đã quay đầu giảm sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,3% xuống còn 81,34 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 2,5% xuống còn 82,64 USD/thùng, tương đương mới mức giá đóng cửa đầu tuần.
Yếu tố gây áp lực giảm đối với giá dầu trong phiên ngày hôm qua đến từ những số liệu tích cực mà Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố. Theo đó, trong tuần từ ngày 30/10 đến ngày 05/11, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ đạt 435,1 triệu thùng, tăng hơn 1 triệu thùng so với báo cáo trước và cao hơn nhiều so với con số mà các tổ chức khác đưa ra. Việc tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3 tuần liên tiếp đã tác động đến giá ngay khi báo cáo được phát hành, tuy nhiên con số này chưa đạt đến mức dự đoán của thị trường, cho nên giá dầu thô cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc các nhà máy lọc dầu tại Nga đang hoạt động trở lại cũng là thông tin tác động tiêu cực đến giá dầu trong ngày hôm qua. Cụ thể, các nhà máy lọc dầu của nước ngày đã xử lý 23,9 triệu tấn dầu thô trong tháng 10 năm nay, tăng 5% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ khiến cho triển vọng về nguồn cung tiếp tục được củng cố trước bối cảnh nhu cầu tăng cao.
Vào 15h ngày hôm qua, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp lên 550 đến 660 đồng/lít. Như vậy, giá xăng E5 RON 92 đang được bán ở mức 23.660 đồng/lít, trong khi giá xăng RON 95 được bán với giá 24.990 đồng/lít, chỉ thấp hơn mức cao nhất của lịch sử thiết lập vào T7/2013 khoảng 80 đồng. Điều này sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao và kéo theo đà tăng giá của các mặt hàng khác đến tay người tiêu dùng.
Cùng với nhóm năng lượng, giá các mặt hàng nổi trội trên thị trường nguyên liệu công nghiệp hôm qua cũng đã chịu áp lực giảm, trong đó giá cà phê Arabica giảm 0,9% xuống còn 4.497 USD/tấn, giá cà phê Robusta giảm gần 0,5% xuống còn 2.215 USD/tấn. Tại Brazil, những mối lo ngại về nguồn cung Arabica được xoa dịu trước tin vụ cà phê năm sau ước tính sẽ tăng 12% so với năm nay.
Trong khi đó tại Việt Nam, vụ cà phê năm nay được chăm sóc tốt nên năng suất thu hoạch đã được cải thiện, kết hợp với mức giá tăng cao đã đem lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 10 đạt 99.249 tấn, kim ngạch trị giá hơn 217,2 triệu USD. So với tháng trước, xuất khẩu cà phê đã giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 3,5% về giá trị. Luỹ kế từ đầu năm cho đến nay, tổng lượng xuất khẩu đã giảm 4,2% về lượng nhưng lại tăng 5,4% về giá trị. Tại Tây Nguyên, giá thu mua cà phê ở các vùng trọng điểm giảm từ 200 – 300 đồng so với sáng qua xuống còn 40.000 đồng/kg đến 40.900 đồng/kg.
Bài viết liên quan