Kết thúc phiên ngày 11/10, chỉ số MXV-Index đóng cửa tăng 0,4% lên mức 2.365 điểm. Mức tăng của nhóm kim loại và năng lượng đã bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm nông sản. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn được giữ ổn định ở mức gần 4.000 tỷ đồng. Giới đầu tư trong nước đang dồn sự chú ý với nhóm nông sản, trước thời điểm Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành báo cáo Cung – cầu thế giới vào lúc 23:00 đêm nay theo giờ Việt Nam.
Ngoại trừ ngô, các mặt hàng khác trong nhóm nông sản đều giảm khá mạnh. Trong đó giá đậu tương giảm 1,2% xuống còn 451 USD/tấn, giá dầu đậu tương giảm 1,6% xuống còn 1.334 USD/tấn. Mặt hàng lúa mỳ Chicago và Kansas cũng lần lượt giảm 0,3% và 0,4% tiếp tục chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp từ cuối tuần trước.
Trong ngày hôm qua, các mặt hàng thuộc nhóm đậu tương chịu áp lực bán trước những tín hiệu tích cực về thời tiết và nguồn cung trên toàn thế giới. Tại Brazil nền nhiệt đang duy trì ở mức bình thường và lượng mưa cũng đang dần tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn gieo trồng đậu tương. Tiến độ gieo trồng đậu tương tại quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới đã đạt 10%, cao hơn so với mức 4% của tuần trước và 3% của cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 được dự báo đạt 144 triệu tấn, tăng 5% so với năm ngoái.
Đà giảm giá của đậu tương đã ảnh hưởng trực tiếp lên các mặt hàng liên quan, đặc biệt là dầu đậu tương. Chính phủ Malaysia vừa mới phê duyệt việc tuyển dụng thêm 32.000 lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động do đại dịch. Điều này giải tỏa áp lực với ngành sản xuất dầu cọ của nước này và gây áp lực lên giá tất cả các loại dầu thực vật trong phiên tối. Trước đó sản lượng dầu cọ trong năm nay đã bị điều chỉnh giảm xuống ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm, chỉ đạt 18 triệu tấn do thiếu hụt nguồn lao động do đại dịch Covid-19.
Ở một diễn biến khác, cũng thuộc nhóm nông sản, những thông tin về nguồn cung lúa mỳ dồi dào đang là yếu tố “bearish” – hay các thông tin tác động tiêu cực đối với giá của mặt hàng này. Theo đó, thu hoạch lúa mỳ tại Anh năm 2021 ước tính đạt 14,02 triệu tấn, tăng 45,2% so với năm ngoái trong khi bộ nông nghiệp Mỹ dự báo con số này có thể lên đến khoảng 15 triệu tấn.
Bên cạnh đó tại Ai Cập – nước nhập khẩu lúa mỳ số một thế giới, tồn kho lúa mỳ chiến lược đang đủ cho nhu cầu nội địa trong vòng 5,5 tháng. Trong đó, nhập khẩu lúa mỳ niên vụ 20/21 và 21/22 đang ở trên mức 13 triệu tấn, là mức cao nhất kể từ năm 2010 cho đến nay. Điều này sẽ khiến cho thị trường lúa mỳ thiếu động lực tăng trong ngắn hạn do Ai Cập sẽ tiếp tục nhập khẩu thận trọng như hiện nay do giá vẫn đang ở mức cao.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam – MXV
Bài viết liên quan