Đóng cửa tuần vừa qua, tâm lý tích cực của giới đầu tư đã giúp cho chỉ số hàng hoá MXV-Index tăng 1,5% lên mức 2.264 điểm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần vừa qua đã có lúc chạm đến ngưỡng 7.200 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ mức giá trị giao dịch trung bình đạt 4.000 tỷ đồng/phiên với những diến biến đáng chú ý diễn ra trên nhóm năng lượng và nông sản.
Thị trường năng lượng tiếp tục thu hút được sự quan tâm của giới nhà đầu tư nhờ mức tăng đột phá của các mặt hàng dầu thô trong tuần vừa qua. Cụ thể, giá dầu WTI trên sở NYMEX tăng 8,16% lên mức 71,67 USD/thùng, giá dầu Brent trên sở ICE tăng 7,5% lên mức 75,15 USD/thùng. Như vậy, dầu thô đã lấy lại được mốc 70 USD/thùng sau khi những lo ngại về dịch Covid-19 đang dần được xoa dịu.
Bên cạnh đó, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) chưa đạt được mức tăng sản lượng như kế hoạch cũng đã giúp cho dầu thô duy trì được đà tăng trong những phiên cuối tuần. Cụ thể, tính trong tháng 11, sản lượng dầu thô của nhóm đã tăng thêm 410.000 thùng/ngày, thấp hơn mức 580.000 thùng/ngày như đã đề ra trước đó. Trong đó, sản lượng của Ả Rập Saudi tăng đến 110.000 thùng/ngày với kỳ vọng biển thể Omicron sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến nguồn cung tại OPEC+ sẽ chỉ có tác động trong ngắn hạn do thị trường đang chờ đợi thêm những công bố mới về hoạt động giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ. Cùng lúc đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ của dầu thô dù tích cực nhưng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục do thông tin về tác động của biến chủng vi-rút Omicron vẫn chưa đầy đủ để các nước châu Âu có thể yên tâm mở cửa trở lại. Như vậy, các nhà đầu từ cần có thêm thông tin để xác định xu hướng giá của các mặt hàng này trong những phiên sắp tới.
Cũng thuộc nhóm năng lượng, giá mặt hàng khí tự nhiên trong tuần vừa qua đã mất đi 5% giá trị bất chấp những triển vọng tích cực trong nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông năm nay. Riêng với khu vực châu Á, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của các quốc gia như Hàn Quốc hay Ấn Độ đồng loạt tăng nhằm phục vụ cho đợt giá lạnh sắp tới. Điều này đã khiến cho giá khí tự nhiên hoá lỏng giao đến Đông Bắc Á vào tháng 1/2022 tăng lên 35,8 USD/MMBtu, cao hơn 1,2 USD/MMBtu so với tuần trước đó. Tuy nhiên xét về tổng thể, giá khí tự nhiên đã có những phiên điều chỉnh giảm đáng kể sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hạ nhiệt, từ đó giúp cho các quốc gia nhập khẩu giảm được một phần gánh nặng liên quan đến chi phí nhiên liệu sản xuất.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam – MXV
Bài viết liên quan