fbpx

15/11/2021: Giá lúa mì Chicago đạt ngưỡng cao nhất trong gần 1 thập kỷ

Đóng cửa tuần vừa qua, sắc xanh hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá của 35 loại hàng hoá nguyên liệu giúp cho chỉ số MXV-Index tăng mạnh 1,3% lên mức 2.383 điểm. Giá trị giao dịch trung bình toàn Sở đạt 4.000 tỷ đồng/phiên với những diễn biến rất đáng chú ý trên thị trường nông sản và năng lượng.

Trên Sở Giao dịch Chicago, các mặt hàng lúa mì là điểm sáng với chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Cụ thể giá lúa mì Chicago tăng 6,6% lên 300 USD/tấn, là mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ. Trong khi, giá lúa mì Kansas cũng đã tăng gần 7% lên mức 306 USD/tấn, phá vỡ mức kỷ lục 7 năm đã thiết lập trước đó.

Yếu tố hỗ trợ đà tăng của lúa mì trong tuần vừa qua đến từ những lo ngại kéo dài liên quan đến nguồn cung tại các nước xuất khẩu chính. Như tại Ukraine, sự xuất hiện của thời tiết khô hạn trong giai đoạn đầu tháng 11 đã khiến cho hoạt động gieo trồng lúa mì bị gián đoạn và sụt giảm năng suất. Còn tại Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, thuế xuất khẩu lúa mì tiếp tục được điều chỉnh tăng lên mức 77,1 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ khi chính sách thuế thả nổi được áp dụng.

Giá lúa mì tăng cao sẽ gây áp lực rất lớn cho ngành chăn nuôi vốn đang gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam. Bởi trong cả năm 2021, khi giá ngô Nam Mỹ ở mức rất cao, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chuyển sang sử dụng lúa mì để thay thế do giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, với thực trạng giá lúa mì cũng tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới. Trong 10 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu 4,09 triệu tấn lúa mì, tăng tới 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,18 tỉ USD, tăng 84%.

Chuyển sang các thông tin về thị trường năng lượng, nhóm duy nhất có sắc đỏ khi đóng cửa tuần trước. Giá Khí tự nhiên giảm mạnh 13,14% xuống còn 4,79 USD/Triệu đơn vị nhiệt Anh. Trong khi đó, giá dầu WTI và dầu Brent đồng loạt giảm nhẹ xuống còn lần lượt 80,79 USD/thùng và 82,17 USD/thùng.

Dầu thô đã mất đi hoàn toàn đà hồi phục từ đầu tuần do phải đối mặt với những thông tin trái chiều liên quan đến cung – cầu trên thế giới. Cụ thể, triển vọng về tiêu thụ dầu thô đang phải chịu sức ép trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh tại một số nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc và các nước Châu Âu. Điều này sẽ làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành giao thông vận tải và khiến cho giá dầu trở nên suy yếu.

Ngoài ra, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thô trong quý IV/2021 xuống còn 99,49 triệu thùng/ngày, thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó do giá năng lượng đang ở mức cao. Tổ chức này cũng cho biết sản lượng dầu thô của nhóm trong tháng 10/2021 đạt hơn 27 triệu thùng/ngày, tăng 220.000 thùng/ngày so với tháng trước.

Bên cạnh nhóm OPEC, hoạt động khai thác dầu tại Mỹ đang cho thấy những triển vọng tích cực với số lượng dàn khoan tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Theo đó, tính đến tuần kết thúc ngày 05/11, số giàn khoan dầu đã tăng lên 454 giàn, tức là tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến với thị trường trong nước, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu dầu thô trong tháng 10 đạt hơn 540 nghìn tấn, kim ngạch vượt mức 294 triệu USD, giảm 2,7% về lượng nhưng lại tăng 2,1% về giá trị so với năm ngoái. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô đã giảm mạnh 19,6% về lượng nhưng tăng 22,4% về giá trị. Điều này cho thấy giá dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động nhập khẩu của nước ta trong năm 2021.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *