20/09/2021: Giá quặng sắt có chuỗi giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 tới nay
Tuần giao dịch vừa qua đã chứng kiến những biến động lớn trên thị trường hàng hóa, nhưng các nhóm mặt hàng quan trọng lại có diễn biến trái chiều nhau, khiến chỉ số MXV-Index chỉ tăng thêm 0,7% lên mức 2.213 điểm.
Giá trị giao dịch toàn Sở tăng thêm 30% lên gần 3.700 tỷ đồng mỗi phiên, nhờ dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm mặt hàng có biến động đáng chú ý nhất trong tuần qua là kim loại và năng lượng. Tuần này, dòng tiền có thể sẽ tiếp tục tăng lên, khi các lệnh mở mua và bán đang trái chiều nhau với khối lượng mở rất lớn.
Biến động mạnh nhất trong số các mặt hàng đang được giao dịch tại Việt Nam trong tuần qua là Quặng sắt trên sở Singapore với mức giảm lên tới 13%, xuống chỉ còn 144,5 USD/tấn. Đây đã là phiên giảm thứ 8 liên tiếp của Quặng sắt, khiến mặt hàng này đang ở trong chuỗi sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới nay.
Thị trường đang bị chi phối bởi các thông tin từ Trung Quốc, nước sản xuất thép hàng đầu thế giới. Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách hạn chế sản lượng thép trong giai đoạn cuối năm nay. Trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, sản lượng thép thô của Trung Quốc đã giảm lần lượt 8% và 12% so với năm ngoái, cho thấy nước này đang rất mạnh tay và cương quyết thực hiện chính sách này. Khi sản lượng thép giảm, nhu cầu quặng sắt cũng sẽ giảm theo và việc giá giảm mạnh cũng không có gì bất ngờ.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tại tập đoàn Bất động sản Evergrande cũng đang tạo ra chuỗi phản ứng domino liên thị trường, bao gồm cả thị trường kim loại cơ bản. Các mặt hàng quặng sắt, đồng, thiếc… sử dụng trong xây dựng bất động sản đều giảm mạnh trong tuần qua, khi lo ngại đà hồi phục của ngành này sẽ chậm lại trong quý IV năm nay.
Bên cạnh việc giảm sản lượng ở Trung Quốc, các nhà máy thép cũng đang trong quá trình bảo trì, nên nguồn cung thép bị gián đoạn, giúp giá thép ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều có chiều hướng gia tăng. Giá thép tại Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục, với giá cán nóng đã lên đến 2.100 USD/tấn và thép cán nguội lên gần 2.400 USD/tấn.
Tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản mới đây cũng đã tăng giá thép thêm 182 USD/tấn, mức tăng lớn nhất trong 10 năm qua. Các thị trường Đài Loan, châu Âu và Ấn Độ cũng được dự báo sẽ sớm tăng giá thép trong thời gian tới.
Tại thị trường Việt Nam, thông thường ảnh hưởng của giá thế giới đến giá nội địa sẽ bị trễ một khoảng thời gian ngắn, do các tập đoàn cần cân đối lại cung – cầu để chiều chỉnh giá bán ra phù hợp. Vì thế, giá nội địa không có nhiều biến động trong vài ngày qua. Giá thép cuộn và thép thanh vằn của các tập đoàn lớn vẫn được bán ở trong khoảng 16.000 – 16.350 đồng/kg.
Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây cho biết tiêu thụ thép tại thị trường nội địa trong tháng 8 ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Sản lượng thép xây dựng đạt gần 714.000 tấn, giảm 2% so với tháng 7 và giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu tính chung cả 8 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ thép của nước ta vẫn tăng trưởng 25% so với năm 2020, chủ yếu đến từ xuất khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam – MXV
Bài viết liên quan