Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,17% xuống còn 2.427 điểm. Tuy nhiên, nhóm năng lượng vẫn duy trì đà tăng mạnh, giúp giá trị giao dịch toàn nhóm lần đầu vượt lên trên mức 4.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn Sở vì thế cũng tiếp tục tăng lên trên 6.100 tỷ đồng trong phiên hôm qua, là mức cao thứ 2 trong lịch sử.
Không chỉ nhóm năng lượng, sự thăng hoa của giá cà phê cũng là một nguyên nhân kiến dòng tiền đang lan tỏa mạnh trên thị trường hàng hóa. Giá cà phê Robusta trên sở London đang có chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp và tiếp tục tăng mạnh 3,4% trong phiên hôm qua, lên mức 2.270 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sở NewYork cũng tăng 2,7% lên mức 4.587 USD/tấn. Giá Robusta đang có vai trò dẫn dắt thị trường cà phê thế giới trong ngắn hạn, khi các tin tức tiêu cực về nguồn cung ở Việt Nam đang hỗ trợ tốt cho giá.
Kể từ giữa tháng 10, những lo ngại về sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng quay trở lại khi các cảng đều ở trong tình trạng kẹt cứng do thiếu hụt nhân công. Các đơn hàng cà phê Robusta ở Việt Nam vẫn chưa được xuất đi, đẩy mức chênh lệch giữa các hợp đồng giao ngay và hợp đồng tương lai lên mức cao hơn. Lô cà phê đầu tiên vụ mới của nước ta dự kiến sẽ phải chờ đến giữa tháng 11 để xuất đi do hàng hóa bị ứ đọng quá nhiều. Tình trạng tắc nghẽn logistics này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, lượng mưa lớn ở Tây Nguyên cùng với nguy cơ bùng phát dịch trở lại cũng là một yếu tố tiêu cực với giá cà phê vào thời điểm này khi thời gian thu hoạch đang đến gần. Trên thị trường còn đang có thông tin cho biết, Brazil đang phải mua các hợp đồng cà phê Robusta của Việt Nam do giá nội địa của nước này tăng cao, khiến hoạt động sản xuất bị đóng băng.
Theo đà tăng của giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng mạnh 1.100 đồng/kg so với sáng hôm qua, đang giao dịch ở trong khoảng 41.600 – 42.500 đồng/kg. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu cà phê bình quân của nước ta trong tháng 9 đạt 2.090 USD/tấn, ghi nhận mức cao nhất kể từ cuối năm 2017, tăng gần 5% so với tháng 8 và 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như thường lệ, Đức và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam. Tính chung cả 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang các nước như Nhật Bản, Nga và Trung Quốc tăng đáng kể, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến giao thương hàng hóa toàn cầu. Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng Hóa Việt Nam, xuất khẩu cà phê của nước ta sẽ tăng trong các tháng tới nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới tăng lên, trong khi Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch niên vụ 2021/22.
Bài viết liên quan