Ông Earl Rasmussen, Phó chủ tịch điều hành của Trung tâm Khoa học Chính trị Á-Âu (Eurasia Center) ở Washington (Mỹ) nhận xét với Đài Sputnik rằng phương Tây đã phạm phải nhiều sai lầm khi trừng phạt Nga.
“Dầu của Nga trên các thị trường phương Tây không hề dễ dàng thay thế được. Nga quá quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và thậm chí sẽ mất nhiều năm để lấp đầy khoảng trống”, chuyên gia Rasmussen chỉ ra.
Theo ông, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây không nhận ra thực tế rằng việc thiết lập mới các đường ống và nhà máy lọc dầu sẽ đòi hỏi hàng loạt thay đổi và tiêu tốn lượng chi phí và thời gian đáng kể. Phó chủ tịch của Trung tâm Eurasia nhận định các nước sẽ mất nhiều năm để đạt được cơ sở hạ tầng cần thiết theo yêu cầu.
Ông Earl Rasmussen cũng cảnh báo về tác động thảm khốc mà các biện pháp trừng phạt Nga có thể gây ra trên thị trường năng lượng toàn cầu, chẳng hạn như ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên diện rộng cũng như dẫn đến một cuộc suy thoái lớn…
Đề cập đến khả năng Moskva có cơ hội phát triển trong bối cảnh các lệnh trừng phạt, ông Rasmussen có cùng quan điểm với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng các công ty năng lượng của nước này nên phát triển thị trường mới ở phía Đông và phía Nam.
Phó chủ tịch Trung tâm Eurasia kêu gọi Nga tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các khu vực mới nổi khác như Indonesia, Singapore và một số nước Trung Á.
“Vấn đề tìm kiếm cơ hội và hợp tác với các nước châu Phi và Nam Mỹ mới nổi nên được nhìn nhận tích cực. Hơn nữa, hợp tác với Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng nên được xem xét”, ông nói thêm.
Các bình luận được đưa ra sau khi Tổng thống Putin tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga gây nhiều thiệt hại cho những người áp đặt chúng hơn là đối với Nga. Ông nhấn mạnh rằng ông đã nhiều lần cảnh báo các người đồng cấp khác về hậu quả của hành động áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, đặc biệt là đối với thị trường năng lượng, song không ai lắng nghe.
Tổng thống Nga cũng khẳng định cuộc chiến tranh kinh tế chớp nhoáng chống lại Nga đã hoàn toàn thất bại. Về vấn đề này, ông Gerard DiPippo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tác động tài chính ngắn hạn của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất đáng kể nhưng dường như đã suy giảm kể từ tháng 5 năm nay.
Trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn chưa giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, chúng đang gây ra những tác động rõ rệt với người dân Nga. Các chỉ số của nhà quản lý mua hàng cho thấy khu vực dịch vụ của Nga đã giảm mạnh trong tháng 3 và tiếp tục giảm nhẹ tính đến tháng 5, lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức giảm ít hơn trong tháng 3 và dường như đã tăng trở lại vào tháng 5.
Ngày 24/2, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine sau khi các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass yêu cầu bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công của quân đội Ukraine.
Mỹ và các đồng minh đã đáp trả chiến dịch của Nga bằng cách áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt khắc khổ nhằm vào Nga, trong đó việc Liên minh châu Âu (EU) cam kết chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Những gián đoạn sau đó trong hoạt động hậu cần và tài chính đã phá hoại chuỗi cung ứng và dẫn đến giá năng lượng trên toàn thế giới tăng vọt, khiến lạm phát kỷ lụcxuất hiện ở Mỹ và nhiều nơi khác.
Ngày 18/6, Nhà Trắng khẳng định trên Twitter rằng tình hình ở Ukraine là nguyên nhân lớn nhất gây ra lạm phát tại Mỹ. Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Thượng viện ngày 22/6, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhấn mạnh lạm phát Mỹ vốn dĩ đã cao từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng.
Bài viết liên quan