fbpx

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 15): Các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa

ky quy giao dich

Bạn Đinh Văn Quân ở Quảng Ninh hỏi: “Giao dịch hàng hóa gồm các lệnh nào?” Bạn Ngô Hữu Đồng ở Đà Nẵng hỏi: “Lệnh sẽ có hiệu lực như thế nào? Tôi có thể sửa, hủy lệnh sau khi đặt lệnh không?”

Giao dịch hàng hóa gồm các lệnh nào?

Trong giao dịch mua bán các hợp đồng hàng hóa, có 4 loại lệnh được sử dụng phổ biến như sau:

Lệnh thị trường (Market Order – MKT)

Lệnh thị trường là lệnh mua hoặc bán được thực hiện ngay tại mức giá tốt nhất hiện có trên thị trường tại thời điểm lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch.

Lệnh mua thị trường sẽ khớp ngay ở giá chào bán thấp nhất hiện có trên thị trường tại thời điểm đặt lệnh. Lệnh bán thị trường sẽ khớp ngay ở giá chào mua cao nhất hiện có trên thị trường tại thời điểm đặt lệnh.

Lệnh giới hạn (Limit Order – LMT)

Lệnh giới hạn hay còn gọi là lệnh chờ, là lệnh mua hoặc bán được thực hiện tại mức giá giới hạn hoặc mức giá tốt hơn.

Đối với lệnh mua giới hạn, giá giới hạn là mức giá cao nhất nhà đầu tư chấp nhận giao dịch. Đối với lệnh bán giới hạn, giá giới hạn là mức giá thấp nhất nhà đầu tư chấp nhận giao dịch.

Lệnh dừng (Stop Order – STP)

Lệnh dừng là một loại lệnh điều kiện, cho phép mua hoặc bán một loại hàng hóa khi giá của hàng hóa đó đạt đến một mức giá xác định, được gọi là giá dừng. Khi giá thị trường đạt đến giá dừng, thỏa mãn điều kiện này thì lệnh dừng sẽ trở thành lệnh thị trường.

Điều kiện về giá trong lệnh dừng:

Chiều mua: giá dừng > giá thị trường

Chiều bán: giá dừng < giá thị trường

Lệnh dừng giới hạn (Stop Limit Order – STL)

Lệnh dừng giới hạn là một lệnh kết hợp cả đặc tính của lệnh giới hạn (Limit order) và lệnh dừng (Stop order). Khi giá thị trường đạt tới mức giá dừng (Stop price), lệnh dừng giới hạn sẽ trở thành lệnh giới hạn.

Điều kiện về giá trong lệnh dừng:

Chiều mua: giá giới hạn ≥ giá dừng > giá thị trường

Chiều bán: giá giới hạn ≤ giá dừng < giá thị trường

Các hiệu lực của lệnh trong giao dịch hàng hóa

Lệnh được đặt với hiệu lực trong ngày (DAY): lệnh sẽ có hiệu lực cho đến khi lệnh được thực hiện (khớp) hoặc khi bị hủy bỏ hoặc đến thời điểm đóng cửa của phiên giao dịch.

Lệnh được đặt với hiệu lực GTC (Good till Cancelled): lệnh sẽ có hiệu lực cho tới khi lệnh bị hủy bỏ.

Lệnh được đặt với hiệu lực GTD (Good till Date): lệnh sẽ có hiệu lực cho tới một ngày được xác định trước.

Lệnh được đặt với hiệu lực GTT (Good till Time): lệnh sẽ có hiệu lực cho tới một thời điểm được xác định trước.

Lệnh được đặt với hiệu lực FOK (Fill or Kill): là một loại lệnh điều kiện, khi thực hiện đặt lệnh FOK lệnh đó sẽ phải được thực hiện (khớp) hết khối lượng với mức giá đã đặt, còn nếu khớp từng phần thì lệnh sẽ bị huỷ (hay hiểu là khớp toàn bộ, còn không thì huỷ).

Lệnh được đặt với hiệu lực FAK (Fill and Kill): là một loại lệnh điều kiện, khi đặt lệnh FAK lệnh đó sẽ có thể khớp toàn bộ hoặc khớp 1 phần. Nếu khớp 1 phần thì phần khối lượng còn lại chưa được khớp của lệnh sẽ bị huỷ.

Nhà đầu tư có thể sửa, hủy lệnh sau khi đặt lệnh không?

Việc sửa lệnh, hủy lệnh giao dịch chỉ có hiệu lực đối với lệnh chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện.

Các lệnh giới hạn, lệnh dừng và lệnh dừng giới hạn đang chờ khớp được phép sửa giá, khối lượng hoặc hủy lệnh trong thời gian giao dịch. Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào Hệ thống giao dịch.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *