Trong báo cáo thị trường dầu (MOMR) tháng 3, Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục nâng dự báo ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 2,8%, từ mức 2,7% trong báo cáo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 được giữ nguyên ở mức 2,9%. OPEC cho biết “động lực mạnh mẽ” cho tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2023 dự kiến sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2024 và điều này có thể mang lại thêm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024. Sự hỗ trợ cũng đến từ kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong suốt năm 2024 và 2025, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn, thúc đẩy các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất vào năm 2024. Triển vọng nền kinh tế Mỹ tiếp tục được đánh giá lạc quan hơn khi OPEC nâng dự báo tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2024 lên 1,9%, từ mức 1,6% theo ước tính trong báo cáo tháng 2. Trong khi đó, OPEC vẫn đánh giá khu vực châu Âu sẽ trải qua năm 2024 với nhiều khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế của khu vực được dự báo đạt mức 0,5%, không thay đổi so với ước tính trong báo cáo tháng 2.
Đối với nhu cầu
Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 không thay đổi ở mức 2,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nhu cầu dầu của OECD châu Á Thái Bình Dương được điều chỉnh giảm nhẹ trong quý I/2024 do sự suy yếu trong hoạt động sản xuất và lĩnh vực hóa dầu của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này được bù đắp bằng những điều chỉnh tăng lên đối với Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác. Theo đó, nhu cầu dầu của OECD được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 0,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu của các nước ngoài OECD trong năm 2024 ước tính đạt 2,0 triệu thùng/ngày, được thúc đẩy bởi Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông.
Tổng nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ đạt 104,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024, được thúc đẩy bởi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không mạnh mẽ và sự tăng cường di chuyển trên đường, cũng như các hoạt động công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp, đặc biệt ở các nước không thuộc OECD. Ngoài ra, việc bổ sung công suất và gia tăng biên lợi nhuận hóa dầu ở các nước không thuộc OECD, chủ yếu ở Trung Quốc và Trung Đông, dự kiến cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng nhu cầu dầu.
Tương tự, OPEC cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 ở mức 1,85 triệu thùng/ngày. Trong đó, nhu cầu của OECD dự kiến tăng 0,1 triệu thùng/ngày và nhu cầu của các nước ngoài OECD dự kiến tăng 1,7 triệu thùng/ngày.
Dự báo nhu cầu dầu thô đối với các quốc gia thuộc OECD trong năm 2024 được điều chỉnh tăng nhẹ 30.000 thùng/ngày so với báo cáo trước lên 46,06 triệu thùng/ngày. Ước tính nhu cầu của OECD trong năm 2025 cũng được điều chỉnh tăng nhẹ 40.000 thùng/ngày lên 46,17 triệu thùng/ngày.
Tiêu thụ tại Mỹ năm 2024 và 2025 được OPEC dự báo đạt trung bình lần lượt 20,58 triệu thùng/ngày và 20,62 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 20,48 triệu thùng/ngày và 20,52 triệu thùng/ngày theo ước tính trước, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc trong năm 2024 và năm 2025 được giữ nguyên ở mức lần lượt 0,63 triệu thùng/ngày và 0,41 triệu thùng/ngày. Dữ liệu về tăng trưởng nhu cầu trong các quý của 2024 và 2025 không thay đổi so với báo cáo trước.
ƯỚC TÍNH CUNG CẦU DẦU THÔ TOÀN CẦU 2024 | ||||
Đv: triệu thùng/ngày | OPEC Tháng 3 | OPEC Tháng 2 | Mức thay đổi | |
1Q24 | Cầu | 103,33 | 103,32 | +0,01 |
Cung – Non Opec | 75,78 | 75,51 | +0,26 | |
Cầu OPEC | 27,55 | 27,80 | -0,25 | |
Cung OPEC | ||||
2Q24 | Cầu | 103,91 | 103,91 | 0,00 |
Cung – Non Opec | 75,38 | 75,70 | -0,32 | |
Cầu OPEC | 28,53 | 28,21 | +0,32 | |
Cung OPEC | ||||
3Q24 | Cầu | 104,88 | 104,88 | +0,00 |
Cung – Non Opec | 76,12 | 76,14 | -0,03 | |
Cầu OPEC | 28,76 | 28,73 | +0,03 | |
Cung OPEC | ||||
4Q24 | Cầu | 105,69 | 105,47 | +0,21 |
Cung – Non Opec | 76,70 | 76,71 | -0,00 | |
Cầu OPEC | 28,98 | 28,77 | +0,22 | |
Cung OPEC | ||||
2024 | Cầu | 104,46 | 104,40 | +0,06 |
Cung – Non Opec | 76,00 | 76,02 | -0,02 | |
Cầu OPEC | 28,46 | 28,38 | +0,08 | |
Cung OPEC |
Đối với nguồn cung
Thay đổi đáng chú ý nhất trong dự báo MOMR mới nhất của OPEC liên quan đến nguồn cung dầu. OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC trong năm nay 120.000 thùng/ngày xuống 1,07 triệu thùng/ngày, sau quyết định của liên minh OPEC+ về việc gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện mới nhất thêm ba tháng cho đến cuối tháng 6. OPEC cho biết động lực chính cho tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC trong năm 2024 dự kiến sẽ là Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy, trong khi mức giảm lớn nhất được dự đoán là ở Nga và Mexico.
Trong khi đó, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC trong năm 2025 được điều chỉnh tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày, từ mức 1,27 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 2.
Tổng sản lượng chất lỏng không tính đến nguồn cung dầu thô của OPEC vào năm 2024 được nhóm được điều chỉnh thấp hơn một chút xuống 70,53 triệu thùng/ngày, so với mức 70,55 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 2. Sự điều chỉnh giảm diễn ra mạnh nhất trong quý II/2024, từ 70,2 triệu thùng/ngày xuống 69,88 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, sản lượng quý III/2024 cũng được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 70,66 triệu thùng/ngày, từ 70,68 triệu thùng/ngày theo ước tính trước.
OPEC cho biết, sản lượng chất lỏng của Mỹ trong năm 2024 đạt trung bình 21,45 triệu thùng/ngày cao hơn mức 21,43 triệu thùng/ngày theo ước tính trong tháng 2. Tăng trưởng sản lượng từ Mỹ trong năm 2025 dự kiến đạt 22,05 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước.
Về phía Nga, dòng chảy chất lỏng của thành viên OPEC+ trong năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ 90.000 thùng/ngày xuống 10,75 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, ước tính sản lượng năm 2025 dự kiến đạt 10,88 triệu thùng/ngày, không thay đổi nhiều so với ước tính trước khi chỉ tăng nhẹ 10.000 thùng/ngày.
Nguồn cung từ OPEC
Theo báo cáo, sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 26,57 triệu thùng trong tháng 2, tăng 203.000 thùng/ngày so với tháng 1. Sự gia tăng được thúc đẩy chủ yếu bởi Nigeria và Libya, bất chấp đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày mới của liên minh OPEC+ bắt đầu vào tháng 1. Sản lượng dầu của Libya tăng 144.000 thùng/ngày lên 1,17 triệu thùng/ngày trong tháng 2, sau khi quốc gia này kết thúc tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara.
Việc cắt giảm nguồn cung dầu mới nhất của OPEC bị đình trệ do Iraq, quốc gia thường xuyên vi phạm các thỏa thuận của nhóm, đã sản xuất vượt quá hạn ngạch trong tháng thứ hai. Theo báo cáo, sản lượng của Iraq chỉ giảm 14.000 thùng/ngày xuống mức trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tháng thứ hai theo thỏa thuận nguồn cung mới của OPEC. Điều này khiến sản lượng của nước này vượt quá hạn ngạch đã thỏa thuận khoảng 200.000 thùng/ngày.
Sản lượng của Saudi Arabia tiếp tục duy trì ở mức gần 9 triệu thùng/ngày, phù hợp với tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 7/2023 được gia hạn cho tới tháng 6 năm nay. Theo đó, sản lượng của thủ lĩnh OPEC đạt 8,98 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng nhẹ so với mức 8,96 triệu thùng/ngày trong tháng 1. Trong khi đó, sự sụt giảm về sản lượng đến từ Equatorial Guinea, Iran, Iraq và Kuwait, với mức giảm dao động từ 40.000 thùng/ngày đến 150.000 thùng/ngày.
Nhìn chung, nhu cầu đối với dầu thô của OPEC trong năm 2024 được dự đoán ở mức khoảng 28,46 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ 80.000 thùng/ngày so với ước tính trong tháng 2. So với báo cáo trước, nhu cầu đối với dầu thô của OPEC được điều chỉnh tăng trong 3 quý cuối năm 2024, với mức tăng lần lượt 320.000 thùng/ngày, 30.000 thùng/ngày và 210.000 thùng/ngày.
Nhận định
Báo cáo tháng 3 của OPEC về cơ bản có tác động “bullish” đối với giá dầu khi nhu cầu đối với dầu thô của nhóm được điều chỉnh tăng trong hầu hết các quý của năm 2024. Ngoài ra, góc nhìn lạc quan của nhóm về triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, cũng là tín hiệu tích cực về phía nhu cầu. Bên cạnh đó, việc nhóm quyết định gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang hết quý II/2024 gần như chắc chắn có thể sẽ khiến thị trường tiếp tục rơi vào trạng thái thâm hụt, và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho giá dầu trong giai đoạn này.
Bài viết liên quan