Bản tin tổng hợp ngày 05/12/2022.
ĐẬU TƯƠNG TĂNG, LÚA MÌ PHỤC HỒI TỪ MỨC THẤP NHẤT TRONG BA THÁNG DO KỲ VỌNG NHU CẦU TĂNG Ở TRUNG QUỐC
Đậu tương CBOT tăng phiên thứ hai vào thứ Hai; lúa mì tăng sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng trong phiên trước. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã tạo đà tăng trên diện rộng của giá ngũ cốc CBOT.
Ngô tăng lần đầu tiên trong năm phiên.
Điểm tin chính
- Đậu tương CBOT tăng 0,3% lên 14,42-3/4 USD/giạ, vào lúc 01:29 GMT.
- Lúa mì tăng 0,6% lên 7,65-1/4 USD/giạ.
- Ngô tăng 0,1% lên 6,46-3/4 USD/giạ.
Việc nới lỏng các yêu cầu xét nghiệm Covid-19 và các quy tắc kiểm dịch ở một số thành phố của Trung Quốc đã được thực hiện, sau khi hàng trăm triệu người kỳ vọng về sự thay đổi trong chính sách phòng chống dịch trước tình trạng bất ổn xã hội lan rộng.
Thời tiết bất lợi tại các vùng sản xuất chính đang hỗ trợ giá cho thị trường nông sản.
Hạn hán kéo dài đã khiến hơn 1/3 diện tích đậu tương được trồng sớm ở vùng canh tác chính của Argentina ở tình trạng kém, sàn giao dịch ngũ cốc Rosario cho biết vào cuối ngày thứ Năm, đồng thời dự báo thời tiết khô và nóng hơn sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Một báo cáo của chính phủ cho biết hôm thứ Sáu, vụ thu hoạch lúa mì của Canada ít hơn so với dự kiến do điều kiện khô hạn ở các vùng của Prairies, nhưng vẫn lớn hơn so với năm ngoái.
Tuy nhiên, chỉ số giá thế giới của cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ tám liên tiếp kể từ mức cao kỷ lục vào tháng 3 sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Vụ thu hoạch lớn kỷ lục của Nga và kênh xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đã làm tăng cạnh tranh xuất khẩu đối với nguồn cung của Hoa Kỳ.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) hôm thứ Năm cho biết doanh số xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ đạt tổng cộng 162.500 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 24/11, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là từ 300.000 tấn đến 725.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp cho biết hôm thứ Sáu, các trang trại Ukraine đã thu hoạch 41,9 triệu tấn ngũ cốc từ 85% diện tích dự kiến tính đến ngày 01/12.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy hôm thứ Sáu, nông dân Ấn Độ đã trồng lúa mì trên 21,2 triệu ha kể từ ngày 01/10, khi mùa gieo hạt hiện tại bắt đầu, tăng 6% so với một năm trước. Giá cao kỷ lục và độ ẩm của đất cao hơn đã khuyến khích nông dân trồng trọt.
Các nhà đầu cơ lớn đã tăng vị thế mua ròng của họ đối với các Ngô CBOT trong tuần tính đến ngày 29/11.
Báo cáo cam kết thương nhân của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai cũng cho thấy các nhà giao dịch phi thương mại, bao gồm các quỹ phòng hộ, đã cắt giảm vị thế bán ròng đối với lúa mì CBOT và tăng vị thế mua ròng đối với đậu tương.
(Nguồn: Reuters)
CHIẾN LƯỢC NGÔ
CHIẾN LƯỢC ĐẬU TƯƠNG
DẦU THÔ CẮT ĐỨT CHUỖI GIẢM 3 TUẦN LIÊN TIẾP TRƯỚC RỦI RO NGUỒN CUNG VÀ KỲ VỌNG TRUNG QUỐC SỚM MỞ CỬA
Kết thúc tuần giao dịch 28/11 – 4/12, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, trong khi giá khí tự nhiên giảm mạnh 14,31% xuống 6,28 USD/MMBtu. Thời tiết khắc nghiệt đang làm trì hoãn kế hoạch xây dựng các nhà ga LNG đầu tiên của Đức và ảnh hưởng tới khả năng nhập khẩu của quốc gia này, gây áp lực lên giá khí. Công trình này dự kiến sẽ bổ sung công suất khoảng 20 tỷ mét khối LNG mỗi năm, tương đương hơn 40% lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu từ Nga.
Đáng chú ý, dầu thô đã cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó, với dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở NYMEX tăng 4,85% lên 79,98 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 85,57 USD/thùng, cao hơn 2,06% so với tuần trước. Kỳ vọng về kịch bản sớm mở cửa trở lại tại thị trường nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, trong khi yếu tố nguồn cung không chắc chắn trước hàng loạt tác động khác nhau đã kéo giá dầu tăng trở lại trong tuần qua.
Lực mua liên tục được thúc đẩy trong các phiên đầu tuần khi xuất hiện các nguồn tin cho rằng nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể cắt giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tuần do nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Tuy nhiên, với sự phục hồi của giá dầu ngay trong tuần, và những rủi ro trước thềm lệnh cấm dầu thô Nga bằng đường biển đi vào hiệu lực vào ngày 05/12, nhóm đã quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp vào ngày hôm qua 04/12.
Một phần, đang ngày càng có nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào kịch bản Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Zero-Covid và sớm mở cửa trở lại sau những bất ổn xã hội hội đầu tuần. Trên thực tế, động thái nới lỏng hơn trong công tác kiểm soát dịch cũng đã được thực hiện. Trong một tuyên bố mới đây, bắt đầu từ thứ Hai tuần này, Trung tâm tài chính Thượng Hải sẽ loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm PCR để vào các địa điểm công cộng như công viên, cũng như các phương tiện công cộng. Nhiều khả năng thông tin này sẽ hỗ trợ cho giá dầu ngay trong phiên sáng bởi kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi trở lại.
Trong khi đó, yếu tố nguồn cung hiện vẫn đang còn mang nhiều ẩn số. Vào cuối tuần qua, các quốc gia tại khu vực EU đã chính thức công bố mức trần giá áp dụng lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, và được sự ủng hộ từ nhóm G7. Theo dữ liệu từ Argus Media, mức trần giá hiện đang cao hơn mức 50 USD/thùng của loại dầu thô Urals hàng đầu của Nga hiện đang được giao dịch. Thị trường tỏ ra lạc quan với mức trần giả này khi tin rằng xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến và phần lớn dòng chảy dầu sẽ không thất thoát quá nhiều. Giá đầu cũng gặp sức ép bán nhẹ trong phiên cuối tuần trước kỳ vọng này.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống, trong đó cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu thô của quốc gia này bán cho bất kỳ ai tham gia vào cơ chế giới hạn giá, đồng thời khẳng định sẵn sàng cắt giảm sản lượng. Điều đó vẫn sẽ tạo ra rủi ro tiềm ẩn tới nguồn cung, nhất là khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc được kỳ vọng đang dần khởi sắc.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu từ phía Mỹ cũng đang chịu nhiều thách thức khi các công ty khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ khó gia tăng sản lượng. Mức tăng sản lượng dầu đang chậm lại và một số công ty lớn nhất đang cảnh báo về sự sụt giảm trong tương lai do các mỏ đầu hoạt động quá mức và các giếng kém năng suất. Dữ liệu của Baker Hughes, cũng báo cáo số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ không có sự thay đổi trong tuần kết thúc ngày 02/12, làm dấy lên lo ngại về khả năng lắp đầy khoảng trống mà OPEC+ để lại.
(Nguồn: MXV)
CHIẾN LƯỢC DẦU
Bài viết liên quan